Tiểu đường là căn bệnh mạn tính, những người mắc bệnh này cần cẩn trọng với chế độ ăn uống. Bệnh nhân tiểu đường cần ăn nhiều chất xơ, chất chống ôxy hóa, vitamin và chất khoáng, protein, trái cây tươi, rau…
Bông cải xanh, rau dền, mướp đắng… là những thực phẩm cực tốt trong việc hỗ trợ và điều trị cho bệnh nhân bị tiểu đường.
1. Bông cải xanh
Bông cải xanh và các loại thực phẩm họ cải khác như cải xoăn, súp lơ và cải bruxen…đều chứa một hợp chất gọi là sulforaphane. Hợp chất chống viêm này giúp kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ các mạch máu dễ bị tổn thương do bệnh tiểu đường gây nên.
Bông cải xanh không chỉ chứa ít calo và carbohydates, mà còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, vitamin C và sắt.
2. Đậu
Đậu chứa nhiều chất xơ và protein khiến bạn cảm thấy no lâu. Một nghiên cứu tại Canada cho thấy những người bổ sung thêm một hoặc nhiều cốc sữa đậu vào khẩu phần ăn mỗi ngày sẽ kiểm soát tốt lượng đường trong máu và giảm huyết áp. Đậu không phải là thực phẩm đắt đỏ và vô cùng linh hoạt trong chế biến. Trộn các loại bột đậu đỏ, đen, xanh…sẽ có một cốc sữa đầy dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe lại rẻ tiền. Bạn cũng có thể nấu chè, cho vào món cháo…
3. Rau cải bó xôi (bina)
Rau bina là một trong những nguồn cung cấp magiê cao – một vi chất giúp cơ thể bạn sử dụng insulin để hấp thụ các chất đường trong máu và quản lý đường huyết hiệu quả hơn. Loại rau này cũng giàu vitamin K, folate và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
4. Hạt quả khô
Quả óc chó đặc biệt đã được chứng minh có tác dụng chống lại bệnh tim mạch và có thể cải thiện mức độ đường trong máu nhờ óc chó có lượng chất béo không bão hòa đa cao. Những chất béo lành mạnh này giúp ngăn ngừa và làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường và bệnh tim. Hạnh nhân và quả hồ đào cũng chứa các chất béo có lợi. Hạt quả khô có lượng carbohydrate, chất đạm và chất béo thấp, tốt để ổn định lượng đường trong máu.
5. Bột yến mạch
Các loại ngũ cốc như yến mạch, tốt cho đường trong máu nhờ rất nhiều chất xơ giúp cải thiện độ nhạy insulin. Yến mạch có chứa chất xơ dưới dạng beta-glucans, (đó là những sợi hòa tan và nở ra trong chất lỏng), giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách làm chậm sự phân hủy và hấp thu carbohydrate từ các loại thực phẩm khác bạn ăn.
Các nghiên cứu cũng cho thấy yến mạch có thể giúp cải thiện huyết áp, cholesterol và nồng độ insulin lúc đói.
6. Chế phẩm sữa
Ngoài việc cung cấp canxi và vitamin D cho xương chắc khỏe, thực phẩm từ sữa còn cung cấp protein để ngăn cơn đói. Sữa, pho mát và sữa chua giúp ổn định lượng đường trong máu và ăn nhiều các sản phẩm từ sữa có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu mới cho thấy bạn không nhất thiết chỉ uống sữa tách bơ bởi theo một phân tích lớn từ các nhà nghiên cứu đại học Harvard và đại học Tufts chỉ ra rằng uống sữa – kể cả sữa không tách bơ – có liên quan với giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Nguyên nhân có thể là nhờ ăn lượng chất béo cao giúp bạn cảm thấy no, vì vậy bạn sẽ ít muốn ăn các thực phẩm có đường và lượng calo cao.
7. Củ dền
Chứa tinh bột thấp, giàu vitamin, chất khoáng, chất xơ, chất dinh dưỡng thực vật giúp kiểm soát tiểu đường.
Đường tự nhiên trong củ dền không chuyển thành glucose quá nhanh khi đi vào cơ thể, rất tốt cho người tiểu đường. Củ dền cũng giàu chất chống ôxy hóa tên lipoic acid giúp bảo vệ tế bào khỏi lão hóa.
8. Ổi
Ổi chứa ít đường, giàu chất xơ giúp chữa táo bón mà nhiều người bị tiểu đường hay mắc phải. Vài nghiên cứu cho thấy ổi giúp làm chậm hấp thu đường vào cơ thể.
9. Mướp đắng
Mướp đắng (khổ qua) chứa các chất có tính chất chống tiểu đường như charantin giúp giảm đường huyết và polypeptide-p hoạt động giống insulin. Cách tốt nhất là uống nước ép mướp đắng vào buổi sáng khi chưa ăn gì.
10. Cà chua
Giàu lycopene tốt cho tim, hạ huyết áp, do đó giảm các nguy cơ tim mạch do bệnh tiểu đường gây ra. Cà chua còn giàu vitamin C, A, kali, ít tinh bột, calo.
Phương Nam