Đại Kỷ Nguyên

QUẢ DỪA – nước mát cùi giòn, thơm ngon bổ khỏe

Dừa là loại cây được phân bố rộng rãi ở khắp mọi miền nước ta, nhưng nhiều nhất vẫn là các tỉnh phía nam như Bình Định, Bến Tre… Tuy nhiên dừa còn có mặt tại nhiều nước khác trên thế giới như quần đảo Nam Dương, Philippine, Malaysia… Nước dừa là thức uống thiên nhiên tuyệt hảo. Cùi dừa là thực phẩm béo giòn thơm ngon bổ dưỡng. Nhưng có lẽ ít ai biết quả dừa còn có thể làm thuốc chữa bệnh rất có giá trị.

1. Thành phần và công dụng của quả dừa

Quả dừa là phôi nhũ và dịch rỉ của cây dừa thuộc họ cọ. Người ta đã phân tích thành phần của quả dừa thấy chủ yếu là các loại đường gồm glucose, fructose, saccharose, chất béo, chất proteine, vitamin nhóm B, vitamin C, cùng các chất possium (K) magnesium (Mg)… Cùi dừa thơm giòn, trong có chứa dầu và nhiều protein phong phú. Cụ thể cho thấy trong 1 lít nước dừa tươi có khoảng 4g protein, 48g gluxít, 20g axít hữu cơ và 4g chất khoáng. Người ta nhận thấy thành phần của nước dừa có những điểm tương đồng với nội dịch của tế bào cơ thể con người, nhưng có hàm lượng kalium cao tới 38,2 – 53,7mmol/l, hàm lượng natrium, clo, PO4 ít. Do vậy đã được sử dụng chữa chứng mất nước để làm cân bằng chất điện giải (electrolysis).

Những nghiên cứu gần đây cho thấy dừa có tác dụng trị liệu rất tốt đối với những bệnh phù nề do suy tim thể sung huyết. Dừa còn có khả năng kích thích sinh tân dịch, ích khí, kiện tỳ, lợi thuỷ, nên rất thích hợp cho người vị âm bất túc, tân dịch tổn thương, miệng khát, khí hư, phù nề.

Sữa dừa thơm ngọt, cùi dừa cũng ngọt có màu sữa trắng như tuyết, nhưng uống nhiều dễ say. Có tác dụng điều trị và bảo vệ đối với những người mắc bệnh tim ở mức độ nhẹ hay với người có kalium trong máu thấp hơn bình thường.

Đông y cho rằng dừa có vị ngọt, tính bình, sinh tân, lợi niệu, sát khuẩn, tác dụng bổ dưỡng và tăng cường thể trạng, ích khí, khử phong, trị bệnh cam, viêm nhiệt, háo khát, tân dịch bị tổn thương, miệng nôn trôn tháo, phù nề, tiểu tiện ít, bệnh về ký sinh trùng đường ruột, diệt côn trùng, bị lở loét, viêm da,… Ăn cùi dừa và uống nước dừa sẽ giúp cho da dẻ mịn màng, giữ sắc mặt tươi trẻ, làm cho người càng thêm đẹp.

Song cũng có tài liệu lại còn nói nước dừa có vị ngọt, mát, tính bình, có tác dụng tiêu khát, giải độc, giảm mệt nhọc, chữa thổ huyết, phù thũng, trừ phong nhiệt (đó là sự kết hợp giữa phong tà với nhiệt tà mà sinh ra các triệu chứng như phát sốt, nhức đầu, gai rét, sợ gió, ra mồ hôi, tắc mũi, ho, đau rát họng, khát nước, lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng hay hơi vàng, mạch phù sác),… Hoặc còn nói là thứ bình bổ, mùi vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng, nên được mọi người ưa thích.

Theo nhiều tài liệu đông y khác nhau như “Bản thảo hải dược” cũng nói dừa chủ yếu giải khát, trị ho ra máu, bệnh phù, khử phong nhiệt. Hay “Bản thảo cầu nguyên” cũng nói diệt côn trùng, trừ cam tích, và dịch bệnh ở trẻ em. Còn “Sổ tay thuốc thực vật Trung Quốc” nói tác dụng tẩm bổ, hạ nhiệt, giải khát. Sách “Dược thực đồ giám” của Trung Quốc có chép: Dừa có tác dụng tư bổ, thanh thử, giải khát và tiêu cam (tức trẻ bị bụng ỏng da vàng), tẩy giun sán, kết hợp với mật để chữa chứng gầy yếu xanh xao ở trẻ nhỏ. Toàn bộ quả dừa (vỏ, cùi, nước) đều được dùng làm thuốc chữa trị nhiều bệnh.

