Ngáp là việc quen thuộc với bất cứ ai, nhất là khi cơ thể mệt mỏi. Ấy vậy nhưng có rất nhiều điều thú vị về ngáp mà có thể không phải ai cũng biết biết.
Ngáp không hẳn là vì buồn ngủ
Không phải chỉ khi mệt mỏi người ta mới ngáp. Một nghiên cứu năm 1986 cho rằng, ngáp có liên quan tới cảm giác buồn chán. Tạp chí “National Geographic” Mỹ cũng đăng tải một nghiên cứu mới nhất cho biết: Ngáp có tác dụng “hạ nhiệt” cho đại não, đảm bảo sự tỉnh táo của não bộ.
Ngáp có thể bị “truyền nhiễm”
Một nghiên cứu khác phát hiện, có đến hơn 50% số người tham gia xem một đoạn video chiếu cảnh người khác đang ngáp, cũng bắt đầu ngáp theo. Một thí nghiệm năm 2004 lại phát hiện: Tính lây nhiễm của ngáp cũng tồn tại tương tự ở loài tinh tinh và khỉ đầu chó.
Điều khiến chúng ta ngạc nhiên hơn chính là khi nhìn thấy người chủ ngáp thì các vật nuôi cũng có thể sẽ ngáp theo. Thậm chí chỉ là nghĩ hay đọc về chuyện liên quan tới ngáp cũng có thể kích thích khiến chúng ta ngáp theo.
Giáo sư, tiến sĩ Robert Provine tại khoa tâm lí học và khoa thần kinh của Đại học Maryland cho rằng, ngáp có tính lây truyền không có gì là lạ, điều này cũng giống như hiện tượng lây truyền tiếng cười. Tiến sĩ Decker bày tỏ quan điểm: ngáp lây truyền là một hiện tượng mang tính sinh lí, chính xác hơn thì nó là một hiện tượng xã hội.
Song không có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể lây truyền ngáp cho bạn. Nghiên cứu năm 2005 phát hiện ra rằng tính lây truyền của ngáp mạnh mẽ nhất là giữa những người bạn thân thiết. Ở phương diện di truyền và có liên hệ tình cảm càng gần gũi thì càng dễ dàng lan truyền cho nhau. Tiến sĩ Decker cho rằng điều này có thể có quan hệ với “giả thuyết đồng cảm”, vì bạn bè thân thiết và gia đình sẽ có những cảm xúc mạnh mẽ hơn ảnh hưởng tới nhau.
Ngáp có thể là dấu hiệu của bệnh tật
Ngáp quá mức có thể là tín hiệu cho thấy có điều gì đó bất ổn dẫn đến thiếu ngủ trầm trọng. Nhưng trong một số trường hợp ngáp liên tục thì rất có thể còn liên quan đến căn bệnh nào đó. Viện nghiên cứu vệ sinh quốc gia Hoa Kỳ đã nghiên cứu phát hiện: Ngáp quá nhiều có thể là một loại phản ứng gây ra bởi dây thần kinh phế vị, có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch. Trong trường hợp hiếm hoi khác, nó biểu hiện một số vấn đề về não.
Thai nhi cũng ngáp
Thai nhi trong bụng mẹ cũng biết ngáp. Nhưng từ trước tới nay, chưa có ai tìm hiểu kĩ càng về cơ chế ngáp của thai nhi. Các nhà nghiên cứu đã không ngừng tranh luận về vấn đề thai nhi mở miệng có phải là đang ngáp hay không. Nhưng một nghiên cứu năm 2013 đã phát hiện, thông qua ảnh sử dụng công nghệ chụp siêu âm 4D có thể biết được thai nhi ngáp giả hay thật. Thai nhi ngáp có thể có quan hệ với việc phát triển trí não của chúng, được xem như một dấu hiệu của sự phát triển bình thường.
Trung bình một cái ngáp kéo dài 6 giây
Trong 6 giây này, nhịp tim tăng nhanh đáng kể. Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu đối với sự thay đổi của cơ thể trước, trong và sau khi ngáp. Kết quả đã phát hiện, trong vòng 6 giây đã xảy ra rất nhiều biến đổi sinh lý có liên quan mật thiết với việc ngáp. Sau khi các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia thí nghiệm hít thở sâu, thì những thay đổi sinh lí này không xảy ra nữa.
Theo Meirihaowen
Quỳnh Chi biên dịch
Xem thêm: