Đại Kỷ Nguyên

Những sai lầm chết người khi tự chữa bệnh thủy đậu tại nhà

Khi bị bệnh thủy đậu, nhiều người thường có thói quen tự mua thuốc uống tại nhà, chữa bệnh bằng các mẹo dân gian như uống và tắm nước gốc rạ hoặc kiêng tắm rửa. Đây đều là những thói quen không đúng, gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Bệnh thuỷ đậu đang vào mùa, đây cũng là thời điểm dịch dễ lây lan nhất vì không khí ẩm thấp, vi khuẩn, vi rút dễ dàng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều người tự ý điều trị thủy đậu sai cách khiến bệnh tình ngày càng nặng thêm.

Tự điều trị bằng thuốc tại nhà

Khi bị thủy đậu, một số người đã tự ý dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc chứa corticoid khi chưa có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ, gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Mới đây, bệnh nhân Nguyễn Tiến M. (28 tuổi, Sơn La) đã bị biến chứng nặng sau khi tự ý dùng thuốc chữa thủy đậu. Bệnh nhân M. nhập viện trong tình trạng thủy đậu biến chứng nặng, xuất hiện các ban bỏng nước toàn thân, sốc nhiễm độc khuẩn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu trầm trọng, tiên lượng tử vong cao.

Bệnh nhân M. bị biến chứng nặng sau khi tự chữa thủy đậu bằng corticoid.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, cho biết từ đầu năm đến nay đã có 2 bệnh nhân thủy đậu tử vong do tự mua thuốc điều trị có corticoid.

Theo bác sĩ Cấp, bệnh nhân thủy đậu cần hết sức thận trọng, không tự ý mua thuốc, đặc biệt các thuốc chứa corticoid uống khi bệnh đang diễn biến cấp tính.

Dùng gốc rạ để tắm

Khi có người bị thủy đậu, nhiều gia đình thường truyền tai nhau phương pháp dân gian là dùng gốc rạ nấu nước tắm và uống để chữa bệnh. Sở dĩ phương pháp này được tin dùng vì họ cho rằng bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh Trái rạ) chỉ hết khi sử dụng gốc rạ để chữa bệnh.

Những sai lầm chết người khi tự chữa bệnh thủy đậu tại nhà

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra tắm gốc rạ có thể chữa thủy đậu. Ngược lại, việc sử dụng gốc rạ có thể gây bội nhiễm cho da, nhiễm hóa chất do việc bón phân có trong gốc rạ.

Ngoài ra, một số bài thuốc khác cũng được truyền miệng như việc nấu nước từ lá chè, mướp đắng… để tắm nhằm diệt trừ vi khuẩn, kháng viêm. Tuy nhiên điều này có thể gây nhiễm trùng, do hóa chất có trong các loại thực phẩm này.

Kiêng gió, kiêng nước

Khi mắc thủy đậu, nhiều người đã thực hiện kiêng gió, kiêng nước. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, đây là quan niệm sai lầm bởi trên da có rất nhiều vi khuẩn. Khi mắc thủy đậu, các nốt phỏng trên da gây ngứa ngáy, khó chịu nếu gãi sẽ là xước da.

Khi không được vệ sinh hay tắm rửa sạch sẽ, vi khuẩn sẽ xâm nhập qua nốt phỏng bị vỡ gây nhiễm khuẩn, thậm chí có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận cấp hoặc nhiễm khuẩn huyết. Do vậy, người bệnh thủy đậu cần tắm hàng ngày bằng nước ấm, sạch trong phòng kín gió.

Những sai lầm chết người khi tự chữa bệnh thủy đậu tại nhà

Các bác sĩ khuyến cáo khi bị thủy đậu, người bệnh nên chú ý thực hiện những điều sau:

– Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như: khăn mặt, ly, chén hay muỗng, đũa.

– Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

– Dùng nước ấm để tắm rửa và thay quần áo hàng ngày trong phòng kín gió.

– Nên mặc những loại quần áo rộng, nhẹ, mỏng.

– Đối với trẻ em bị thủy đậu: nên cắt móng tay cho trẻ và giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ lại để tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do việc trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.

– Ăn các thức ăn mềm, lỏng và dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.

– Dùng dung dịch xanh Methylene để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.

Lan Phương

Exit mobile version