Đại Kỷ Nguyên

Nữ bệnh nhân ở Đồng Nai tử vong vì ong đốt

Bệnh nhân Lê Thị H. (56 tuổi, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) đã tử vong sau khi nhập viện Đa khoa khu vực Long Khánh trong tình trạng khó thở nặng do bị ong đốt khắp người.

Theo TTXVN, khoảng 15h 30′ ngày 28/7, bà H. đi ra cắt buồng chuối ở phía sau nhà, không may đụng phải một tổ ong, đàn ong bất ngờ bay ra, đốt khắp người bà H.

Sau đó, bà H. được người nhà đưa đến bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu.

Sau nhiều giờ cấp cứu và hồi sức, bệnh viện đã làm các thủ tục chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên sau đó, tình trạng bệnh nhân đột ngột trở nặng, hôn mê sâu, bệnh nhân nhiều lần ngưng tim, ngưng thở và tử vong sau đó.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi đi thu hoạch trái cây hoặc tới những nơi nhiều cây cối, mọi người nên quan sát kỹ, đề phòng có những tổ ong xuất hiện. Tuyệt đối không được chọc phá tổ ong.

Trường hợp không may bị ong đốt, cần lập tức nằm rạp xuống đất. Không nên bỏ chạy tránh sự chú ý của đàn ong. Bên cạnh đó, trong quá trình lao động sản xuất, nên mặc đồ dày, dài và đội mũ, nón để tránh bị ong đốt.

Sơ cứu khi bị ong đốt

– Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong.

– Đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể. Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra.

– Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, lan và thấm sâu hơn vào cơ thể.

– Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng. Sau đó, bạn đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để làm giảm đau và giảm sưng.

– Cho nạn nhân uống nước để thải bớt độc tố.

– Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, đặc biệt khi có các biểu hiện bệnh nặng hơn.

​​​​​​

Lan Phương

Exit mobile version