Được xếp vào căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay, Lao phổi đang là mối lo ngại của các chuyên gia y tế khi sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh ngày càng phức tạp.
Bệnh Lao phổi gây ra bởi vi khuẩn có tên là Mycobacterium tuberculosis. Bệnh nhân lao phổi là những bệnh nhân khi xét nghiệm đờm có vi khuẩn lao là nguồn lây truyền bệnh cho người sống xung quanh. Bên cạnh đó, cũng có người mắc bệnh lao phổi nhưng xét nghiệm đờm không tìm thấy vi khuẩn lao thì khả năng lây bệnh ít hơn rất nhiều.
Nguyên nhân gây lao phổi
Bệnh lao phổi xảy ra do thường xuyên hoạt động ở nơi bị ô nhiễm, nhiều khí uế, nơi ẩm ướt tối tăm, bụi bẩn điều kiện để vi khuẩn lao phát triển gây bệnh; do việc tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, tiếp xúc với chất thải có chứa vi khuẩn lao như đờm, dãi, nước bọt khi ho, hắt hơi … Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao, khi chăm sóc thú bị chúng cào xước….
Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh lao phổi cũng có nguy cơ lớn lây truyền bệnh cho người khác, sự lây truyền bệnh còn phụ thuộc vào số lượng vi trùng lao ở người bệnh.
Một bệnh nhân lao phổi có thể lây cho khoảng 10 người
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện nay có 1/3 dân số thế giới đã bị nhiễm lao, hàng năm có thêm khoảng 9 triệu người mắc lao mới và có khoảng 3 triệu người chết vì lao, riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam có tới 44% dân số đã nhiễm lao, tuy nhiên, chỉ có 5-10% những người nhiễm lao chuyển thành mắc bệnh lao trong cuộc đời. Đó là lúc cơ thể bị suy giảm miễn dịch như giai đoạn nhiễm virut, suy kiệt do lao động nặng, dùng một số thuốc giảm miễn dịch kéo dài, mắc một số bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, nhiễm HIV,… vi khuẩn lao sẽ sinh sôi và gây bệnh.
Một người bị bệnh lao nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ làm lây lan sang người khác. Trung bình một bệnh nhân lao nếu không được điều trị sẽ lây cho khoảng 10 người.
Những người tiếp xúc càng nhiều thời gian, càng trực tiếp với bệnh nhân thì nguy cơ bị lây bệnh càng cao. Theo đó, bệnh nhân lao phổi khi ho, khạc, hắt hơi,… sẽ làm bắn ra môi trường xung quanh những hạt nước bọt có chứa vi khuẩn lao. Người bình thường hít phải những hạt này sẽ bị nhiễm vi khuẩn lao.
Phòng bệnh lao phổi
Phát hiện bệnh thông qua các triệu chứng
Ho là triệu chứng của nhiều bệnh phổi nhưng nếu bệnh nhân ho trên ba tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi mà dùng thuốc kháng sinh không khỏi thì phải nghĩ tới bệnh lao. Đặc biệt, nếu có triệu chứng ho ra máu cần đi kiểm tra ngay vì nó có thể là biểu hiện của nhiều loại bệnh như từ các bệnh phổi – phế quản (viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, ung thư phổi, phế quản…) đến các bệnh ngoài đường hô hấp như tim mạch (suy tim, tăng huyết áp…), bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, chảy máu, thiếu hụt vitamin C…).
Đau ngực, khó thở là triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh lao phổi. Không chỉ thế, người bệnh có thể sụt cân, gầy gò ốm yếu.
Sốt là triệu chứng thường gặp của người lao phổi. Có thể là sốt cao, bất thường nhưng đa số là sốt nhẹ về chiều. Nếu bị sốt kèm theo các triệu chứng như ho, khạc đờm, ho ra máu,… cần đến khám, xét nghiệm lao phổi càng sớm càng tốt.
Ra mồ hôi về ban đêm (mồ hôi trộm) là một dấu hiệu của bệnh lao phổi dễ nhận thấy nhất. Ngoài ra, người bệnh lao có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi.
Tất cả những người có dấu hiệu nghi lao cần được phát hiện bệnh sớm bằng cách xét nghiệm đờm tại cơ sở y tế và điều trị cho khỏi bệnh.
Gia đình, người thân, bạn bè cần động viên người nghi lao đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh lao. Nhắc người bệnh uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh lao khi chăm sóc người bệnh lao.
Minh Nguyên