Tăng men gan là sự phản ánh có một lượng emzym tế bào gan có giá trị cao hơn mức bình thường do tế bào gan đang bị tổn thương hoặc hoại tử. Tuy nhiên men gan tăng cao đôi khi là do thuốc hoặc do yếu tố ngoại cảnh kích thích men gan cao đột biến trong thời gian ngắn mà không phải do tình trạng bệnh lý gây nên.
Vậy chúng ta nên cần biết những gì về tăng men gan.
Theo TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội khoa học gan mật Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm phòng chống ung thư, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa Nội soi Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, mặc dù hiện nay y học rất phát triển, các kỹ thuật chẩn đoán khá tiên tiến và có khả năng chẩn đoán tăng men gan ở những giai đoạn sớm. Tuy nhiên điều đó cũng chưa thể khẳng định được bệnh bởi có rất nhiều nguyên nhân gây tăng men gan khác nhau. Để việc điều trị được hiệu quả nhất bác sĩ cần tìm ra căn nguyên gây tăng men gan để khắc phục.
Viêm gan do siêu vi
Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng men gan tăng cao. Men gan tăng do virus thường là men trong tế bào gan (AST và ALT). Đây tình trạng do virus huỷ hoại tế bào gan, giải phóng men gan ra ngoài. Trường hợp nhiễm virus viêm gan thể cấp, men gan có thể tăng gấp 50 lần so với bình thường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định có 5 loại virus gây viêm gan là A, B, C, D, E. Trong đó, trên thế giới virus viêm gan B có tới 2 tỷ người nhiễm bệnh. Số người mắc viêm gan B tại Việt Nam chiếm khoảng 10-20% dân số. Tuy nhiên, đến nay con số chính xác vẫn chưa được xác định do tỷ lệ nhiễm tiềm tàng trong cộng đồng còn rất nhiều.
Lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất có cồn
Thường xuyên sử dụng rượu bia làm giảm đáp ứng thải độc gan của cơ thể không chỉ gây ra những tổn thương cho cơ thể, mà đồng thời huỷ hoại tế bào gan do gan phải hoạt động quá mức. Ngoài ra, việc lạm dụng rượu bia dễ dẫn đến các bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan hay ung thư gan.
Các bệnh lý đường mật
Đây là một trong những “thủ phạm” khiến men gan tăng cao: Các bệnh lý ở đường mật như viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi mật, sỏi mật trong gan… sẽ làm tổn thương gan và làm tăng men gan.
Một số bệnh lý gây tăng men gan
Ngoài các bệnh lý về gan thì tăng men gan còn có nhiều căn nguyên bệnh tật khác như sốt xuất huyết (biến chứng của xuất huyết gây viêm gan và hoại tử tế bào gan cấp tính, dẫn tới men gan có thế tăng tới hàng nghìn). Ngoài ra một số bệnh cũng gây tăng men gan như bệnh Hemachromatosis (một bệnh di truyền rối loạn hấp thu sắt, tích tụ sắt trong gan dẫn đến xơ gan), viêm loét đại tràng, viêm gan tự miễn, sốt rét, đái tháo đường, béo phì…
Do thuốc
Nhiều loại thuốc gây tăng men gan như thuốc hóa trị điều trị ung thư, các thuốc chống lao, hay cả thuốc diệt virus trong điều trị bệnh gan cũng làm tăng men gan… . Do vậy khi bị mắc bệnh mà phải sử dụng thuốc có tác dụng phụ đến gan, bác sĩ sẽ là người cân nhắc lợi hại để kê đơn cho bệnh nhân.
Một số loại thuốc gây bất thường men gan
· Thuốc giảm đau: aspirin, acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Naprosyn, Naprelan, Anaprox, Aleve), diclofenac (Voltaren, Cataflam…), phenylbutazone (Butazolidine).
· Thuốc điều trị động kinh: phenytoin (Dilantin), valproic acid (Depakote, Deparkin,…), carbamazepine (Tegretol), phenobarbital.
· Kháng sinh: tetracyclin, sulfonamid, isoniazid (INH) (Nydrazid, Laniazid), sulfamethoxazole (Gantanol), Trimethoprim (Trimpex; Proloprim, Primsol), Nitrofurantoin (Macrodantin; Furadantin; Macrobid), fluconazole (Diflucan).
· Thuốc tim mạch: amiodarone (Cordarone), hydralazine, quinidine (Quinaglute, Quinidex)…
· Thuốc chống trầm cảm.
· Thuốc giảm mỡ máu
Men gan tăng do chế độ ăn uống, ăn các loại thực phẩm độc hại
Một trong những nguyên nhân quan trọng gây tăng men gan, viêm gan, ung thư gan là độc tố aflatoxin gây ra bởi nấm mốc có trong các loại ngô, đậu, bắp bị mốc, nấm độc, gạo mốc … Theo các nhà khoa học, aflatoxin là chất gây ung thư mạnh nhất, hấp thu qua đường tiêu hóa, nếu hấp thu 2,5mg aflatoxin trong 89 ngày sẽ xuất hiện ung thư gan sau 1 năm.
Men gan bình thường có các trị số xét nghiệm đạt:
AST: 20 – 40 UI/L
ALT: 20 – 40 UI/L
GGT: 20 – 40 UI/L
LDH: 30 – 40 UI/L
Minh Nguyên