Mồng tơi là loại rau phổ biến trong dân gian, rất giàu vitamin B9, sắt, có lợi cho sức khỏe giúp ngăn ngừa thiếu máu, bệnh trĩ, hỗ trợ điều trị ung thư…
Mồng tơi hay còn gọi là mùng tơi có tính hàn, vị chua giúp thanh nhiệt, chỉ huyết, chữa ban chẩn, định sang tán nhiệt, lợi tiểu, giải độc, làm nhuận da, hoạt trường, không độc. Theo Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh còn có tác dụng hoạt thai làm dễ đẻ…
Trong mồng tơi chứa chất nhày pectin rất quý để phòng chữa nhiều bệnh làm cho rau mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, thải chất béo chống béo phì, thích hợp cho người có mỡ và đường cao trong máu. Tác dụng trừ thấp nhiệt, giúp cho người lao động ngoài trời nắng nóng duy trì được sức khỏe phòng chống bệnh tật như mỏi mệt, háo khát, bứt rứt.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Một số nghiên cứu cho thấy rau mồng tơi chứa nhiều chất nhầy pectin, có hiệu quả giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, kích thích các nhu động ruột và tác dụng nhuận tràng tốt.
Bên cạnh đó, chất nhầy trong mồng tơi còn có tác dụng ngăn chặn quá trình hấp thu chất béo trong đường tiêu hóa. Chính vì vậy, mồng tơi rất có ích cho những người muốn giảm cân hoặc bệnh nhân có rối loạn mỡ máu.
Giúp trái tim khoẻ mạnh hơn
Vitamin B9 trong mồng tơi có vai trò tích cực trong việc chuyển hoá các khoáng chất cũng như các chất chống oxy hoá trong cơ thể.
Ngoài ra, vitamin B9 có trong rau mồng tơi cũng giúp giảm những triệu chứng đáng kể ở các bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm.
Ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ
Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng homocysteine ở mức cao làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí và bệnh Alzheimer. Vitamin B9 làm giảm mức homocysteine được chứng minh là có khả năng cải thiện chức năng nhận thức và các bệnh liên quan đến hệ thần kinh.
Hỗ trợ điều trị ung thư
Sự thiếu hụt vitamin B9 trong cơ thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi và ung thư não.
Nguồn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai
Vitamin B9 là một trong những vitamin quan trọng và cần thiết cho việc mang thai khỏe mạnh. Sự thiếu hụt vitamin B9 gây ra các khiếm khuyết về ống thần kinh như dị tật bẩm sinh, bướu cổ, dị tật bướu cổ và bệnh tim.
Tuy nhiên, rau mồng tơi có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu ăn nhiều.
– Hấp thu kém: Rau mùng tơi chứa hàm lượng cao axit oxalic, một loại chất hóa học liên kết với sắt và canxi khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng.
– Sỏi thận: Rau mùng tơi chứa nhiều purin, hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axit uric. Hàm lượng axit uric cao làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Các axit oxalic trong rau mùng tơi làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng phát triển.
– Mảm bám răng: Axitoxalic trong rau chứa tinh thể nhỏ, không hòa tan trong nước dễ tạo mảng bám trên răng.
– Đầy bụng, khó tiêu: Rau mồng tơi có chứa hàm lượng cao chất xơ. Nếu ăn quá nhiều mồng tơi cùng lúc có thể khiến dạ dày khó chịu, cơ thể sẽ gặp một số vấn đề như đầy hơi, chuột rút, thậm chí bị tiêu chảy.
H.H