(Ảnh: internet)

2. Những phương thuốc trị bệnh từ dừa

Chữa chứng viêm nhiệt, háo khát, tân dịch tổn thương, mồ hôi nhiều, phù thũng, tiểu ít đỏ: Ngày uống nước dừa 3 lần, mỗi lần 150ml – 200ml.

Dùng cho người xuất huyết, miệng nôn, trôn tháo, suy yếu, mệt rã rời: Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 ly nước dừa (khoảng 150ml), cho thêm đường và vài hạt muối ăn, khuấy tan rồi uống.

Làm giảm cholesterol và điều hoà huyết áp: Hàng ngày thường xuyên ăn và uống nước dừa còn non sẽ tác dụng điều hoà được huyết áp và góp phần làm hạ cholesterol máu.

Là thức ăn tốt cho bệnh nhân béo phì: Đối với bệnh béo phì thì cùi dừa và nước của nó có tác dụng tốt trong khẩu phần ăn thường ngày. Vì người ta đã nghiên cứu thấy trong 100g nước dừa chỉ cung cấp cho cơ thể có 2 calorie. Còn 100g cùi dừa non cũng chỉ cho có 41calorie; nếu đem so sánh với gạo ta sẽ thấy 100g gạo cung cấp tới 350calorie, như vậy mỗi khi ăn cùi dừa non và uống nước dừa này sẽ tạo ra được cảm giác no để giảm được ăn.

Trị trụy tim và tính sung huyết, bệnh phù: Khi đang chữa chứng bệnh này kết hợp uống nước dừa non tươi vừa phải thì hiệu quả trị liệu sẽ tăng cao nhờ tác dụng của nước dừa làm khỏe tim và lợi tiểu.

Chữa sán sơ mít, sán lát: Mỗi lần lấy nửa quả đến một quả dừa lúc đầu uống nước, sau đó ăn cùi dừa vào buổi sáng khi đang đói. Ăn hết một lần, không cần uống thuốc xổ, đến 3 giờ sau có thể ăn thức khác.

* Chữa táo bón, bí đại tiện: Hàng ngày ăn nửa quả cùi dừa đến 1 quả vào lúc sáng và tối, cần ăn vài ngày liền sẽ hiệu quả.

Chữa suy nhược cơ thể, ăn uống kém: Lấy cùi dừa nạo thái thành miếng nhỏ, nấu với chút gạo nếp nhừ thành cháo, ngày ăn 2 lần, có tác dụng kiện tỳ, khai vị. Cần ăn liền vài ngày.

Chữa ghẻ lở, nấm, nẻ: Lấy loại dầu dừa được ép từ cùi dừa, hàng ngày bôi ngoài da trên chỗ có bệnh, ngày 2 – 3 lần, bôi cho đến khi khỏi bệnh.

Chữa trúng phong, đau tim, đau khớp: Lấy vỏ quả dừa 30g, sắc lấy nước đặc uống, ngày 2 lần, có tác dụng hoạt huyết hết đau.

* Giải độc, mẩn ngứa, nấm da: Lấy vỏ quả dừa đập dập, sắc lấy nước rửa ngoài vết thương, nơi bị ngứa, hay nấm sẽ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, sát khuẩn…

* Chữa bệnh ăn không ngon: Lấy cùi dừa cắt miếng nhỏ cho vào nồi đất có nắp đậy cùng gạo nếp, thịt gà lượng mỗi thứ vừa ăn cho 1 bữa. Đậy nắp kín và tất cả cho vào nấu cách thủy chín và ăn.

Trị viêm dạ dày, ruột: Lấy nước dừa vô khuẩn từ trong quả dừa tươi mới hái để tiêm tĩnh mạch, mỗi lần từ 300 – 500ml. (chỉ làm ở cơ sở có điều kiện vì dễ xảy ra nguy hiểm cho tính mạng). Một quả dừa chứa từ 500 – 800ml nước dừa.

Dùng cho trường hợp khí huyết đều hư, cơ thể suy nhược: Cùi dừa nạo thành miếng hoặc sợi rồi ép lấy nước cho vào hầm cùng với 30g câu kỷ tử, đại táo 50g, gà mái 1 con (rửa sạch chặt miếng), đến khi thịt gà nhừ đem ra ăn, chia làm nhiều lần ăn trong ngày. Mỗi tuần có thể ăn 2 đến 3 lần. Cần ăn trong 2 – 3 tuần liền.

Hoàng Xuân Đại (caythuocquy.info.vn)

Exit mobile version