Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loại vi khuẩn khác nhau trong mỹ phẩm của phụ nữ, có khả năng gây những bệnh chết người.
Theo Người Lao Động, nghiên cứu mới từ Trường Khoa học đời sống và sức khỏe thuộc Đại học Aston (Brimingham, Anh) cho thấy, chiếc bàn trang điểm xinh xắn của nhiều quý cô có thể là hang ổ kinh dị của hàng loạt vi khuẩn gây mầm bệnh chết người.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi GS-TS. Amreen Bashir, đã thu thập 467 loại mỹ phẩm và dụng cụ trang điểm mà nhiều quý cô đang sử dụng, bao gồm 96 thỏi son, 92 cây chì kẻ mắt, 93 cây mascara, 107 thỏi son bóng và 79 dụng cụ trang điểm, đa số là các miếng bọt biển hay mút dùng để tán kem, phấn.
Các phân tích cho thấy, 70-90% các dụng cụ làm đẹp này đã bị nhiễm những vi khuẩn nguy hiểm, trong đó các miếng bọt biển, mút trang điểm là hang ổ lớn nhất của các dòng họ vi khuẩn. Nguyên nhân có thể do việc các miếng bọt biển này thường xuyên được thấm ướt với nước và các loại kem dạng lỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc sinh trưởng nhiều hơn.
Các vi khuẩn phổ biến nhất có thể kể đến là S. aureus, E. coli, and Citrobacter freundii, vốn gây ra nhiễm trùng da, nhiễm trùng tiêu hóa và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Còn có Enterococcus faecalis dạng vi khuẩn gây bệnh viêm màng não khiến nhiều trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, theo Zing đưa tin.
Ngoài ra, họ còn phát hiện loại vi khuẩn nguy hiểm chết người khác là Eubacterium gây viêm âm đạo và Aeromonas – gây viêm loét dạ dày ruột và nhiễm trùng vết thương.
Nhà vi sinh vật học Paul Matewele, Đại học London Metropolitan cho biết: “Hầu hết phụ nữ đều không biết mỹ phẩm của họ là nơi sinh sản của vi khuẩn có khả năng gây chết người”.
Để tránh mầm bệnh từ mỹ phẩm, các chị em nên tham khảo một số cách dưới đây:
Không dùng chung đồ trang điểm
Theo VnExpress, dùng chung son môi, phấn má hoặc phấn phủ với bạn bè có thể khiến bạn bị lây mụn rộp và trứng cá. Hãy giữ đồ trang điểm cho riêng mình để tránh lây nhiễm những mầm bệnh nguy hiểm!
“Soi” kỹ hạn sử dụng
Hạn sử dụng của mỹ phẩm cũng có ý nghĩa giống như hạn sử dụng thực phẩm vậy. Đến một thời hạn nhất định, bạn sẽ phải thay mascara, phấn má và phấn nền. Đừng tiếc những đồ trang điểm đã cũ, chúng có thể chứa đủ loại vi khuẩn.
Vệ sinh miếng mút trang điểm mỗi tuần một lần
Có thể bạn chưa biết rằng miếng mút dùng trang điểm cần được giặt sạch hoặc bỏ đi và thay bằng miếng mới mỗi tuần một lần. Lý do là vì loại dụng cụ trang điểm này tiếp xúc trực tiếp với da.
Làm sạch dụng cụ trang điểm mỗi tháng một lần
Mỗi tháng một lần, bạn cần làm sạch toàn bộ dụng cụ trang điểm. Các loại cọ và những đồ dùng để trang điểm đều cần được làm sạch.
Thay son sau khi bị mụn rộp
Như đã nói ở trên, dùng chung son môi với người khác có thể khiến bạn bị lây virus gây mụn rộp (chốc mép). Điều này cũng đúng với chính bạn, nếu bạn tô son khi đang bị mụn rộp thì virus có thể định cư trên cây son và làm bạn mắc bệnh hết lần này đến lần khác. Vì thế hãy bỏ cây son đó đi, hoặc dùng ngón tay để thoa chứ đừng bôi trực tiếp son lên môi.
Làm sạch nhíp bằng cồn
Để nhổ râu hay tỉa lông mày thì nhíp là dụng cụ không thể thiếu trong hộp đồ trang điểm. Song hầu hết mọi người không để ý đến điều này. Sát trùng nhíp bằng cồn trước khi dùng là cách rất tốt để tiêu diệt mầm bệnh và đảm bảo cho bạn được dùng chiếc nhíp sạch sẽ nhất!
Rửa tay trước khi sử dụng
Vì bạn sẽ phải sử dụng đôi tay khá nhiều mỗi khi trang điểm, nên cũng cần đảm bảo là chúng sạch sẽ. Rửa tay trước khi dùng đồ trang điểm là một việc làm tốt vì nó không chỉ giúp đẩy lùi mầm bệnh mà còn giữ cho da bạn sạch sẽ hơn.
Hạn chế trang điểm
Cuối cùng, cách tốt nhất vẫn là hạn chế trang điểm, vì dù bạn có dùng mỹ phẩm tốt đến đâu vẫn khiến làn da nhanh lão hoá và da mặt bị ảnh hưởng ít nhiều, không được tự nhiên. Vì vậy thay vì chỉ chăm chăm vào trang điểm mà hãy tập trung chăm sóc da thật tốt, có làn da đẹp thì bạn không cần phải chát quá nhiều mỹ phẩm lên mặt, đi đâu chỉ cần tô ít son là rực rỡ rồi. Trừ khi đến những sự kiện thật sự quan trọng thì mới lôi bộ trang điểm của bạn ra dùng.
Lưu ý đến “tuổi thọ” của từng loại mỹ phẩm
Tuổi trẻ thông tin, tuổi thọ của mỗi loại mỹ phẩm được tính từ thời điểm mở nắp lọ mỹ phẩm đó chứ không căn cứ theo thời hạn ghi trên nhãn của từng loại mỹ phẩm.
Mascara: Đây là loại mỹ phẩm có “tuổi đời” ngắn hạn nhất trong những loại mỹ phẩm. Bạn cần thay mới mascara cứ sau 3 tháng mỗi lần.
Chì mắt và chì môi: Chì mắt và chì môi sử dụng đi kèm với son môi và phấn mắt, nó có “tuổi thọ” trung bình khoảng 2 năm.
Phấn nền, phấn má: Có tuổi thọ kéo dài khoảng 1 năm trong khi đó kem che khuyết điểm có thời gian sử dụng bằng một nửa so với phấn nền.
Chổi cọ: Chổi cọ có thể sử dụng trong vòng ít nhất 3 năm nhưng trong quá trình sử dụng cần phải vệ sinh thường xuyên. Miếng bọt biển có thể dùng trong vòng 2 tháng.
Son: Những thỏi son đem lại vẻ đẹp căng mọng và mịn màng cho đôi môi nhưng cũng chỉ nên dùng trong vòng 1 năm, rồi thay mới.
Kem nền: Là lớp kem tiếp xúc gần nhất với làn da vì thế bạn cần chú ý đến những dấu hiệu khác thường của loại kem này và nên thay mới trong vòng 1 năm.
Khi dùng mỹ phẩm, nếu có những dấu hiệu như mẩn đỏ, mẩn ngứa, nổi mụn, ngứa rát thì bạn nên dừng ngay. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái. Do đó, bạn nên chọn những nhãn hàng có tên tuổi, uy tín lâu năm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Video xem thêm: Chàng tây ‘tá hỏa’ khi thấy cô gái châu Á cởi lớp trang điểm