Đại Kỷ Nguyên

‘Những quả trứng Mặt trời’ siêu đắt của người Nhật có gì đặc biệt?

Trong khi thực phẩm bẩn tràn lan, người tiêu dùng có chút ngần ngại khi mua đồ ăn thức uống thì có một loại thực phẩm của Nhật Bản được bán ra với giá cao ngất ngưỡng vẫn xuất hiện trên thị trường nhiều nước kể cả Việt Nam. Vậy có điều gì đặc biệt khiến nó trở nên đắt như vậy?

Những lô hàng xoài đỏ Miyazaki đầu mùa của Nhật Bản được mang đến cửa hàng xách tay đều có chủ đăng ký từ trước, khách đến mua lẻ cũng khó mua được. Loại xoài này đã xuất hiện ở nhiều năm trước và được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm nay, một hệ thống nhập trái cây ở Hà Nội và TP HCM cho biết đã bán 1,2 triệu đồng mỗi quả xoài này, trung bình nặng 350 – 400 g, khoảng 3 triệu đồng/kg.

Giá bán của xoài đỏ Nhật Bản rất đắt. (Ảnh: Twitter.com)

Xoài đỏ Miyazaki của Nhật Bản còn được gọi là xoài Ruby, trồng tại tỉnh Miyazaki, Nhật Bản (vùng trồng xoài lớn thứ hai của Nhật Bản sau Okinawa). Loại quả này thường được thu hoạch từ tháng 4 – 8 hàng năm. Xoài có vỏ mịn, màu đỏ và ruột vàng, hương lưu lại rất lâu, khi ăn có vị ngọt (được đánh giá là ngọt gấp 15 lần xoài thường), mềm tan và không dính xơ.

Tại sao xoài Miyazaki nói riêng và những thực phẩm của Nhật Bản nói chung lại có giá bán cao như vậy?

Giữ thời kỳ nông nghiệp hiện đại này, phân bón và thuốc trừ sâu gần như là không thể tách khỏi. Tuy nhiên nền nông nghiệp Nhật Bản lại hướng tới lợi ích của người tiêu dùng, áp dụng toàn bộ quy trình quay về với thiên nhiên trong việc trồng cây ăn trái và gặt hái được nhiều thành công lớn.

Nông dân ở Miyazaki bắt đầu trồng giống xoài này vào những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu họ cũng cắt xoài nhằm tránh trái chín cây và rụng sẽ bị hư hỏng. Nhưng lâu dần họ nhận ra xoài này ngon nhất khi chín cây và rụng xuống. Do đó, chính quyền của tỉnh đã áp dụng phương pháp bao bọc lưới đỡ sẵn để xoài chín rụng.

Quả được bọc lưới đỡ sẵn chờ quả chín rụng. (Ảnh: tinmoi24.vn)

Cây xoài được trồng trong nhà kính, cao 1,4m đã cho quả, được chăm sóc bằng phương pháp tự nhiên với những yêu cầu khắt khe. Dùng ong tham gia vào quá trình thụ phấn hoa. Loại bỏ những quả nhỏ để tập trung chăm sóc những quả lớn. Các quả xoài lớn dần lên, được treo cuống rất cẩn thận. Sau đó, được bao lại để chăm sóc tốt hơn và tránh các loài gặm nhấm. Khi xoài gần chín sẽ bọc vào túi lưới và được lót một miếng đệm cẩn thận ở dưới.

Những quả xoài được xuất khẩu là đã đạt chuẩn về trọng lượng, hình dáng, hàm lượng chất đường đạt ít nhất 15%. Chỉ những quả xoài chín rụng thì mới được coi là ‘chín hoàn toàn’. Sau đó, được đưa đến tay người tiêu dùng mà không qua bất cứ quy trình xử lý hay chất bảo quản nào. Một số quả xoài vượt qua tiêu chuẩn khắt khe hơn sẽ được dán nhãn là “Taiyo no Tamago”, có nghĩa là “Quả trứng của mặt trời” để phục vụ cho thị trường quà tặng cao cấp.

