Sài hồ là vị thuốc Đông y có ứng dụng rộng rãi và phổ biến. Trương Trọng Cảnh, danh y nổi tiếng đời nhà Hán trong Thương hàn luận đã có bài thuốc Tiểu Sài hồ thang để trị liệu chứng thiếu dương dẫn tới hàn nhiệt. Nó được coi là dược diệu thư Can giải uất.
Sài hồ, tên khoa học là Bupleurum chinesnis DC., họ hoa tán (Apiaceae). Ngoài Sài hồ bắc, người ta còn dùng rễ cây lức (gọi là hải sài hồ, sài hồ nam tên khoa học là Pluchea pteropoda – Hemsl), thường mọc ở bãi cát ven biển; có nơi dùng cả rễ cây cúc tần (Pluchea indica Less.) nên cần chú ý khi sử dụng. Bộ phận dùng là thân rễ phơi hay sấy khô của Sài hồ bắc.
Nguồn gốc tên gọi vị thuốc Sài hồ
Tương truyền vào thời nhà Đường có người đầy tớ tên Hồ Đại, làm việc rất chăm chỉ siêng năng. Vào mùa đông năm nọ không may mắc ôn bệnh. Địa chủ vì sợ anh lây bệnh cho cả nhà nên đuổi đi. Hồ Đại đi tới bên bờ một hồ nước thì vừa đói vừa khát, toàn thân rã rời mệt mỏi nên đào rễ cỏ ăn chống đói. Không ngờ mấy ngày sau bệnh của anh hoàn toàn phục hồi. Vì không có nhà để về, anh đành quay lại nhà địa chủ tiếp tục làm thuê.
Thấy anh xuất hiện trước mặt, địa chủ vô cùng kinh ngạc vì nghĩ anh đã chết. Địa chủ hỏi anh:
– Anh mắc ôn bệnh sao lại có thể sống mà trở về.
Hồ Đại không trả lời, làm ông ta tưởng anh có Thần Phật bảo hộ cứu giúp nên từ đó không ngược đãi hành hạ anh nữa. Không lâu sau, ôn bệnh xảy ra trong toàn thôn có nhiều người vì thế mà bỏ mạng. Con trai người địa chủ cũng mắc bệnh, dù đã được rất nhiều thầy lang thăm khám nhưng đều không có kết quả. Thấy con trai sắp bỏ mạng vì bệnh dịch, địa chủ chỉ còn cách hạ mình cầu khẩn Hồ Đại bày cho bài thuốc cứu con.
Ông ta nói:
– Hồ đại ca, lần trước anh bị ôn bệnh đã dùng linh đan diệu dược gì vậy, xin hãy chỉ cho tôi để tôi cứu con trai.
Hồ Đại lạnh lùng đáp:
– Tôi không ăn gì cả.
Địa chủ biết anh còn giận chuyện lần trước mình đã đuổi đi, nên quỳ xuống chắp tay nói như van xin:
– Tôi biết lần trước đuổi anh đi vậy là không đúng, xin anh hãy rộng lượng bỏ qua và giúp tôi cứu con.
Hồ Đại bèn đáp:
– Khi đó tôi mắc bệnh rất nặng, các người lại đuổi tôi ra khỏi nhà, người nghèo thân cô thế cô lấy đâu ra tiền mua thuốc? Tôi vừa đói vừa khát, thấy bên hồ nước có loại cỏ như cây củi bèn lấy ăn cho đỡ đói không ngờ chính nó đã cứu mạng.
Nghe anh nói vậy, dù bán tín bán nghi nhưng vì muốn cứu con, địa chủ cũng nghe theo lời anh đi tìm thảo dược về cho con uống. Không ngờ mấy ngày sau con trai ông khỏi bệnh. Người dân trong làng thấy vậy cũng đi tìm thảo dược nọ cho người nhà uống, quả nhiên bệnh tình khỏi hẳn. Có vị tú tài nổi tiếng trong làng sau khi hay tin tới hỏi anh tên thảo dược, anh nói không biết. Tú tài thấy vậy bèn nói:
– Nếu loại thảo dược này chưa có tên, lại có thể làm củi đốt, lại do Hồ Đại phát hiện vậy gọi là Sài Hồ.
