Đại Kỷ Nguyên

Những thay đổi tuyệt vời khi từ bỏ giày cao gót

Giày cao gót giúp tôn lên vóc dáng của nữ giới, khiến họ đi lại uyển chuyển hơn. Trong xã hội hiện đại mang giày cao gót khi đi giao tế hay đi làm cũng được xem như là một phép lịch sự. Nhưng nếu như phải đi cả ngày trên chiếc giày cao gót sẽ khiến chân bạn bị sưng và đau nhức. Thậm chí còn dẫn đến các khớp xương bị tổn thương, gia tăng bệnh tật tại phần lưng và các khớp, tạo ra nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe.

Gần đây, tạp chí “Women’s Health”, Mỹ đăng bài về kết quả nghiên cứu của một chuyên gia về xương sống lưng. Họ đã liệt kê ra 5 sự thay đổi khi nữ giới rời xa giày cao gót.

1. Chân dài hơn

Có nhiều phụ nữ đã quen với đôi giày cao gót thế nên khi đi giày đế bằng họ có thể sẽ có cảm giác không tự tin. Thế nhưng họ không biết rằng, đi giày cao gót chủ yếu dùng lực ở mũi chân, còn cơ bắp ở chân rất ít khi có cơ hội được duỗi thẳng tự nhiên. Một nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ quen đi giày cao gót không những bước chân rất ngắn, mà phần cơ bắp chân cũng bị ngắn.

Một nhân viên mát-xa Todd ở New York cũng cho biết, đi giày cao gót sẽ làm tăng áp lực lên phần cột sống vùng eo, đồng thời khiến cho cơ bắp bị căng.

Do đó sau khi chúng ta đổi sang đi giày bệt, thì phần cơ bắp chân sẽ dần dần phục hồi lại độ dài vốn có.

2. Phần lưng cảm thấy thoải mái hơn

(Ảnh: Shutterstock)

Ông Todd, nhân viên mát xa tại New York chia sẻ, đi giày cao gót sẽ làm tăng áp lực lên phần cột sống vùng eo, đồng thời khiến cho cơ bắp bị căng. Việc đi giày cao gót cũng khiến cho trọng tâm của cơ thể hướng về phía trước quá mức và làm áp lực của cơ thể dồn vào phần eo và đầu gối. Thời gian dài sẽ dẫn đến xương sống thắt lưng bị trượt, làm dây thần kinh bị tổn thương và đau nhức.

Khi không sử dụng giày cao gót, phần xương sống sẽ dần dần trở về vị trí ban đầu. Áp lực lên phần lưng được giảm bớt, cảm giác đau nhức cũng thuyên giảm.

3. Cảm giác đau nhức gót chân giảm bớt

Việc đi giày cao gót sẽ khiến cho gân gót chân ngắn lại đồng thời khiến dây chằng giữa gót chân và ngón chân bị viêm từ đó làm gót chân thêm đau hơn. Khi bạn quay trở lại đi giày bệt, bàn chân sẽ trở về vị trí vuông góc. Chỉ sau vài tuần như vậy, bắp chân sẽ hồi phục lại độ dài vốn có khiến cảm giác đau nhức ở gót chân được giảm bớt.

4. Giảm bớt hội chứng dải chậu chày (Iliotibial Band Syndrome)

(Ảnh: Asiatatler)

Dải chậu chày là một dây chằng nằm ở mặt ngoài đùi kéo dài từ hông đến mặt ngoài đầu gối, nối xương chậu với xương chày. Dải chậu chày bó quanh gối giúp cố định và truyền động cho khớp gối. Việc đi giày cao gót trong thời gian dài sẽ khiến trọng lượng cơ thể dồn về phía trước, tạo áp lực cho dây chằng đầu gối và gân bắp chân, từ đó làm xương sụn đầu gối bị mài mòn,  dẫn đến hội chứng dải chậu chày. Việc đi giày bệt được cho là có tác dụng đáng kể trong việc tiêu giảm triệu chứng này.

5. Khả năng giữ thăng bằng được cải thiện

Đi giày cao gót thường xuyên sẽ khiến cho cơ thể có xu thế hướng về phía trước và cơ bắp ở hai bên mắt cá chân, phía trước và phía sau bàn chân mất cân bằng. Dẫn đến khả năng giữ thăng bằng cơ thể giảm sút.

Sau khi không đi giày cao gót nữa, cơ bắp xung quanh mắt cá chân sẽ dần được hồi phục và khả năng giữ thăng bằng cũng được hồi phục. Ngoài ra, khi đi giày cao gót 5 ngón chân sẽ bị bó hẹp, thời gian lâu sẽ khiến cho ngón cái bị biến dạng, có thể bị viêm. Đồng thời cũng khiến bàn chân xuất hiện mụn cơm và bệnh biến dạng ngón chân.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Thiên Minh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version