Đại Kỷ Nguyên

Sai lầm thường gặp khi điều trị huyết áp

Điều trị tăng huyết áp cần kiên nhẫn trong thời gian dài và tuân thủ đúng các chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu những bệnh nhân này không uống thuốc đúng cách, không áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý thì sẽ không đạt được hiệu quả điều trị, thậm chí dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về một số quan niệm sai lầm thường gặp liên quan đến vấn đề kiểm soát huyết áp cao.

Không kiểm tra huyết áp thường xuyên

THA thường không có triệu chứng đặc hiệu, không có dấu hiệu tiền báo nên người bệnh thường phát hiện muộn, có khi rất muộn, thậm chí đến lúc xảy ra tai biến mới phát hiện bệnh. Do đó, người bệnh cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh sớm.

Người bình thường nên kiểm tra sức khỏe mỗi năm 1 lần, để dễ có cơ hội phát hiện bệnh.

Những người có nguy cơ cao (trên 40 tuổi, béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường) ít nhất 6 tháng một lần phải kiểm tra huyết áp (HA). Khi đo, nếu thấy HA cao, nên đo lại 3 đợt (mỗi đợt cách nhau một tháng). Mỗi đợt nên đo 2 – 3 lần, lấy trị số trung bình. Chỉ sau 3 đợt đo mà trị số trung bình của HA đều trên 140/ 90 mmHg mới xác định là bị cao huyết áp.

Không dùng đủ thuốc, đủ liều phối hợp theo chỉ định

Trước đây, theo cách “điều trị bậc thang” (WHO- 1978 – 1988; Mỹ -1992), bệnh càng nặng càng dùng nhiều thuốc: THA độ I dùng 1 thuốc; độ II dùng 2 thuốc; độ III – độ IV dùng 3 – 4 thuốc. Hiện nay, Hội nghị huyết áp Thế giới (2003), Hiệp hội THA Châu Âu – ESH (2009) khuyến nghị: cần phối hợp thuốc ngay từ đầu.

Liệu pháp phối hợp cần ưu tiên áp dụng cho người nguy cơ cao nhằm hạ HA nhanh, tránh biến chứng. Phối hợp thuốc sẽ bổ sung và làm tăng hiệu lực của thuốc, cho hiệu quả sớm hơn và cao hơn.

Liều dùng mỗi thành phần khi phối hợp thuốc cũng thấp hơn khi dùng đơn, nên ít gặp tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số thuốc phối hợp có thể gây ra tác dụng phụ. Do đó, không tự ý phối hợp hay dùng các biệt dược kép mà cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, cần dùng đủ thuốc đủ liều các thành phần phối hợp.

Ảnh: nursingcenter.com

Dùng thuốc không đúng giờ

Chỉ số HA thường tăng giảm hàng ngày theo chu kỳ sinh học: khi thức dậy tim hoạt động mạnh hơn, HA tăng nhanh hơn, từ 9 – 12 giờ trưa ở mức cao nhất, rồi thấp dần vào buổi chiều tối, từ 3 giờ sáng lại tăng dần theo chu kỳ.

Do mỗi loại thuốc đều có thời gian bán hủy riêng nên phải uống thuốc đều đặn vào một giờ nhất định trong ngày, tùy theo thời gian bán hủy của từng loại thuốc, không “nhớ lúc nào dùng lúc ấy” một cách tùy tiện.

Tự tăng liều theo cảm giác chủ quan

Khi nhức đầu, khó chịu… có nhiều người bệnh cho là do HA tăng, rồi tự tăng liều. Thực ra, các triệu chứng trên chưa hẳn do HA tăng. Tự tăng liều có thể gây tụt HA quá mức, thậm chí có thể gây trụy mạch.

Có nhiều trường hợp, người bị các triệu chứng trên, thậm chí HA có tăng cao hơn so với HA mục tiêu nhưng khi đến viện chỉ cho nằm nghỉ ở phòng chờ yên tĩnh thì có hơn 80% trường hợp HA trở về mức mục tiêu mà không cần dùng thuốc hay nhập viện. Do đó, theo các chuyên gia y tế, khi cảm thấy nhức đầu, khó chịu, thậm chí huyết áp có tăng nhẹ so với huyết áp mục tiêu, người bệnh không nên tự ý tăng liều thuốc mà nên nằm nghỉ ngơi ở chỗ yên tĩnh, thoáng khí.

Ảnh: amazon.com

Tự ý ngừng thuốc, dùng thuốc không đủ liệu trình

THA là bệnh mạn tính, phải điều trị liên tục để giữ huyết áp ở mức ổn định có thể chấp nhận được, gọi là kiểm soát huyết áp. Nhiều người bệnh sau khi dùng thuốc điều trị, huyết áp đã nhanh chóng trở về mức bình thường, vì thế cho rằng mình đã khỏi bệnh và tự ý ngưng thuốc. Khi tự ngừng thuốc, HA có thể sẽ lại tăng cao, gây ra tai biến. Do đó, người bệnh phải dùng thuốc hàng ngày, đều đặn và có thể phải dùng suốt đời.

