Đại Kỷ Nguyên

Rajio Taiso – Bài thể dục quốc dân hơn 90 năm của xứ sở hoa Anh Đào, nay ‘vẫn hot’

Những người sống ở Nhật Bản chắc hẳn đã quen với khung cảnh vào một buổi sáng đẹp trời khi bạn đang đi dạo trên đường, bỗng nghe thấy tiếng nói từ đài phát thanh, và ngay lập tức mọi người bắt đầu một bài thể dục tập thể… 

Đây chính là một nét đẹp trong thói quen của người Nhật. Hoạt động này có tên gọi là “Rajio Taiso”, tức là tập thể dục theo Radio.

(Ảnh dẫn theo VNE)

Cứ 6h30 sáng, trên đường phố Nhật Bản lại xuất hiện những nhóm người từ già đến trẻ tập rajio taiso qua đài radio. Tồn tại gần 90 năm, rajio taiso đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc.

Theo Japan Times, rajio taiso ra đời năm 1928 và vẫn được phát triển cho đến ngày nay (ngoại trừ 6 năm Mỹ chiếm đóng), lấy ý tưởng từ quảng cáo của hãng bảo hiểm nhân thọ Metropolitan Life Insurance Co. (Mỹ). Thời điểm đó, người Nhật trung bình chỉ sống đến tuổi 40. Rất nhiều người tử vong vì lao và các bệnh truyền nhiễm khiến việc kinh doanh bảo hiểm vô cùng bất ổn. Để tìm cách cải thiện sức khỏe quốc gia, hai nhân viên công ty bảo hiểm Kampo đã tới Mỹ tham quan rồi mang về ý tưởng một bài thể dục bất cứ ai cũng tập được.

Với sự trợ giúp của các chuyên gia, rajio taiso lên sóng đúng lễ kỷ niệm đăng quang của Thiên hoàng Showa.

Rajio taiso – Bài thể dục quốc dân của người Nhật

(Ảnh dẫn theo life.japanpost)

Mỗi ngày, rajio taiso được đài quốc gia NHK phát từ 6h30 đến 6h40 hoặc 8h40 đến 8h50. Phát thanh viên hướng dẫn mọi người thực hiện các động tác vươn, gập, xoay trên nền nhạc piano. Tuy nhiên một điểm nhấn cho chương trình là giọng đọc của phát thanh viên không truyền cảm và dễ nghe như những chương trình phát thanh chúng ta thường nghe, mà đó là tiếng của một viên trung sĩ huấn luyện đã giải ngũ, tạo cảm giác người bác thân thiện đang cổ động cả gia đình tập luyện giữ gìn sức khỏe.

Rajio taiso gồm hai phần, mỗi phần 13 động tác. Từng động tác có biến thể riêng dành cho cụ già hoặc người tàn tật không thể đứng dậy. Tất cả đều dễ thực hiện nhằm mục đích tăng tuần hoàn máu và cải thiện sự linh hoạt. Đặc biệt, người ta có thể tập rajio taiso ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần không gian đủ lớn và một cái radio hoặc tivi.

Trước Thế chiến II, mỗi người dân Nhật đều tập thể dục 10 phút mỗi sáng. Khi cuộc chiến nổ ra, các bài tập qua radio vẫn được duy trì nhằm tăng sức khỏe cho binh lính. Đến năm 1946, phiên bản gốc bị cấm do quá mạnh bạo. Sau đó, đài NHK tạo ra bài tập mới song không phù hợp với giai đoạn hậu chiến nên cuối cùng bị hủy bỏ.

(Ảnh dẫn theo Cetus News)

Năm 1950, kinh tế bắt đầu đi lên, NHK được thúc giục khôi phục rajio taiso. Một năm trôi qua, phiên bản rajio taiso mới ra đời nhờ sự hợp tác của Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Hiệp hội Thể dục Nhật Bản và Hiệp hội Sáng tạo Nhật Bản. Dù lúc đó truyền hình đã vượt xa đài phát thanh, rajio taiso một lần nữa bùng nổ.

Liên đoàn Thể thao Vô tuyến Quốc gia Nhật Bản nhận định tập thể dục buổi sáng đem lại tác dụng thức tỉnh. Nó nhanh chóng kích hoạt các chức năng thần kinh đồng thời đưa máu lưu thông khắp cơ thể dù thông thường con người cần ba giờ mới hoàn toàn tỉnh ngủ.

Đưa vào trong trường học dậy, các công ty cũng áp dụng để tăng sức lao động

(Ảnh dẫn theo wikipedia)
(Ảnh dẫn theo VOYAPON)

Để khuyến khích trẻ em tập thể dục ngay cả giữa kỳ nghỉ hè, NHK và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Kampo triển khai phát thẻ tập thể dục. Mỗi lần tập của trẻ tương ứng một con dấu. Nếu tấm thẻ kín dấu vào cuối hè, bé sẽ được nhận quà miễn phí như văn phòng phẩm hoặc đồ ăn vặt. Chính những điều đó đã tạo nên một Nhật Bản khỏe mạnh, sống lâu và từ một dân tộc “lùn” trở thành một dân tộc với chiều cao đáng nể như hiện tại kể cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

(Ảnh dẫn theo YouTube)

Năm 2005, Liên đoàn Thể thao Vô tuyến Quốc gia Nhật Bản bắt đầu cấp chứng chỉ cho người dạy thể dục qua radio. Có ba cấp độ bao gồm cấp quốc gia, cấp tỉnh hoặc cấp cộng đồng trong đó hai cấp đầu tiên đòi hỏi kỹ năng cao nhất. Các bài test diễn ra ở Tokyo, Kobe, Kanazawa, Ishikawa.

(Ảnh dẫn theo The Japan Times)

Hiện nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khuyến khích nhân viên tập các hoạt động thể dục giữa giờ để tìm lại cảm hứng làm việc, cũng như làm việc hiệu quả hơn. Các công ty nỗ lực động viên nhân viên giữ sức khỏe tốt, với hy vọng họ sẽ làm việc qua tuổi nghỉ hưu bình thường.

(Ảnh dẫn theo SG Talk)

Cứ vào khoảng 13h hàng ngày, một nhóm các nhân viên trong một công ty ở Tokyo (Nhật Bản) lại rời bàn làm việc khoảng vài phút để tập một số động tác thể dục theo nhịp đếm hướng dẫn vang lên từ radio: “Ichi, ni, san (một, hai, ba)”. Tập thể dục giữa giờ đang dần trở nên phổ biến tại các công ty ở Nhật Bản.

Ước tính 20% dân số Nhật tương đương khoảng 28 triệu người vẫn tiếp tục tập rajio taiso. Vượt khỏi biên giới xứ Phù Tang, người Nhật ở nước ngoài như Peru và Brazil cũng duy trì nét văn hóa đặc biệt này.

Hoàng Kỳ (T/h)

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version