Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Phú Yên đang tăng cao bất thường. Tuy nhiên, những gia đình có trẻ nhỏ vẫn chủ quan trong công tác phòng chống và điều trị bệnh.
Tính từ đầu tháng 11, tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Yên liên tục tiếp nhận những bé bị sốt xuất huyết nặng. Có những bé nhập viện trong tình trạng bị sốc, không đo được huyết áp và còn 7 trường hợp nặng đang được điều trị tại đây.
Trong những ngày qua, tại khoa Nội Nhi tổng hợp cũng ở vào tình trạng quá tải do số lượng các bé mắc bệnh tăng cao, và 2 bệnh nhi phải nằm chung một giường, đặc biệt có rất nhiều bé dưới 3 tuổi.
Hiện tại, Phú Yên ghi nhận gần 1.200 ca mắc sốt xuất huyết, hơn 70 ổ dịch đã được xử lý. Theo kết quả xét nghiệm của ngành y tế, trên 60% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết type DEN-2. Đây là type virus có độc lực mạnh và tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Theo các bác sỹ, người dân có tâm lý chủ quan trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh. Có nhiều cha mẹ chủ quan, khi con nặng mới cho nhập viện hoặc trong quá trình con sốt thường tự mua thuốc cho uống. Vậy làm thế nào để phòng và điều trị bệnh cho trẻ mắc sốt xuất huyết khi dịch bệnh đang bùng phát?
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn khởi phát: Bé sốt cao đột ngột liên tục từ 38 – 39oC . Trẻ bứt rứt, quấy khóc, nôn trớ, chán ăn, da sung huyết, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt (bé lớn mới nhận biết được), có chấm xuất huyết dưới da. Có thể xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài ra máu), số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần (xét nghiệm máu).
Giai đoạn tiếp theo thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh: Giai đoạn này nên chú ý cẩn thận, bé có thể bị tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to. Đặc biệt có thể bị thoát huyết tương và nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện như vật vã, bứt rứt, ngủ li bì mê man, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, tiểu ít. Giai đoạn này bắt đầu xuất hiện xuất huyết được thể hiện như các mảng bầm tím, xuất huyết dưới da, mạch nhanh nhỏ. Bé có thể sẽ bị tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp. Đồng thời, trẻ có thể bị xuất huyết ở niêm mạc (chảy máu mũi, chân răng…) hoặc có thể xuất huyết nội tạng (tiểu ra máu…). Một số trường hợp không có dấu hiệu xuất huyết nhưng trẻ vẫn dễ bị tử vong nếu bị sốc với những biểu hiện như tụt huyết áp, giảm thân nhiệt, giảm tri giác. Trường hợp nặng có thể bị rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm.
Giai đoạn hồi phục: Nếu qua được giai đoạn kịch phát, bé sẽ dần dần được hồi phục (thường sau giai đoạn nguy hiểm 48 – 72 giờ), trẻ hết sốt, tình trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều. Khi xét nghiệm máu, số lượng tiểu cầu trở về bình thường, số lượng bạch cầu tăng.
Phải làm gì khi bị sốt xuất huyết?
– Xét nghiệm máu để biết chính xác tình trạng: Khi cơ thể có các dấu hiệu sốt xuất huyết, nên tới các cơ sở y tế để xét nghiệm máu nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng . Hiện nay, các dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà khá phổ biến, tiện lợi, không phải đợi chờ nhiều. Thông thường, xét nghiệm sau 24 giờ kể từ khi bị sốt sẽ cho kết quả chính xác nhất.
– Chế độ nghỉ ngơi, ăn uống: Thể trạng người bị sốt xuất huyết khá yếu, cần nghỉ ngơi và bổ sung thêm dinh dưỡng. Bệnh nhân nên uống nhiều nước cam, chanh, bưởi… để bổ sung vitamin C, uống nước điện giải pha đúng tỉ lệ theo nhu cầu…
– Không nên tắm nước nóng hay xông hơi nếu mắc bệnh: Nguyên nhân vì càng làm cho mạch máu bị dãn ra mạnh và xuất huyết nặng thêm. Bệnh nhân chỉ nên lau người bằng nước ấm, tuyệt đối không tắm bằng nước lạnh vì sẽ làm co mạch ngoài da nhưng lại dãn các mạch máu trong nội tạng. Điều này là nguy cơ gây ra tử vong.
Cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết
Về nghỉ ngơi và dinh dưỡng: Bé cần nằm nghỉ trong phòng thoáng mát. Tuyệt đối không ra mưa, ra nắng, không đi đâu vì nhiều trẻ tuy sốt những vẫn có vẻ khỏe mạnh. Cho bé uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh thường làm máu bị cô đặc lại, rất khó lưu thông. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Để phòng tránh, nên cho bé uống oresol (để bù nước) hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi. Nên uống từ từ vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng. Về ăn, cần chọn các chất dễ tiêu như cháo, súp và không bao giờ được ăn no quá.
Về thuốc: Các bác sĩ thường cho trẻ dùng thuốc hạ sốt thông thường paracetamol (với nhiều tên khác nhau như acemol, cetamol, efferalgan, panadol) không bao giờ cho bé dùng các thuốc nhóm aspirine như aspegic, aspro… chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và một số tai biến khác (có trường hợp dẫn đến tử vong). Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh vì chúng không có tác dụng với bệnh mà chỉ làm trẻ mệt thêm. Trường hợp bé bị sốt cao, có thể áp dụng thêm phương pháp lau mát; nếu sờ hai bàn chân trẻ thấy lạnh thì dùng 1 chai nước ấm ủ giữa 2 bàn chân.
Cách phòng tránh sốt xuất huyết
– Phun thuốc chống muỗi, kiến, gián.
– Mắc màn khi ngủ.
– Sử dụng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt mọi lúc, nhất là ở nơi đông người để giảm nguy cơ nhiễm bệnh do muỗi đốt.
– Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng (màn) cả ban đêm lẫn ban ngày, không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.
– Đậy kín các lu, hủ, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi.
Kiên Định t/h