Đại Kỷ Nguyên

Những món nước thanh nhiệt bổ dưỡng mùa hè

Mùa hè trời nắng, cơ thể dễ bị mất nước và các chất điện giải qua mồ hôi. Nếu không được bổ sung đầy đủ nước và các chất khoáng, cơ thể dễ bị suy kiệt và nhiễm bệnh. Những thức uống đơn giản sau có thể giúp bạn giải khát và cung cấp nhiều chất điện giải giúp bạn vượt qua cái nóng của mùa hè.

1. Nước dừa

Theo Đông y, nước dừa có vị ngọt, tính bình, không độc. Tác dụng khu phong, ích khí, tiêu phù thũng (giảm phù), trừ hoắc loạn (tiêu chảy, giải nhiệt độc).

Nước dừa dễ kiếm, pha thêm 1 ít muối, sau 1 ngày làm việc ngoài trời nắng có thể cung cấp đầy đủ các chất điện giải bị mất cho cơ thể. Ngoài ra, trẻ em hay người lớn bị tiêu chảy có thể uống nước dừa để bù nước và giải độc. Lưu ý vì nước dừa có nhiều thấp khí nên không dùng trước khi chơi thể thao, phụ nữ có thai hoặc người đang bị bệnh và không nên uống quá nhiều.

2. Nước bông cúc nhãn nhục

Bông cúc giúp giải tỏa căng thẳng thần kinh, giải nhiệt, trị mụn và giúp ngủ ngon. Nhãn nhục thơm ngon, ngọt ngào “nhấn nhá” hương vị cho thức uống. Lưu ý là không nên cho quá nhiều đường, vì đường sẽ kéo nước ra khỏi cơ thể, khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.

Rửa sạch nhãn nhục rồi ngâm trong nước lạnh khoảng 10 phút. Khi nhãn nhục nở ra, mềm mại thì có thể vớt ra. Nhớ giữ lại phần nước ngâm nhãn nhục này. Cho bông cúc vào nồi nước sao cho nước ngập bông cúc. Đun khoảng 15 phút cho dậy mùi. Vớt xác bông cúc ra khỏi nồi nước. Lấy một nồi nước khác, cho đường phèn nghiền nhỏ vào nấu đến khi tan hết. Đổ nước bông cúc, nước nhãn nhục và xác nhãn nhục vào nấu tiếp đến khi sôi thì tắt bếp.

Để nguội, sau đó thả 1 đến 2 xác bông cúc vào ly để trang trí cho đẹp mắt. Món nước này rất thích hợp để uống nóng. Hoặc bạn có thể cho vào ngăn mát của tủ lạnh để thưởng thức.

3. Nước mía lau nấu đường phèn


Món nước mía lau đường phèn (trái) (Ảnh: bepnhabeo.blogspot.com)

Theo Đông y, mía lau vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, hạ khí, trợ tỳ, kiện vị, lợi đại tiểu trường, chỉ khát tiêu đàm, trừ phiền, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc. Mía lau trị hôi miệng, ho, họng sưng đau, hạ đường huyết, tân dịch bất túc, táo bón.

Bắc khoảng 2 lít nước lên bếp, thả mía lau và lá dứa vào đun sôi tầm 30 phút. Sau đó cho râu bắp và đường phèn vào, tiếp đục đun sôi khoảng 5 phút nữa. Tắt bếp.

Để nguội, vớt râu bắp và lá dứa ra, sau đó cho mía lau vào ly, thả thêm vài viên đá nếu muốn uống lạnh. Món nước mía lau thanh mát và thơm dịu mùi lá dứa đã sẵn sàng để cả gia đình cùng thưởng thức!

Trên đây là sơ lược vài món nước thơm ngon, tuỳ khẩu vị từng người mà bạn hãy lựa chọn cho mình. Ngoài ra, còn nhiều món nước mát khác như rễ tranh, mã đề, rau má, bột sắn dây cũng có thể dùng để giải nhiệt cơ thể.

Đặc biệt nước mát nấu cùng rễ tranh, râu bắp, mã đề có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, giúp cơ thể thải trừ độc tố qua đường tiêu hoá và đường niệu, rất tốt cho ai bị tiểu gắt, lắt nhắt, hoặc những người bị rối loạn tiêu hoá do ăn nhiều chất béo, uống rượu bia nhiều.

Những bạn trẻ bị nổi mụn trứng cá, sưng nóng đỏ có thể uống rau má hoặc bột sắn dây cũng rất hiệu quả, lưu ý là pha ít đường hoặc không đường thì càng tốt.

Thư Hùng

Xem thêm: Chăm sóc sức khỏe trong mùa hè theo Đông y

Exit mobile version