Ho vốn là một phản xạ bảo vệ của cơ thể nhằm đẩy dịch tiết hoặc dị vật ra khỏi đường hô hấp. Nhưng nếu ho kịch liệt kéo dài sẽ gây khó chịu, khản tiếng, thậm chí là xuất huyết. Theo Đông y, muốn trị ho khan cần phải phân loại ho, rồi dùng liệu pháp ẩm thực là tốt nhất.

Ho theo Đông y được chia làm ho do ngoại cảm (nguyên nhân bên ngoài) và ho do nội thương (nguyên nhân bên trong), tại đây chúng ta chỉ nói về ho ngoại cảm. Ho ngoại cảm lại chia thành ho do phong hàn và ho do phong nhiệt.

Ho phong hàn

Do phong hàn (gió lạnh) xâm nhập, gặp nhiều trong hai mùa Đông và mùa Xuân. Biểu hiện: đờm nhiêều, màu trắng, có bọt, dễ ho ra đờm, đau đầu, nghẹt mũi, nước mũi trong, hoặc có thể kèm thêm sợ lạnh, không mồ hôi, lưỡi màu hồng nhạt, rêu lưỡi  trắng mỏng.

Ho phong nhiệt

Do phong nhiệt phạm vào phế, nhập lý hóa nhiệt, nhiệt thiêu đốt tân dịch, hay gặp vào mùa Hạ và mùa Thu. Ho phong nhiệt có biểu hiện: Đờm đặc màu vàng, số lượng ít, có thể ho khan không đờm, đau họng, khàn giọng, họng ngứa muốn ho, miệng khô, thường kèm thêm sốt, đau đầu, chóng mặt, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng. Giai đoạn cuối của bệnh phổi không tiết dịch nữa, nên có thể ho khan, không đờm.

Cần phần biệt ho phong hàn hay ho phong nhiệt để có biện pháp điều trị phù hợp.

Một số phương thuốc trị ho phong hàn:

1. Gừng+đường mật+tỏi

Trẻ nhỏ bị cảm mạo phong hàn, uống nước gừng đường đỏ có tác dụng rất tốt, nếu như trẻ có kèm thêm ho, thì có thể cho thêm 2-3 tép tỏi vào nấu cùng, đun lửa nhỏ trong 10 phút, vị cay của tỏi sẽ mất, trẻ dễ uống hơn.

2. Nước tỏi hấp

Lấy 2-3 tép tỏi, giã nhỏ, để trong bát rồi thêm nửa bát nước nhỏ, thêm một viên đường phèn, sau đó dùng nắp đậy bát lại, cho vào nồi đun cách thủy, đun lửa to trong 15 phút. Sau đó đợi đến khi nước trong bát nguội bớt thì cho trẻ uống, có thể không ăn tỏi. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần nửa bát nhỏ. Tỏi tính ôn, nhập vào tỳ vị, phế kinh, trị ho do lạnh, do thận hư có hiệu quả rất tốt, hơn nữa lại dễ dàng đơn giản.

3. Quýt nướng

(Ảnh: Internet)

Lấy quả quýt nướng trên lửa nhỏ, xoay đều, nướng đến khi vỏ quýt biến thành màu đen, bên trong quả quýt toát ra nhiệt là được. Sau đó đợi một chút cho quả quýt nguội, bóc vỏ, cho trẻ ăn múi quýt ấm. Nếu như quýt to có thể cho trẻ ăn 2-3 múi, quýt nhỏ có thể cho trẻ ăn cả quả. Tốt nhất là ăn cùng với nước tỏi, một ngày ăn 2-3 lần. Quýt tính ôn, có tác dụng tiêu đờm khỏi ho. Sau khi ăn quýt nướng lượng đờm sẽ giảm rõ rệt, tác dụng trị ho vô cùng rõ ràng.

4. Trứng xào bột gừng

Cho một thìa nhỏ dầu vừng vào chảo, khi dầu nóng thì cho một ít bột gừng, ngay sau đó đập 1 quả trứng gà vào đảo đều. Trẻ ho do phong hàn mỗi ngày ăn khi còn nóng một lần, kiên trì ăn mấy ngày sẽ thấy hiệu quả rõ ràng.

