Đại Kỷ Nguyên

Rối loạn tiêu hoá ở trẻ nhỏ và những lưu ý giúp hệ tiêu hoá bé khoẻ mạnh hơn

Có tới 60% trẻ dưới 6 tháng tuổi gặp những vấn đề về hệ tiêu hoá. Điều này khiến trẻ của bạn chậm lớn và dễ bị còi xương. Vậy để hệ tiêu hoá của bé được khoẻ mạnh, mẹ nhất định cần biết những dấu hiệu cảnh báo và có những cách thức điều trị sớm để bảo vệ trẻ mau lớn.

Lý do chính yếu trẻ nhỏ dễ mắc bệnh đường tiêu hoá là do ở trẻ nhỏ, cơ thực quản, dạ dày còn yếu, mỏng nên trẻ cũng dễ bị nghẹn hoặc nôn nhất là khi ăn nhiều. Ngoài ra, phương pháp chăm sóc con của nhiều gia đình không phù hợp với lứa tuổi cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ tiêu hoá trẻ không khoẻ mạnh.

Trước kia nhiều bà mẹ có phong trào cho con ăn bột sớm, ngay từ khi mới 2 – 3 tháng tuổi, hậu quả khiến trẻ bị tiêu chảy kéo dài, dẫn đến suy dinh dưỡng kèm theo những khuyến cáo về phòng ngừa.

Dưới đây là một số tình trạng hệ tiêu hoá bé không ổn định mà mẹ cần lưu ý và có những giải pháp giúp bé mau khoẻ nhanh lớn.

1. Táo bón

Táo bón không phải là bệnh, mà chỉ là 1 triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau hoặc chỉ là 1 rối loạn cơ năng (thường gặp nhất). Táo bón có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm ruột, thủng ruột… Do đó, cần được khám và tìm nguyên nhân gây táo bón để có điều trị thích hợp

Trẻ bị táo bón thường có dấu hiệu khó đại tiện, đau khi đi đại tiện, chất thải cứng và khô. Theo nghiên cứu thì nguyên nhân gây táo bón là do thiếu chất xơ trong chế độ dinh dưỡng, do tác dụng phụ của các loại thuốc chữa bệnh, do viêm nhiễm, do thiếu nước…

Giải pháp: Cho trẻ uống các loại nước hoa quả pha loãng với sữa, tăng hàm lượng chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày, cung cấp đủ dưỡng chất trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Lưu ý: Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ, không nên tự mua thuốc về dùng để hạn chế những sự cố không mong muốn có thể xảy ra.

2. Bệnh tiêu chảy

Trẻ nhở thường dễ mắc phải bệnh tiêu chảy, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài do một vài nguyên nhân rất đơn giản như không đảm bảo vệ sinh ăn uống hoặc do dụng cụ ăn không hợp vệ sinh hay do thức ăn lạ…

Bệnh được xác định khi trẻ có dấu hiệu đi đại tiện trên 3 lần/ngày kéo theo dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, mất nước. Ở thể cấp tính các triệu chứng thường kéo dài 1 – 2 ngày, còn ở dạng mạn tính thì ít nguy hiểm nhưng lại kéo dài hơn.

Khi bị tiêu chảy, trẻ mất nước nhiều nên điều quan trọng nhất cần chú ý là phải bù điện giải cho trẻ. Bù điện giải cho trẻ bằng nước oresol đúng cách (cho trẻ uống từng ít một, uống liên tục và rải rác trong ngày).

Trong trường hợp trẻ tiêu chảy nhẹ, số lượng đi ngoài từ 2 – 3 lần/ngày thì có thể bù nước bằng nước thông thường hoặc nước ép trái cây và ăn uống đủ 4 nhóm thực phẩm là chất bột, chất béo, đạm và rau, nên dùng sữa không có đường lactose theo khuyến cáo của bác sĩ.

Phòng ngừa: Nên ăn chín uống sôi, dùng nguồn nước sạch, rửa tay sạch khi chăm sóc bé, không cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh tiêu chảy, không sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi. Nếu ở thể nặng nên đưa trẻ đi khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

3. Loạn khuẩn đường ruột

Loạn khuẩn đường ruột là tình trạng mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong ruột. Trong trường hợp đường ruột ở trạng thái cân bằng tốt, quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ chất độc hại, kìm hãm và làm mất tác dụng vi khuẩn gây bệnh đường ruột của bé cũng được tốt.

