Đại Kỷ Nguyên

Nữ bác sĩ ở Hà Nội may mắn tìm lại âm thanh sau 2 năm bị điếc do lây quai bị từ bệnh nhân

Chỉ sau 2 ngày lây quai bị của bệnh nhân, bác sĩ Hoàng Thị Phương (30 tuổi, khoa Tai Mũi họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) bị biến chứng dẫn tới điếc, khó có thể phục hồi khả năng nghe âm thanh.

Theo Zing, việc mất thính lực đột ngột, khiến bác sĩ Phương vô cùng suy sụp, tương lai phía trước vô cùng tối tăm, mù mịt. Từ một bác sĩ, chị Phương trở thành bệnh nhân chính trong chuyên khoa của mình.

Thời điểm đó, con chị mới 10 tháng tuổi, hơn bao giờ hết, bác sĩ Phương khao khát được nghe con bi bô gọi tiếng mẹ. Nhưng có lẽ, ước mơ nhỏ nhoi đó với bà mẹ trẻ khó mà thực hiện được.

Để giao tiếp với gia đình, chị Phương đã tìm đủ mọi cách từ viết ra giấy, nhắn tin. Thậm chí, bác sĩ Phương nghĩ có thể phải học ký hiệu bằng tay để giao tiếp được. Có thời điểm, bác sĩ Phương cảm thấy quá bất lực, tự thu mình, không muốn giao tiếp, gặp gỡ ai.

Nhưng với nghị lực của người lương y, không đầu hàng số phận, nữ bác sĩ miệt mài cùng đồng nghiệp học hỏi, tìm tòi và ứng dụng các thành tựu tiên tiến nhất của y học trong điều trị bệnh điếc cho mình và bệnh nhân.

Bác sĩ Phương đã tình nguyện đăng ký trở thành bệnh nhân đầu tiên phẫu thuật và cấy ghép điện cực ốc tai hai bên ngay tại nơi mình làm việc.

Cuối năm 2016, cấy ốc tai đầu tiên tai phải, đến tháng 9/2017 cấy thêm tai trái và trải qua quá trình phục hồi chức năng, luyện tập để nghe âm thanh, giao tiếp được.

Thời gian đầu mới cấy ghép, bác sĩ Phương chưa thể nghe được âm thanh mà phải học như một đứa trẻ học từ âm thanh đầu tiên đến khi nghe rõ, định hình được âm thanh.

Đến nay, bác sĩ Phương có thể nghe được bình thường trong môi trường yên tĩnh nhưng khi ra đám đông hơi bị hạn chế, cần thời gian để làm quen với âm thanh.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Phó chủ nhiệm khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện 108 trao đổi với Infonet, bình thường vẫn có bệnh nhân bị điếc đột ngột, nhưng thông thường người bệnh điếc chỉ 1 bên, họ vẫn nghe được bên còn lại, hoặc cảm nhận được mất dần chức năng thính giác. Nhưng trong trường hợp này thì bác sĩ Phương là đột ngột điếc hoàn toàn 2 bên nên chỉ có phương pháp cấy điệc cực ốc tai mới nghe lại được.

Kỹ thuật cấy điện cực ốc tai không phải mới, trên thế giới đã áp dụng từ rất lâu. Việt Nam thì chưa nhiều và không đưa thành kỹ thuật thường quy. Hơn nữa chi phí cho ốc tai điện từ rất lớn, BHYT không chi trả thiết bị mà bệnh nhân phải trả nên phẫu thuật này chưa được áp dụng rộng rãi.

Bác sĩ Ngọc cũng cho biết thêm, ngoài biến chứng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam và nữ, quai bị còn để lại hậu quả nặng nề là gây ra điếc không phục hồi cho bệnh nhân nhưng ít người biết tới.

Điếc tai xảy ra ở giai đoạn đầu do virus quai bị gây tổn thương ốc tai. Theo thống kê, quai bị biến chứng điếc tai cả hai tai rất hiếm gặp, với tỷ lệ gặp khoảng 1/10.000 trường hợp quai bị.

Hệ thống ốc tai điện tử là thiết bị điện cực được đưa vào bên trong ốc tai giúp đưa các tín hiệu âm thanh vượt qua các phần bị tổn thương của tai trong và truyền thẳng tới dây thần kinh thính giác.

Công nghệ ốc tai điện tử đã được nghiên cứu rất an toàn cho người cấy ghép, hạn chế tổn thương phần ốc tai, bảo tồn lông thần kinh thính giác còn lại để giữ mức thính lực tốt nhất có thể của mỗi bệnh nhân sau khi bật máy.

Hiện nay, công nghệ cấy ốc tai điện tử cho phép bác sĩ có thể thực hiện đồng thời hai bên cùng một lúc. Để cấy điện cực ốc tai, người bệnh phải khám sàng lọc và được bác sĩ chỉ định.

Phương Nam (Tổng hợp)

Exit mobile version