Đại Kỷ Nguyên

Những nguyên nhân khiến dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát vào mùa đông

Thời tiết ẩm ướt kéo dài, biến đổi khí hậu, các lễ hội cuối năm… là những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh mùa đông-xuân gia tăng, bùng phát.

VTV đăng tải, hiện nay, Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc đang có diễn biến thời tiết rét lạnh, đặc biệt tình trạng nhiệt độ ban đêm xuống thấp trong khi nhiệt độ ban ngày tăng, trời hửng nắng đã khiến nhiều căn bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, nhất là những bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), ho gà, rubella, viêm não do mô cầu, tiêu chảy do virus Rota, tay chân, miệng.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám trong những ngày qua rất đông, bệnh nhi tới khám chủ yếu là sốt, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết, cúm mùa.

Được biết, mỗi tuần bệnh viện này tiếp nhận 130-150 bệnh nhi đến khám và điều trị vì cúm mùa. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh chủ yếu là các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh khiến trẻ bị sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho.

Trung tâm Y học lâm sàng và Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang điều trị cho trên 30 bệnh nhi mắc cúm mùa. Đa số các ca nhập viện đều biến chứng sang viêm phổi, có cháu nhỏ chỉ vài tháng đến 1-2 tuổi mắc cúm biến chứng. Theo bác sĩ, cúm mùa có thể tự khỏi sau 2-7 ngày, tuy nhiên bệnh dễ biến chứng gây viêm phổi, nặng có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhi tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương rất đông (ảnh: CAND).

Trên báo Công An Nhân Dân, Cục Y tế dự phòng cho biết, trong 11 tháng năm 2019, cả nước có gần 85 nghìn người mắc tay chân miệng ở tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Có hơn 41 nghìn người sốt phát ban nghi sởi, trong đó 8.209 trường hợp mắc sởi dương tính và 3 người tử vong tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam… Ngoài ra, tại các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh như: Bạch hầu, liên cầu lợn ở người, viêm màng não do não mô cầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, viêm não virus…

TS Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mùa đông – xuân, với điều kiện thời tiết ẩm, ướt, nhất là gia tăng sự giao lưu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, nhất là các bệnh như: cúm, sởi, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, rubella, lỵ… Ngoài ra, đây là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm của người dân tăng cao và nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi.

Đây cũng là thời điểm các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, trong khi đó việc giải quyết mầm bệnh trên vật nuôi còn nhiều bất cập. Các bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà… có nguy cơ xảy ra các ổ dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tờ Khám Phá thông tin, thông thường, cúm mùa hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Biểu hiện và chẩn đoán bệnh cúm mùa

– Lâm sàng có sốt (thường trên 38oC), đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.

– Hình ảnh chụp X-quang phổi bình thường hoặc có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi.

– Xét nghiệm công thức máu bạch cầu bình thường hoặc giảm.

– Ca bệnh xác định là khi xét nghiệm dương tính với virus cúm bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc real time RT-PCR hoặc nuôi cấy virus đối với các bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản.

Cần giữ ấm và bổ sung nhiều dinh dưỡng cho trẻ vào mùa đông (ảnh: Giáo Dục Thời Đại).

Dù là bệnh lành tính nhưng không nên chủ quan với cúm mùa. Dưới đây là những lưu ý khi trẻ được chẩn đoán mắc cúm mùa:

Hạ sốt cho trẻ:

– Nới rộng quần áo cho trẻ.

– Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. (Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.)

– Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của Bác sĩ, mỗi 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38,5o

Vệ sinh đường hô hấp:

Vệ sinh mũi miệng bằng cách dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn.

Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.

Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Dinh dưỡng:

– Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước.

– Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ

Phòng lây nhiễm:

– Cách ly trẻ tương đối: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ bệnh, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy.

– Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.

– Trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm. Ngoài ra, các gia đình cần chú ý đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng….

– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

– Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…

– Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Video xem thêm: Những cách trị cảm cúm cực nhạy không cần dùng thuốc

Exit mobile version