Tác dụng của Sài Hồ
Theo Đông y, Sài hồ vị đắng, tính mát; vào Can, Đởm. Có tác dụng tán nhiệt giải biểu, làm thông lợi Can, giảm đau. Dùng cho trường hợp sốt nóng, sốt rét, cảm cúm (hàn nhiệt vãng lai), đau vùng ngực bụng, kinh nguyệt không đều, trung khí hạ hãm (các loại thoát vị, sa dạ dày, ruột, tử cung), viêm gan mạn tính, sốt rét cơn.
1. Sài hồ là diệu dược giúp Thư Can giải uất
Sài hồ có thể hóa giải thoái nhiệt, sơ can chỉ thống, thăng dưỡng khí triệt ngược tà (trị sốt rét). Sài hồ vào bốn kinh Can, Đởm, Tam tiêu, Tâm bào. Can và Đởm là quan hệ biểu lý giống như chân và tay, không có sự phân biệt, vị trí hỗ trợ lẫn nhau, kinh lạc liên thông tương hỗ. Bệnh tà đi vào Can, cũng sẽ vào phủ Đởm. Khi bệnh tà vào Đởm, cũng sẽ vào tới Can tạng; Can khí vượng, thì Đởm vượng và ngược lại. Sài hồ trị bệnh ở tạng Can đồng thời cũng có thể trị ở phủ Đởm. Can và Đởm là nhất thể, thảo dược có thể đồng thời trị liệu bệnh lý ở cả hai tạng phủ.
Tại sao nói Sài hồ là diệu dược thư can giải uất? Nguyên nhân vì thảo dược có tác dụng chính tới Can và Đởm, mà Đởm là đầu mối, là điểm then chốt của cơ thể. Cũng giống như muốn vào một căn phòng phải đi từ cửa vào, Đởm giống như khóa cửa, còn Sài hồ giống như chìa khóa. Sài hồ giữ nhiệm vụ trọng yếu, tác dụng giống như một chiếc chìa khóa để mở cửa, hiệu quả trị bệnh rất tốt nên được gọi là diệu dược.
2. Sài hồ có thể cải thiện Tràng Vị
Tại sao bệnh nhân mắc chứng uất thường có vấn đề về đường tiêu hóa? Điều này có liên quan tới sự tương khắc trong Ngũ hành. Can Đởm trong Ngũ hành thuộc Mộc, Tỳ Vị thuộc Thổ, Mộc khắc Thổ, nên Can mộc sẽ khắc Tỳ thổ. Can tạng có vấn đề sẽ có ảnh hưởng tới Tỳ tạng. Bệnh nhân mắc chứng uất, tâm trạng phiền muộn, dẫn tới Can khí uất kết, thậm chí gây phát Can hỏa. Can mộc khắc Tỳ thổ, vì khí Tỳ tạng suy yếu sẽ có các vấn đề về Tràng Vị như trướng bụng, khó tiêu hóa, chán ăn. Sài hồ trị bệnh ở Can và Đởm, có thể thư Can giải uất, thư giải uất kết của Can khí, Can mộc không khắc Tỳ thổ, nên tự khắc có thể phòng ngừa phát sinh các vấn đề về Tràng Vị.
3. Bài thuốc trị bệnh từ Sài hồ
Trị ngoại cảm
Tiểu sài hồ thang (trích Thương hàn luận): Sài hồ 12 – 16g, Bán hạ 8 – 12g, Hoàng cầm 8 – 12g, Đảng sâm 8 – 12g, Chích thảo 4 – 6g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 4 – 6 quả.
Trị chứng can khí
Tiêu dao tán: Sài hồ 12g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Chích thảo 4g, sắc nước uống, có thể gia giảm tùy theo triệu chứng. Trong những trường hợp loét dạ dày tá tràng, rối loạn kinh nguyệt, cao huyết áp, suy nhược thần kinh dùng bài này gia giảm chữa bệnh đều có kết quả.
Trị cảm mạo thường
Sài hồ ẩm (Sài hồ, Phòng phong, Trần bì, Thược dược, Cam thảo, Gừng tươi) mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g.
Trị viêm gan
Cam sài hợp tể (Cam thảo, Sài hồ lượng bằng nhau 15g), mỗi lần 10ml, ngày uống 3 lần.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: zhengjian, baophuyen.com.vn
https://video3.dkn.tv/cac-quan-chuc-dan-ap-phap-luan-cong-sap-bi-phoi-bay-ra-phap-luat_91b91564e.html