Đại Kỷ Nguyên

Phán đoán sức khỏe ngũ tạng qua giấc ngủ

Mất ngủ, khó ngủ, ngủ mơ, thường xuyên thức giấc về đêm… những vấn đề này không chỉ liên quan tới tâm lý, mà còn có nguyên nhân do rối loạn chức năng của lục phủ ngũ tạng. Khi chức năng của các tạng phủ được điều chỉnh bình thường, tình trạng này sẽ được giải quyết.

Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người, ngủ sớm không những là liều thuốc bổ của nhan sắc mà nó còn rất tốt cho nội tạng. Một giấc ngủ đủ và sâu rất cần thiết để nội tạng phục hồi, sau thời gian dài làm việc. Theo y học cổ truyền, giấc ngủ có mối quan hệ mật thiết với ngũ tạng đặc biệt là tim, gan, lá lách, dạ dày và thận. Gặp vấn đề về giấc ngủ của những người ở độ tuổi khác nhau có những đặc điểm và quy luật nhất định. Ví dụ nhóm người trẻ tuổi đa phần đều vì Tâm Can hỏa vượng, đờm nhiệt bên trong tích tụ gây nên, thực chứng khá nhiều; người cao tuổi đa số vì Can Thận âm hư gây nên, hư chứng là chủ yếu. Trên lâm sàng, thông thường mối liên hệ giữa sự mất cân bằng của lục phủ ngũ tạng với giấc ngủ có thể chia thành 4 loại lớn sau:

1. Can khí không thông: Mất ngủ, mơ nhiều

Can chủ sơ tiết, có chức năng điều chỉnh cảm xúc, tình chí. Nếu không thông, kinh khí bất lợi sẽ dẫn tới tình trạng “mất kiểm soát” về cảm xúc, gây ra các triệu chứng khó chịu, lo lắng, lo lắng, căng thẳng, trầm cảm từ đó ảnh hưởng tới giấc ngủ. Nhóm người này cần học cách cởi mở, lạc quan và tích cực, khi chán nản hoặc muốn tức giận, nên cố gắng hít thở sâu để điều chỉnh tâm trạng. Cần kiên trì thực hiện khoảng ba lần một tuần mỗi lần khoảng nửa giờ. Hằng ngày nên dùng Trần bì, hoa bách hợp, cây dạ hợp và hoa hồng pha trà uống thay nước.

Người Can khí không tốt thường hay buồn rầu, lo lắng, chán nản bất an từ đó gây ảnh hưởng tới giấc ngủ. (Ảnh: Adobe Stock)

2. Khí huyết hư, thiếu: Khó đi vào giấc ngủ

Khí huyết hư thì huyết không dưỡng Tâm, tâm thần hỗn loạn nên không thể ngủ say vào ban đêm. Những người khí huyết hư tổn dễ xuất hiện các triệu chứng khó ngủ, ngủ không sâu, ra mồ hôi nhiều. Nữ giới còn có thể bị rối loạn kinh nguyệt, lượng kinh ít. Nhóm người này nên ăn các loại thực phẩm có tác dụng ích khí bổ huyết như Đại táo, Sơn dược… Hằng ngày nên dùng 10g các vị thuốc như Hoàng Kỳ, Đảng Sâm, Bạch Truật pha nước uống thay trà. Cần chú ý không nên vận động mạnh hoặc quá sức, hơi ra mồ hôi là đủ để phòng ngừa hao tổn khí huyết.

3. Tỳ Vị mất cân bằng: Giấc ngủ không ổn định

Người Tỳ Vị không cân bằng ăn tối xong khó tiêu hóa, thường cảm thấy khó ngủ nếu bị đau dạ dày và đầy hơi. Muốn cải thiện chất lượng giấc ngủ, trước tiên cần kiểm soát việc ăn uống, cố gắng sắp xếp ăn tối trước 6h, ăn no 7 phần, ăn uống thanh đạm, dễ tiêu hóa. Các loại thực phẩm dễ gây đầy hơi như các loại đậu, ngũ cốc nên ăn ít, các loại gây kích ứng dạ dày như ớt, tỏi, đồ lạnh nên hạn chế. Bữa tối có thể ăn cháo yến mạch, cháo Sơn dược để hỗ trợ tiêu hóa và điều chỉnh cân bằng Tỳ Vị.

4. Chức năng thận giảm: Dễ tỉnh giấc ban đêm

Tiểu đêm là một trong những biểu hiện điển hình của thận hư, cũng là một chỉ số biểu hiện chức năng thận bất thường. Điều này cũng gây ảnh hưởng tới giấc ngủ, nếu nhịn tiểu thì không tốt cho sức khỏe, tỉnh giấc lại khó ngủ lại.

Để bảo vệ thận và giải quyết vấn đề tiểu đêm, nên ăn những thực phẩm có màu đen để bổ thận như đậu đen, gạo lứt, vừng đen, Câu kỳ tử… Ngoài ra, trước khi đi ngủ nên ngâm chân nước ấm, cho thêm mấy lát gừng khô, Nhục quế và lá ngải cứu để bổ thận dương. Đồng thời có thể kết hợp massage các huyệt vị như Dũng tuyền, Túc tam lý, Thận du…

Ngoài ra, có rất nhiều vấn đề về giấc ngủ do các bệnh chứng tổng hợp gây ra, ví dụ Tỳ Vị hư nhược lâu ngày rất có thể xuất hiện âm huyết hư tổn, để điều chỉnh cần bổ Tỳ kiện Vị lại cần điều Tâm. Nếu tình trạng này lâu ngày không khỏi nên tới các phòng khám y học cổ truyền để được hướng dẫn điều trị.

Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch

Exit mobile version