Đại Kỷ Nguyên

Những lưu ý khi uống nước sâm trong mùa nắng nóng

Nước sâm là thức uống phổ biến tại Tp.HCM mỗi dịp nắng nóng giúp thanh lọc, giải nhiệt. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, loại nước này sẽ gây các bệnh tiêu hóa, suy thận… nếu không uống đúng cách và được chế biến an toàn.

Nước sâm lạnh bán rất nhiều ở các vỉa hè, lề đường giúp thanh nhiệt, giải khát trong tiết trời nắng nóng.

Thành phần nước sâm gồm các thảo dược có vị đắng, tính mát (hoặc hàn) giúp thanh nhiệt, dưỡng âm sinh tân, nhuận tràng, giải độc, mát gan nếu uống quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng tiểu nhiều, gây mất nước, mất cân bằng điện giải cho cơ thể, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chấtcần thiết như Ca, K…

Nước sâm là thức uống giải khát được nhiều người dân lựa chọn trong mùa nóng. Công thức của các loại nước sâm khá đa dạng, kết hợp nhiều loại thảo quả khác nhau giúp thanh nhiệt, chữa bệnh.

“Theo dược học cổ truyền, nguyên liệu của nước giải khát này đều có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ khát, thường được dùng để phòng ngừa và giải trừ tình trạng tích nhiệt trong cơ thể. Nhìn chung, các loại nước giải khát này đều không độc hại vì chúng được chế biến từ những cây cỏ mang tính thức ăn – vị thuốc và đã được sử dụng trong đời sống từ rất lâu đời”, ThS. Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 trao đổi với Zing cho biết.

Nước sâm được nấu từ hỗn hợp các loại lá, rễ cây và một số loại thực vật có tính mát như mía lau, râu bắp, rễ cỏ tranh, bông mã đề… với đường phèn.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, những công dụng trên chỉ phát huy trong điều kiện các thảo mộc an toàn, chất lượng, người dùng uống với định lượng vừa đủ.

Những lưu ý khi uống nước sâm trong mùa nắng nóng

Theo Phụ Nữ Tp.HCM, ông Lê Huy Hùng – chuyên gia về an toàn thực phẩm cho biết, hiện nay có rất nhiều nước sâm trôi nổi, trộn nguyên liệu kém chất lượng, đường hóa học, chất tạo màu gây nguy hại sức khỏe.

Nếu thai phụ thường xuyên uống nước sâm sẽ gây kích thích niêm mạc đường ruột, suy giảm chức năng tiêu hóa, thận và trở ngại cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng. Đối với người bình thường, uống quá nhiều nước sâm chứa hóa chất sẽ tích tụ và gây nên bệnh tá tràng và một số bệnh lý thông thường khác. Đồng thời, chức năng thải độc của gan, thận cũng sẽ bị suy giảm theo vì tác hại của các loại đường hóa học.

Ngoài ra, do thành phần chứa cỏ tranh, nên người hư hỏa, phụ nữ mang thai, người bệnh sốt cao do nhiễm trùng hoặc người tì vị yếu, người già yếu cũng không nên dùng loại nước mát này.

Bên cạnh đó, trong sâm lạnh thường chứa axit photphoric, loại chất làm tăng nguy cơ loãng xương gây tình trạng thiếu canxi cho xương.

Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên mua nguyên liệu tươi về nấu nước sâm (ảnh: Zing).

Trẻ nhỏ không nên uống nhiều nước sâm. Mức nước sâm cho trẻ khoảng 200-300ml và người lớn từ 300-500ml/ngày.

Hạn chế uống nước sâm quá nhiều vào buổi tối. Bên cạnh đó, mọi người cần lưu ý, sau bữa ăn có nhiều thực phẩm tươi sống, lạnh không nên uống nước sâm vì rất dễ gây rối loạn tiêu hóa.

H.H

Exit mobile version