Rau muống thường được nhân dân dùng để xào, luộc hay nấu canh. Ngày hè nóng bức mà có bát canh rau muống luộc nấu sấu hoặc vắt chanh thì vừa giúp thanh nhiệt lại tạo cảm giác ngon miệng hơn. Không những vậy, loại rau này còn có tác dụng trị bệnh tuyệt vời.
Rau muống có tên khoa học là Ipomoea aquatica, thuộc họ Bìm bìm Convolvulacea, được trồng khắp nơi trong nước ta, dùng làm rau ăn. Trong rau muống có chứa tới 92% là nước; 3,2% protit; 2,5% gluxit; 1% cellulose; 1,3% tro. Rau còn chứa các vitamin C, B1, B2, caroten (tiền tố của vitamin A), các chất khoáng như canxi, phospho, sắt.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, rau muống chứa các chất lignin và pectin. Pectin có thể thúc đẩy sự bài tiết các chất độc hại, thanh lọc cơ thể rất hữu hiệu. Trong khi lignin có thể giúp cải thiện sức sống của lợi khuẩn, chúng sẽ tiêu diệt vi khuẩn xấu và chống viêm.
Theo y học cổ truyền, rau muống vị ngọt nhạt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt giải độc, nhuận tràng, kích thích tiêu hóa. Có thể dùng dạng sống hoặc nấu chín.
Dưới đây là một số bài thuốc trị bệnh từ rau muống và lưu ý khi sử dụng.
1. Xử lý ngộ độc
Khi bị ngộ độc nấm, lá ngón, thủy ngân, trước lúc đến bệnh viện có thể lấy rau muống rửa sạch, giã nát lọc lấy nước uống. Hoặc khi ngộ độc sắn (củ mì), lấy 100g rau muống cắt khúc, 50g gạo tẻ; rau muống giã nhuyễn lọc lấy nước, gạo giã nhuyễn, hoà cả hai vào nước uống.
2. Chữa đau dạ dày, miệng khô, đắng
Rau muống 20g, rau má 20g, cỏ mực 20g, rau sam 16g, trần bì (vỏ quýt khô) 16g. Tất cả sao qua, cho vào ấm, đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia uống 2 lần/ngày lúc đói.
3. Hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Rau muống 60g (dùng rau muống tía thì tốt hơn), râu ngô 30g nấu thành canh, chắt lấy phần nước uống. Nấu 2 – 3 lần mỗi ngày.
4. Trị viêm lưỡi, viêm môi do thiếu vitamin B2
Dùng 100g rau muống, 50g hành tươi, nấu canh ăn hàng ngày. Trị chứng lở ngứa, loét ngoài da, zona (giời leo). Dùng ngọn rau muống và lá cây vòi voi rửa sạch với ít nước muối, giã nhuyễn đắp lên vết thương. Hoặc ngọn rau muống giã nát với mướp đắng và lá xoan dùng đắp lên những vết loét do bệnh zona.
5. Trị rôm sẩy, mẩn ngứa ở trẻ em
Dùng nước nấu rau muống để xoa, tắm rửa cho trẻ.
6. Chữa liền da, sinh cơ
Khi bị mụn lở, miệng vết thương lõm sâu; ăn rau muống có thể sinh cơ, nhanh lành.
Ai không nên ăn rau muống?
Người bị gout, sỏi thận: Không nên ăn rau muống vì trong rau có chứa oxalat, chất này khi vào cơ thể thì có thể kết tủa tại thận gây sỏi. Rau này cũng kích hoạt phản ứng viêm, dễ tăng nguy cơ bùng phát gout cấp tính.
Người đang bị vết thương mềm, điều trị ngoại khoa: Rau muống cùng thịt bò là thực phẩm có thể để lại vết sẹo lồi cho người đang có vết thương mềm. Lý do vì chúng kích thích tăng sinh tế bào cơ gây sẹo lồi.
Người đau xương khớp: Rau muống là thực phẩm nên kiêng kỵ với người đau xương khớp, bị viêm đau vì sẽ khiến chỗ đau thêm tê nhức.
Người đang uống thuốc Đông y: Theo kiêng kị trong Đông y thì không ăn rau muống vì sẽ gây mất tác dụng của thuốc.
Những người suy nhược cơ thể nặng thể hư hàn cũng không nên ăn rau muống. Do rau muống là loại rau dưới nước thuộc tính âm (mà hàn thuộc âm) nên càng làm người bệnh suy nhược hơn.
Lưu ý khi dùng rau muống
Ngày nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng còn bị lạm dụng, dư lượng thuốc ở nhiều mẫu rau vẫn còn tồn tại. Do đó, nên mua tại những địa chỉ uy tín, nguồn gốc rõ ràng hoặc có thể tự trồng để được sản phẩm rau an toàn cho gia đình.
Trong rau muống thường có kí sinh trùng sán lá ruột lớn (Fasciolopsis buski) bám dính có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi ăn rau sống hoặc nấu chưa chín kĩ. Kí sinh trùng này có thể bám dính vào thành ruột và gây ra các chứng khó tiêu, dị ứng, đau bụng. Do đó, khi ăn rau muống cần rửa sạch dưới vòi nước, và nên nấu chín kỹ.
Mộc Chi