Hơi thở có mùi hôi, sưng lợi, thường xuyên nghiến răng… là những biểu hiện lạ ở miệng cảnh báo cơ thể đang mắc bệnh. Các chuyên gia cảnh báo, khi xuất hiện những dấu hiệu này ở miệng, mọi người nên đi kiểm tra để phòng và chữa bệnh kịp thời.
Dưới đây là những biểu hiện bệnh thông qua răng miệng, bạn nên biết để phòng chữa bệnh kịp thời:
Dạ dày
Hơi thở xuất hiện mùi hôi kéo dài có thể báo hiệu những vấn đề sức khỏe như trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Tình trạng dịch dạ dày chảy ngược vào thực quản, gây ra các triệu chứng điển hình như ợ nóng, nóng rát ở cổ họng. Lúc này, vi khuẩn miệng sẽ gây ra mùi hôi khó chịu.
Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra, 24 % bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ bị xói mòn răng do dịch vị axit bởi trào ngược dạ dày hòa vào men răng gây ra.
Để ngăn ngừa, mọi người nên chú ý đến thực phẩm tiêu thụ hằng ngày như tránh ăn quá no, uống nhiều nước có gas, sử dụng các chất kích thích, đồ ăn cay nóng…
Căng thẳng, lo âu
Những người đang gặp lo âu, căng thẳng thường có thói quen nghiến răng. Tuy thói quen này không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nếu diễn ra thường xuyên với cấp độ nặng, có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho răng miệng.
Nghiến răng thường xuyên gây ra áp lực làm răng dễ bị bào mòn, đau nhức. Thậm chí, ở mức độ nặng, bạn có thể xuất hiện những tình trạng mỏi, căng cơ hàm và đau nhức khi nhai, nuốt ảnh hưởng đến việc ăn uống hằng ngày.
Thiếu canxi, loãng xương
Răng là một bộ phận cần các khoáng chất, canxi để nuôi dưỡng và phát triển, nếu không có những dưỡng chất này, chúng sẽ dễ yếu và nướu răng cũng không đủ khỏe mạnh để giữ răng lại.
Nếu răng bạn đột nhiên bị lỏng, lung lay bất thường mặc dù đã qua tuổi thay răng thì đó chính là biểu hiện của tình trạng loãng xương. Các chuyên gia cũng cảnh báo, những người bị thiếu hụt canxi có thể dẫn đến tình trạng rụng răng đột ngột gấp 3 lần so với thông thường.
Đái tháo đường
Những người mắc bệnh tiểu đường nếu bị nướu đỏ, sưng, chảy máu răng cần đi kiểm tra sức khỏe, bởi đó là dấu hiệu lượng đường trong máu không ổn định.
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị viêm nha chu cao gấp 3 lần so với thông thường. Bên cạnh đó, những cơn đau tim, đột quỵ cũng có thể xuất hiện kèm theo các hiện tượng viêm, nhiễm ở nướu răng.
Rối loạn ăn uống
Sâu răng, lở loét, khô miệng, bệnh về nướu… xuất hiện có thể khi bạn chán ăn vì cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng như canxi, sắt, vitamin B…
Bên cạnh đó, khi bị rối loạn ăn uống, bệnh nhân thường xuất hiện những căn bệnh dạ dày, tiêu hoá là do lượng axit ở các cơ quan này dâng cao và làm mòn men răng, biến đổi màu sắc và hình dạng răng.
Phương Nam