5. Lê + hoa tần bì gai+ đường phèn

Quả lê rửa sạch, cắt ngang ⅓ trên, rồi lấy thìa khoét phần hạt ở giữa, sau đó cho 20 hạt hoa tần bì gai, 2 viên đường phèn, rồi đậy ⅓ nửa trên lại, cho vào bát, sau đó hấp cách thủy trong nồi khoảng nửa tiếng.

Một quả lê có thể dùng ăn hai lần. Lê chưng đường phèn có tác dụng trị ho do phong hàn rất tốt.

6. Cháo gừng

Gừng 3 miếng, gạo 30 g. Gừng rửa sạch cắt lát, nấu cùng với gạo thành cháo loãng ăn.  Mỗi lần ăn 1-2 bát, liên tục 3-5 ngày.

Trên đây là liệu pháp ẩm thực trị ho do phong hàn, bậc cha mẹ có thể vận dụng để trị bệnh cho con. Ngoài ra còn cần chú ý không để cho trẻ ăn thức ăn có tính hàn: đậu xanh, cua, trai, ốc, hồn, bưởi, chuối tiêu, mía, dưa hấu, mướp đắng, mã thầy, củ từ, rong biển, tảo tía, củ cải, cà, ngó sen, bí đao, mướp, khoai lang…

Một số món ăn trị ho phong nhiệt:

1. Lê + đường phèn + Xuyên bối mẫu

Quả lê rửa sạch, cắt ngang ⅓ trên, rồi lấy thìa khoét phần hạt ở giữa, sau đó cho 5-6 hạt bối mẫu tứ xuyên (cần nghiền nhỏ), 2 viên đường phèn, rồi đậy ⅓ nửa trên lại, cho vào bát, sau đó hấp cách thủy trong nồi khoảng nửa tiếng. Món này có tác dụng nhuận phổi, ngừng ho, tiêu đờm.

2. Nước củ cải trắng

Củ cải trắng rửa sạch, cắt thành 4-5 miếng, cho vào nồi rồi thêm nửa bát nước, đun to lửa, sau đó đun nhỏ lửa 5 phút. Chờ cho nước nguội rồi cho trẻ uống. Nước củ cải trắng trị ho do phong nhiệt, ho ít đờm có hiệu quả không tệ, đối với trẻ trong vòng 2 tuổi đạt hiệu quả tốt hơn.

3. Những thực phẩm khác

Quả hồng: tính đại hàn, có thể thanh nhiệt, tiêu đờm, khỏi ho. Nhưng trẻ chỉ nên ăn một quả, ăn nhiều bụng sẽ không thoải mái.

(Ảnh: Internet)

Dưa hấu: tính hàn, có thể trị mọi chứng nhiệt. Trẻ trong mùa hè bị ho khan phong nhiệt có thể cho ăn nhiều dưa hấu.

Quả sơn trà: tính hàn, có thể nhuận phổi tiêu đờm khỏi ho. Thích hợp cho ho phong nhiệt có đờm vàng.

Mã thầy: mã thầy tính hàn, có thể tiêu đờm, thanh nhiệt. Lấy 2-3 quả mã thày bỏ vỏ, cắt thành lát, cho vào nồi, thêm bát nước rồi đun trong 5 phút. Phương thuốc này đối với người ho phong nhiệt ho đờm mủ hiệu quả tốt.

4. Cháo bối mẫu

Bối mẫu tán mịn, mỗi lần lấy 1 g. Gạo tẻ nấu cháo, cháo chín cho đường phèn vào khuấy tan, cho tiếp bột bối mẫu, đun nhỏ lửa đến sôi lăn tăn, khuấy đều là được. Mỗi ngày ăn 1-2 lần, liên tục 3-5 ngày có thể giúp tiêu đờm khỏi ho, thanh nhiệt.

5. Dùng nước ngó sen, nước quả lê kết hợp uống.

Ngoài ra trẻ bị ho phong nhiệt còn có thể cho ăn canh bí đao hầm, mướp xào, ngó sen xào, mướp đắng xào, đều có tác dụng tiêu nội nhiệt, trừ hỏa, trị ho. Những thực phẩm cay nóng không nên cho trẻ ăn, như thịt dê, thịt chó, cá, tôm, táo, nhãn, vải, hạt óc chó, quả anh đào, ớt, nhộng.

Theo NTDTV
Đại Hải

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.