Đại Kỷ Nguyên

Những tác dụng không ngờ cho sức khỏe của món ‘Trứng ngàn năm’

Nhiều người phương Tây đã đặt tên cho trứng vịt Bắc Thảo là món “trứng trăm năm” hay “trứng ngàn năm”. Nguyên nhân là vì họ không thể lý giải được cách để quả trứng bình thường có thể chuyển thành màu đen. Đây không chỉ là món ăn bổ dưỡng mà còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Trứng vịt Bắc Thảo có thể coi là một trong những món ăn đặc biệt nhất của nền ẩm thực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Đây là món ăn bắt nguồn từ người Trung Hoa và còn mang nhiều tên gọi khác như: Trứng Bách Thảo, Bách nhật trứng, Thiên niên bách nhật trứng. Trứng vịt Bắc Thảo được làm từ trứng vịt, ngoài ra người ta còn sử dụng trứng cút hoặc trứng gà.

Đối với nhiều người phương Tây, đây là món ăn kỳ quái nặng mùi và rất khó nuốt, nhưng đối với những người châu Á thì đây được coi là loại thực phẩm đặc biệt có mùi vị ấn tượng. Cháo trắng ăn kèm với trứng vịt bắc thảo là một những món ăn khoái khẩu của rất nhiều người và được coi là món ăn sáng hoặc ăn khuya bổ dưỡng.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sau quá trình ủ, lòng trắng trứng đã chuyển hóa thành dạng thạch chứa rất nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể. Nó cực kỳ có lợi cho những người ăn kiêng khi làm giảm mỡ và tăng quá trình chuyển hóa nhiệt lượng. Phần lòng trắng này còn kích thích tiêu hóa, kích thích sự thèm ăn, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giảm axit trong dạ dày và làm hạ huyết áp.

Theo Đông y, trứng Bắc Thảo vị hơi đắng, mặn, tính hàn. (Ảnh: kknews.cc)

Theo Đông y, trứng vịt bắc thảo có vị hơi đắng, sáp, ngọt, mặn và tính hàn, có tác dụng nhuận phế, giải nhiệt, giải rượu, cầm máu, trị tiêu chảy… Ngoài ra, còn có tác dụng bảo vệ mạch máu, tăng cường trí thông minh và bảo vệ đại não. Nếu ăn kèm với dấm chua sẽ tăng thêm tác dụng thanh nhiệt, dưỡng thân thể rất tốt, có thể dùng để trị bệnh nha chu, loét miệng…

Những công dụng chính của trứng vịt Bắc Thảo

1. Nhuận phế: Trứng vịt bắc thảo giàu vitamin A, bảo vệ hệ hô hấp, thúc đẩy hệ miễn dịch, tăng lượng hồng cầu trong cơ thể, phòng chống các bệnh viêm hô hấp. Dưỡng Phế, phòng ngừa các bệnh về phổi, giúp hô hấp thuận lợi.

2. Cầm máu: Trứng vịt bắc thảo có khả năng kích thích hồng cầu sinh trưởng, tạo hồng cầu mới, cầm máu rất có hiệu quả. Thích hợp với những bệnh nhân có bệnh liên quan đến xuất huyết. Thích hợp với những cô gái kinh nguyệt không ổn định, kéo dài lâu ngày hoặc máu ra nhiều. Thích hợp với phụ nữ mới sinh.

3. Giải rượu: Trứng vịt bắc thảo giải độc rượu rất tốt, giúp người say bài tiết chất cồn nhanh chóng. Đồng thời có tác dụng hỗ trợ giúp họ tránh được các triệu chứng như đau đầu, mặt đỏ… Giảm bớt lượng cồn do dạ dày hấp thu, bảo vệ màng dạ dày.

4. Giải nhiệt, giảm nhiệt: Trứng vịt bắc thảo có vị đắng nhẹ, có công dụng giảm nhiệt cho những người hay mắc các chứng như lở miệng, nổi mụn nhọt, gan nóng, tác dụng giảm độc trong máu.

Cách làm trứng vịt Bắc thảo

Trứng vịt sau khi quết bùn lên phần vỏ cho vào lọ kín và hạ thổ 3 tháng hoặc hơn. (Ảnh: wikiwand.com)

Nguyên liệu:

Trứng vịt: 30 quả
Bồ kết: 4 quả
Diêm sinh: ½ muỗng cà phê
Bột quế: 3 muỗng cà phê
Đinh hương: 1 muỗng cà phê
Trà mạn: 50g
Rau dền gai: 1 bó
Lá Trắc bách diệp: 40 lá
Phèn chua: 3 muỗng cà phê
Vỏ trấu: 200 g

Cách làm

Bước 1: Trứng mua về rửa sạch, lau khô sau đó đem ngâm với 1 lít nước đã hòa phèn chua trong 3 ngày mới được lấy ra. Trong 3 ngày này, là thời gian lòng trắng trứng sẽ biến đổi trong suốt như thạch rau câu.

Bước 2: Đinh hương sao vàng, tán nhỏ. Bồ kết đem nướng cháy thành than rồi giã hoặc xay nhuyễn như bột. Pha trà mạn với khoảng 700 ml nước sôi, vắt lấy nước còn bã bỏ đi.

Bước 3: Rau dền gai phơi khô, đốt lấy tro (nếu không có rau dền có thể thay bằng vỏ trấu). Lá trắc bách diệp giã nhỏ rồi trộn với bột quế và bột diêm sinh. Đem tất cả những thứ trên trộn đều ta sẽ được “hỗn hợp bùn” chuẩn bị cho bước tiếp theo.

Bước 4: Quét bùn phủ kín toàn bộ từng quả trứng sau đó lăn qua lớp vỏ trấu mỏng sao cho thật đều. Xếp đầu nhọn của trứng xuống dưới, đặt trong một cái hũ hoặc bình kín, chôn xuống đất khoảng 3 tháng (hoặc lâu hơn).

Bước 5: Trong thời gian 3 tháng lớp bùn bên ngoài sẽ khô lại và chúng ta đã hoàn thành xong cách làm. Trứng sau một thời gian ủ, khi bóc lớp vỏ bọc bên ngoài sẽ có màu đen, vỏ màu đen này lẫn lộn với muối, hạt tiêu, nhiều quả đôi khi còn có hoa văn nổi lên trên bề mặt trông rất đẹp mắt. Lòng đỏ bên trong có màu xám hoặc xanh đen, mùi hăng, sốc, có vị béo.

Kiên Định
Nguồn tham khảo: Soha.vn

Xem thêm:

Exit mobile version