Nữ ca sĩ Selena Gomez mới vừa tiết lộ, mùa hè qua cô đã trải qua cuộc phẫu thuật quan trọng để chống lại căn bệnh lupus ban đỏ của mình. Qua đây cô cũng muốn lên tiếng cảnh báo mọi phụ nữ về căn bệnh nan y này.
Bị căn bệnh Lupus gây suy thận, Selena Gomez đã phải nhập viện cấp cứu, phải phẫu thuật ghép thận và đương đầu với đủ mọi đau đớn, khó khăn. Song theo trang TMZ, cô bạn thân Francia Raisa đã hiến thận cho Selena, thậm chí còn phải chịu đựng nỗi đau tinh thần và thể xác lớn hơn.
“Không có một mỹ từ tốt đẹp nào trên thế giới này đủ để bày tỏ lòng cảm kích của tôi dành cho người chị thân thiết Francia Raisa của tôi”, Selena nói.
Trong một bài phỏng vấn với tạp chí People, cô nói: “Chứng lo âu, trầm cảm, sự buồn bực là những gì đã xảy đến thường xuyên đối với tôi trong suốt thời gian qua. Rõ ràng khi chúng là những tác dụng phụ của căn bệnh Lupus mà tôi đang phải gánh chịu. Mỗi căn bệnh đều gây ảnh hưởng đối với mỗi người trong chúng ta theo các cách khác nhau. Đối với tôi mà nói, nó thật sự là một thử thách khó khăn trong cuộc sống”.
Căn bệnh Lupus là gì mà lại khiến Selena phải rơi vào tình trạng như vậy?
Lupus ban đỏ hệ thống thuộc nhóm bệnh tự miễn dịch mãn tính, có những triệu chứng khó nhận biết và tấn công phụ nữ nhiều hơn nam giới (hơn 90%), khiến cơ thể bị nhầm lẫn, vô tình tấn công các cơ quan trong chính cơ thể mình. Tức là một khi bệnh nhân đã mắc bệnh thì sẽ kéo theo rất nhiều các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương.
Tuy nhiên căn bệnh này phổ biến hơn đối với phụ nữ gốc Tây Ban Nha, châu Phi, trong khi phụ nữ da trắng ít có nguy cơ mắc bệnh này hơn. Theo Tổ chức Lupus của Mỹ, hầu hết mọi người lần đầu tiên phát triển các triệu chứng từ 15 đến 44 tuổi.
Khoảng 1,5 triệu người Mỹ mắc bệnh lupus, một bệnh tự miễn dịch gây ra bởi các mô trong cơ thể tự tấn công các cơ quan nội tạng. Giáo sư Gary Gilkeson (Đại học Y – Nam Carolina) cho biết: “Thay vì hệ thống miễn dịch chống lại những thứ như nhiễm trùng và ung thư, nó sẽ quay lưng lại với sức khỏe của bản thân bạn và bắt đầu hoành hành trong cơ thể”.
Lupus ban đỏ hệ thống có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bạn
Lupus có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm khớp, da, thận, tim, phổi, mạch máu và não. Mặc dù người mắc bệnh có thể có nhiều triệu chứng khác nhau nhưng một số triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, đau đớn hoặc sưng khớp (sốt khớp), sốt không rõ nguyên do, phát ban da và các vấn đề về thận.
Dấu hiệu của bệnh, cách điều trị bằng thuốc giảm đau và hóa trị
Theo chuyên gia, những dấu hiệu đầu tiên hay gặp nhất của bệnh lupus ban đỏ hệ thống chính là những tổn thương bên ngoài da. “Bệnh nhân bị lupus ban đỏ có những tổn thương ngoài da đa dạng về hình thái dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân sẽ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý khác. Tổn thương hay gặp nhất của bệnh lupus ban đỏ chính là những nốt phát ban hình cánh bướm, màu đỏ tươi, có thể hơi ngả tím, tập trung nhiều ở mặt và những khu vực trên cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng”, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hữu Doanh (Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết.
Tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, người bệnh có thể điều trị bệnh lupus bằng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm. Những người khác sẽ cần thuốc ức chế miễn dịch hoặc thậm chí hóa trị liệu để điều trị bệnh. Cũng có thể cần phải giải quyết các biến chứng của lupus, như cấy ghép thận.
Cũng giống như bệnh ung thư, hiện chưa có thuốc chữa triệt để căn bệnh này mà chỉ dựa vào điều trị các triệu trứng chủ yếu bằng các corticosteroid và các chất ức chế miễn dịch nhưng chất lượng cuộc sống bệnh nhân suy giảm vì luôn trong tình trạng suy kiệt.
Một số bệnh nhân khi đã đến tận cùng hy vọng thì bước vào thử các phương pháp khí công dưỡng sinh, yoga hay thiền định lại may mắn vượt qua được. Vì bản chất của các môn dưỡng sinh giúp cơ thể lấy lại sự cân bằng, điều chỉnh hết thảy các trạng thái không đúng đắn nhờ có được nội tâm an hoà, thanh tĩnh.
Bạn Nguyễn Thu Trang ở Bắc Ninh là một trường hợp như vậy. Sáu năm vật lộn với bệnh lupus ban đỏ, được gia đình chạy chữa ngược xuôi mà không thuyên chuyển. Em từng mất hy vọng đến mức chọn Trường Đại học Nông Nghiệp vì có môi trường trong lành để dễ thở dễ sống và “chờ chết”. Nhưng khi biết đến Pháp Luân Công, một môn khí công Phật Gia với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, em đã lấy lại được niềm tin cuộc sống và đã có một con người mới hoàn toàn khỏe mạnh, hoạt bát.
Hoàng Kỳ (T/h)
Xem thêm:
- 6 năm mắc bệnh hiểm nghèo, cô gái trẻ đã ‘cải tử hoàn sinh’ nhờ Phật Pháp nhiệm màu
- Bác sĩ Việt cứu sống 1 bác sĩ Campuchia thoát khỏi cửa tử bị lupus ban đỏ hệ thống
- Du lịch ghép tạng ở Trung Quốc: Hành vi sát nhân theo yêu cầu
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.