“Cứ 2 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người có nguy cơ bị loãng xương, có thể dẫn đến gãy xương đùi”, Tiến sĩ Rajesh Malhotra, Trưởng khoa Chỉnh hình Viện Khoa học y tế Ấn Độ (AIIMS) cho biết.
Hãng tin New Kerala dẫn lời bác sĩ Malhotra, chỉ có 20 % số nam giới có nguy cơ loãng xương sau tuổi 80.
Theo Daily Hunt, có 80% trường hợp loãng xương là phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới.
Tiến sĩ Malhotra cũng cho biết, phụ nữ sau mãn kinh sẽ trải qua những thay đổi nội tiết, dẫn đến suy yếu xương, tăng nguy cơ gãy xương đùi, các vấn đề về tim mạch và thần kinh, có thể gây nguy hiểm và đe dọa tính mạng.
Ở độ tuổi trên 50, chiều cao của họ bắt đầu suy giảm, đây cũng là dấu hiệu gợi ý xương đùi có nguy cơ bị gãy. Xẹp một đốt sống đồng nghĩa với việc tăng 2,5 lần nguy cơ suy xẹp các đốt sống còn lại.
Các chuyên gia phân tích, người cao tuổi có nguy cơ cao bị gãy xương, dẫn đến khuyết tật hoặc tử vong.
Theo báo cáo, hiện nay có khoảng 15 nghìn trường hợp bị gãy xương đùi tại Ấn Độ. Riêng ở châu Á, con số này sẽ cao gấp 6 lần vào năm 2050. Các chuyên gia dự đoán, gãy xương đùi sẽ trở thành một bệnh phổ biến ở Ấn Độ trong vài năm tới.
Malhotra cho rằng, chính phủ cần xây dựng một chính sách về bệnh loãng xương. AIIMS đã dành 6 giường trong trung tâm chấn thương để điều trị loãng xương. Trung tâm lão khoa cũng đang xây dựng hệ thống và đặt giường để phục vụ bệnh nhân.
(Tổng hợp)