Không khám định kỳ, chỉ dùng mãi một đơn thuốc

THA tiến triển theo hướng ngày càng nặng hơn và có thể làm xuất hiện hay nặng thêm các bệnh trong Hội chứng rối loạn chuyển hóa, đặc biệt có thể kèm theo các yếu tố nguy cơ tại các cơ quan đích. Do đó, cần phải điều chỉnh các loại thuốc, liều lượng phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Người bệnh cần tuân theo lịch hẹn khám lại theo định kỳ, không tự ý dùng mãi một đơn thuốc kéo dài.

Không phối hợp dùng thuốc với chế độ luyện tập

Người bệnh cao huyết áp nếu chỉ dùng thuốc mà không có chế độ luyện tập thì sẽ không đạt hiệu quả tối ưu nhưng nếu luyện tập thái quá cũng sẽ nguy hiểm.

Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, chơi các môn thể thao đơn giản như đi bộ vừa, chạy bộ chậm với thời gian khoảng 30 – 40 phút/ngày và đảm bảo tim không đập quá 105 – 125 lần/phút.

Không nên chọn các môn luyện tập đòi hỏi vận động mạnh, đòi hỏi di chuyển nhiều và thời gian kéo dài như cử tạ, quần vợt, chạy bộ nhanh. Và nếu người bệnh có kèm theo các bệnh về tim mạch thì cần phải kiêng một số môn thể thao theo chỉ định của bác sĩ.

Ảnh: konversai.com

Chỉ uống thuốc mà không có chế độ ăn uống phù hợp

Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng kiểm soát tăng huyết áp. Người bệnh nếu không có bệnh lý kèm theo thì chỉ cần dùng chế độ ăn cân đối, cân bằng dinh dưỡng.

Nếu bệnh nhân kèm theo béo phì, mỡ máu cao, tiểu đường thì tùy theo tình huống cụ thể mà phải dùng chế độ ăn giảm chất béo, chất đường, chất đạm để các bệnh này không nặng thêm, tác dụng ngược lại đến bệnh THA.

Tuy nhiên, đôi khi do chưa tìm hiểu kỹ nên người bệnh kiêng thái quá dẫn tới thiếu năng lượng, dinh dưỡng. Cần lưu ý, hạn chế lượng muối ăn chứ không phải kiêng ăn muối hoàn toàn dẫn đến cơ thể bị thiếu chất, do người THA cũng cần có ion natri để cân bằng nội môi.

Khi cao tuổi chưa chú ý đúng mức việc kiểm soát huyết áp

Nhiều người cho rằng tuổi cao thì mạch máu xơ cứng nên THA là lẽ đương nhiên. Hơn nữa không ít người còn cho rằng với độ tuổi này, động mạch vành và các động mạch não hẹp vĩnh viễn thì HA tăng là một “cơ chế bù trừ” quan trọng, không nên can thiệp vào. Những điều này làm cho chính các bác sĩ cũng quan ngại khi dùng thuốc điều trị HA cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dùng thuốc hạ áp ở người cao tuổi làm giảm tỉ lệ tai biến mạch máu não gây tử vong hoặc không tử vong (khoảng 30%), giảm tử vong về tim mạch (khoảng 23%), giảm tử vong vì suy tim (khoảng 64%) so với nhóm chỉ dùng giả dược.

Do đó, điều trị THA cho người cao tuổi (≥ 60) là có lợi, làm giảm các nguy cơ tử vong về tim mạch, giúp tăng tuổi thọ. Tuy nhiên với người tuổi rất cao (từ 80 tuổi) các bác sĩ sẽ có các cân nhắc thích hợp, thận trọng để tránh các rủi ro.

Ảnh: medicalnewstoday.com

Tự ý xử lý tai biến

HA tăng cao có thể dẫn đến vỡ mạch, gây tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, khi xảy ra tai biến mạch máu não, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc hạ huyết áp. Nếu tự dùng thuốc hạ HA, có thể dẫn tới hạ HA quá mức, máu không đến được các vùng não khác làm tai biến nặng thêm. Trong trường hợp này, tốt nhất là khẩn trương đưa người bệnh đến nơi cấp cứu không tự dùng thuốc hạ HA hay các thuốc khác.

Chưa nhận thức đúng vai trò của thảo dược

Huyết áp cao là căn bệnh mạn tính, cần điều trị lâu dài. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng thuốc tây y, người bệnh có thể bị nhiều tác dụng phụ, nhất là khi dùng thuốc kéo dài khiến cho lượng thuốc tích tụ ngày càng nhiều. Để hạn chế tình trạng đó, người bệnh có thể sử dụng phương pháp Đông – Tây y kết hợp, nghĩa là dùng thêm các thảo dược điều trị huyết áp cao.

Ưu điểm nổi bật khi kết hợp dùng thảo dược trong điều trị bệnh là giúp hạ huyết áp, duy trì huyết áp ổn định, hạn chế tác dụng phụ của thuốc tây y, phòng ngừa nguy cơ tai biến…

BS Thu Trang

Exit mobile version