Quay trở về với mẹ thiên nhiên là điều cốt lõi trong nền nông nghiệp Nhật Bản

Trước đây, nhiều người đã gửi lời thán phục đến ông Kimura – một người nông dân Nhật Bản đã mất đến 11 năm để cải tạo vườn táo của mình trở thành một hệ sinh thái của tự nhiên, không dùng thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học. Ông Kimura từng tiết lộ, trong nhiều năm trăn trở với vườn táo, ông đã không ít lần trò chuyện với những côn trùng phá hoại. Ông nói với con sâu rằng “Đừng ăn nhiều lá quá nhé!”. Hay động viên những cây táo: “Xin các ngươi đừng héo mà!”. Tất nhiên ông không cầu xin toàn bộ số táo trong vườn, nhưng đến nay ông Kimura vẫn cảm thấy hối hận vì điều này, bởi vì dãy táo mà ông không cầu xin đều khô héo hết cả.

Ông Kimura và vườn táo của mình. (Ảnh: giadinh.net.vn)

Trong lúc tưởng như bước vào đường cùng và nghĩ đến cái chết. Ông tình cờ phát hiện ra cách để cải tạo mảnh đất đã bị khô cằn bởi hóa chất. Ông dùng cây đậu nành trồng khắp vườn, những vi khuẩn Rhizobium có trong rễ cây này giúp cải thiện lượng nitơ trong đất. Cỏ dại cũng mọc nhiều lên, đất trong vườn trở nên giàu dinh dưỡng, độ ẩm cao. Táo bắt đầu ra hoa và kết quả. Những quả táo được hái từ vườn của ông Kimura có thể để được 2 năm mà không bị hỏng, mà chỉ ngày càng teo đi giống như “bị héo”, cuối cùng sẽ trở thành quả khô có màu hồng nhạt và tỏa hương thơm nhẹ. Do đó, nó được rất nhiều người ưa chuộng.

Đầu bếp Hisakazu Iguchi cho biết: “Loại táo này không hề bị hỏng, có thể là do hội tụ linh hồn của người tạo ra nó…”

Nhiều người cho rằng táo của ông Kimura không bị hỏng là bởi vì cách trồng quay về tự nhiên của ông, bởi vì những thứ càng rời xa tự nhiên thì sẽ càng nhanh bị hư hỏng, sau đó bị loại bỏ khỏi tự nhiên.

Mọi người đều ca ngợi sự nỗ lực và kiên trì của ông Kimura, còn ông thì nghĩ rằng: “Thật ra thì không phải là tôi, mà chính là những cây táo đã rất nỗ lực. Đây không phải là tôi khiêm tốn, mà tôi thật lòng nghĩ vậy. Bởi vì dù con người có cố gắng đến đâu cũng đều không thể tự mình nở hoa được, dù tay hay chân cũng đâu thể nở hoa táo”.

Như vậy, dù cho táo Nhật, hay xoài Nhật… thì tất cả những gì làm nên tên tuổi của chúng, khiến khách hàng tin dùng là vì chúng mang lại điều tốt đẹp cho sức khỏe người dùng. Bởi sức khỏe thì không thể dùng tiền mà cân đo. Có sức khỏe sẽ làm được nhiều thứ nhưng nếu không có sức khỏe mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa.

Thiết nghĩ, giữa một biển trời mênh mang thực phẩm bẩn thì bất kể nơi nào có một quy trình sản xuất thực phẩm sạch, có uy tín như nước Nhật sẽ là yếu tố góp phần tăng thêm giá trị của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Giá trị của sản phẩm lâu bền nằm ở chính việc kinh doanh có tâm vì sức khỏe cộng đồng, thuận theo tự nhiên chứ không phải vụ lợi cá nhân.

Duy Anh

Video hay

Exit mobile version