Đại Kỷ Nguyên

Những loại thuốc bà bầu cần tránh để phòng sinh non và con dị tật

Giai đoạn chị em mang bầu rất nhạy cảm, một chút thay đổi trong cơ thể người mẹ cũng tác động lớn đến thai nhi. Vậy nên việc dùng thuốc cần hết sức cân nhắc để không gây hại cho con.

Làm sao để hạ sốt, bị cúm…trong lúc mang thai mà vẫn đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi?, cùng tham khảo cách dùng thuốc sau để đảm bảo an toàn nhé!

Thuốc trị cúm

Bị cúm khi đang mang thai là một trong những nỗi lo sợ nhất của bà bầu. Virut cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật, mà khi sốt cao cộng với độc tính của virut cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai hoặc sinh non. Các loại thuốc đều có thể có tác dụng phụ gây hại cho cả mẹ và con, nếu dùng không đúng chỉ định và liều lượng.

Một số loại thuốc trị cúm có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi như sau:

Thuốc kháng virut (tamiflu, flumadine, relenza hoặc symmetrel): Phụ nữ mang thai muốn sử dụng thuốc kháng virut thì phải được cân nhắc chặt chẽ giữa bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa. Các thuốc này có thể gây ra các nguy cơ khuyết tật bẩm sinh.

Tamiflu một loại thuốc kháng virus để trị cúm, bà bầu cần tránh dùng. (Ảnh: Vietnammoi.vn)

Thuốc tiêu đờm guaifenesin và ức chế ho dextromethorphan: Là những chất thường thấy trong thuốc chống cảm lạnh và ho dạng phối hợp. Chúng liên quan đến các biến chứng khi mang thai trong các nghiên cứu động vật.

Khi bà bầu bị cúm, cần theo chỉ định của thầy thuốc, đồng thời nâng cao sức đề kháng qua ăn uống, rèn luyện, không nên tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cúm. Cần vệ sinh mũi, họng vài lần/ngày bằng nước muối sinh lý. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi mang thai 3 tháng đến 1 năm.

Thuốc chống trầm cảm, giảm stress

Stress và trầm cảm ở phụ nữ mang thai thường khó phát hiện, liên quan nhiều đến sự thay đổi hormon, biển đổi tâm lý trong khi mang thai. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt cho thai nhi. Stress ảnh hưởng đến hoạt động của trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, đưa tới tăng sản xuất corticosteroid và acid amin vận mạch, làm giảm lưu lượng máu rốn và là nguyên nhân nền dẫn đến tình trạng thiếu ôxy ở thai nhi và sinh non.

Cẩn thận với những thuốc điều trị trầm cảm, stress. (Ảnh: giadinhtre.vn)

Nếu mẹ bầu sử dụng thuốc chống trầm cảm thì các chất có trong thuốc sẽ tác động tới hệ thống thần kinh trung ương, một vài chất sẽ thông qua nhau thai và ảnh hưởng xấu đến thai nhi gây dị tật tim mạch, loạn nhịp tim, não kém phát triển và các dị tật bẩm sinh khác. Bởi vậy khi mang thai mà bị stress, trầm cảm, bà bầu cần đi khám bệnh và dùng thuốc dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa tâm thần.

Thuốc lợi tiểu

Khi mang thai, có phụ nữ xuất hiện bàn chân và bàn tay bị phù lên do cản trở máu ngoại vi về tim, tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch, thoát dịch ra ngoài mà gây ra, sinh hoạt của bà bầu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, một số bà bầu sử dụng thuốc lợi tiểu để làm giảm tình trạng phù nề. Thực ra đây là quan niệm sai lầm và vô cùng nguy hiểm.

Các thuốc lợi tiểu như: lorothiazid, hydroclorothiazid, flurosemid, acid ethacrynic, bumetamid… thường có tác dụng lợi tiểu rất mạnh và làm mất natri nhanh. Những thuốc này làm giảm sự chuyển máu cho thai nhi qua nhau, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của thai nhi. Nếu cơ thể bị mất quá nhiều nước thì mẹ bầu có thể gặp các biến chứng như buồn nôn, đau đầu và chóng mặt.

Thuốc trị đau nửa đầu

Không ít phụ nữ mang thai bị đau nửa đầu. Với những cơn đau nửa đầu nhẹ và mới, có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol. Khi chứng đau nửa đầu nặng hơn, cần phải dùng đến các thuốc tác dụng mạnh hơn (thuốc điều trị cắt cơn ergotamin tartrat). Tuy nhiên, các thuốc chống đau nửa đầu thường chống chỉ định với phụ nữ mang thai vì nó có thể gây ra những cơn co bóp tử cung dễ dẫn đến sảy thai.

Bà bầu không nên tự ý mua thuốc. (Ảnh: sciencedaily.com)

Vì vậy, đối với phụ nữ mang thai, khi bị bệnh thì cần đi khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc để hạn chế các biến chứng cho mẹ và thai nhi.

Theo SKĐS
Yến Dương

Xem thêm: Ăn húng quế trong thai kỳ: Tốt cho cả mẹ lẫn con

Exit mobile version