Khi tình trạng mất cân bằng vi khuẩn đường ruột trẻ sẽ dễ bị đi ngoài phân lỏng, phân sống, đôi khi có lẫn chất nhầy hoặc một ít máu, có thể kèm theo cảm giác đầy bụng và sốt nhẹ. Trong một số trường hợp, loạn khuẩn đường ruột nặng, không được điều trị đúng, điều trị sớm, trẻ có thể bị mất nước, rối loạn điện giải, kiệt sức và suy dinh dưỡng.

Loạn khuẩn đường ruột thường gặp sau khi trẻ dùng kháng sinh liều cao và kéo dài để trị các bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm phổi… Tình trạng suy dinh dưỡng, ăn uống không hợp lý, thay đổi thời tiết cũng có thể gây ra loạn khuẩn đường ruột ở trẻ nhỏ. Khi trẻ bị loạn khuẩn đường ruột, cần cho trẻ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định, cha mẹ không tự ý cho trẻ dùng chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa vì dùng không đúng, tình trạng bệnh sẽ không được cải thiện.

Cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa của bé bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé

Đảm bảo chất lượng bữa ăn của trẻ. Phải cân đối giữa các chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất bột đường, chất béo và đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất.

Chế biến thức ăn phù hợp với độ tuổi của trẻ

Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng từ thức ăn, sữa… để tế bào ruột sinh sản và phát triển khỏe mạnh (chất đạm, vi chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, vitamin A…) để tiêu hóa và hấp thu tốt.

Đảm bảo chế độ ăn hợp lý khi trẻ bị bệnh: Không ép trẻ ăn khi bệnh mà chỉ cho ăn tối đa số lượng trẻ có thể chấp nhận được. Thức ăn cần nấu chín kỹ, mềm và nhuyễn hơn, dễ nuốt và dễ tiêu.

4. Trẻ đầy hơi, khó tiêu, hấp thu kém

Đầy hơi ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân như:

Một số vấn đề về tiêu hoá: Chứng trào ngược dạ dày – thực quản, chứng tiêu chảy khiến bé bị mất chất điện giải nhiều qua phân (điển hình là kali) sẽ gây đầy hơi trướng bụng, dẫn đến chèn ép cơ hoành, gây ói nhiều hay chứng táo bón cũng có thể gây ứ phân tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển sinh hơi trong đại tràng và làm bụng bé hay bị đầy hơi.

Do chế độ dinh dưỡng: Đây là lý do thường gặp dẫn tới bé hay bị đầy hơi. Trong trường hợp mẹ cho ăn dặm quá sớm (3 – 5 tháng tuổi) hoặc ăn các thức ăn mà cơ thể trẻ chưa đủ men để tiêu hóa khiến thức ăn chưa tiêu hóa hết ứ đọng trong đường ruột của bé, bị vi khuẩn lên men và sinh ra nhiều hơi (khí) dẫn đến bụng trướng căng.

Do vệ sinh thực phẩm: Không đảm bảo vệ sinh thực phẩm cũng là nguyên nhân của chứng đầy hơi ở trẻ nhỏ. Nhiều trẻ bị đầy bụng do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, ôi thiu. Rất nhiều loại vi khuẩn có khả năng lên men thức ăn, làm thức ăn bị thiu, mùi vị chua, sau đó tiếp tục sinh hơi trong đường ruột. Khi ăn phải những thức ăn này, trẻ bị đầy hơi trướng bụng, nôn ói, tiêu chảy.

Một số cách trị đầy hơi cho trẻ:

Massage bụng cho trẻ bằng cách dùng các ngón tay xoay tròn theo chiều kim đồng hồ từ rốn ra ngoài bụng của bé. Có thể dùng tinh dầu để massage. Tuy nhiên cần chú ý không nên massage ngay sau khi bé vừa ăn xong.

Chườm nóng bụng cho trẻ: Đây là cách sử dụng hơi nóng và sức nặng của gói chườm để giảm được chứng đầy hơi cho bé. Lấy chiếc khăn tay và làm ấm chúng, không nên nóng quá sẽ làm da bé bị bỏng. Hoặc có thể nhúng nước nóng và vắt khô, gấp lại rồi đặt lên vùng bụng của bé cho đến khi hết ấm, sẽ giúp bé đẩy hơi thừa ra ngoài.

Bổ sung men vi sinh cho bé: Men vi sinh chứa các lợi khuẩn probiotic có vài trò quan trọng, không thể thiếu trong hệ tiêu hóa của trẻ.

Tăng cường thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn và men vi sinh.

Tránh các thực phẩm nhiều chất xơ, nhiều gia vị, đường, muối vì chúng có thể làm đường tiêu hóa bị kích thích. 

Minh Nguyên

Exit mobile version