Tại nhiều nước khu vực Đông Nam Á, sầu riêng được coi là vua của các loại trái cây. Theo các bác sĩ Đông y, đây là loại quả có thể cung cấp dinh dưỡng một cách toàn diện. Người có thể chất hư nhược có thể ăn để bồi bổ, vì loại quả này có tính nóng nên có thể không phù hợp với tất cả và cần chú ý thể chất bản thân trước khi ăn.
Sầu riêng có tên gọi khác là quả Xạ hương miêu. Sầu riêng có danh pháp khoa học là Durio, một chi thực vật thuộc họ Cẩm quỳ. Thịt quả có thể ăn được, và tỏa ra một mùi đặc trưng, nặng và nồng, ngay cả khi vỏ quả còn nguyên. Một số người thấy sầu riêng có một mùi thơm ngọt ngào dễ chịu, nhưng một số khác lại không chịu nổi và khó chịu với cái mùi này. Do mùi của quả ám rất lâu cho nên nó bị cấm mang vào một số khách sạn và phương tiện giao thông công cộng ở Đông Nam Á.
Câu chuyện quả sầu riêng
Truyền thuyết kể rằng, ở Jakarta xưa kia, có một vị vua vì không có được tình yêu từ người vợ trẻ đã quyết định đến tìm một vị ẩn sĩ nọ nhờ ngài giúp đỡ. Vị ẩn sĩ trao cho vua một loại hạt giống lạ và nói ông hãy đem gieo trồng chúng trong khu vườn của mình. Nhà vua nghe theo, làm đúng như lời dặn, đem gieo trồng và chăm sóc hạt cây một cách cẩn thận, chẳng bao lâu sau, từ hạt mầm lạ mọc lên một loại cây hương thơm lan khắp cả khu vườn. Và cũng chẳng biết tại sao người ta lại gọi thứ quả của cây là Sầu Riêng.
Sau khi nếm thử thứ quả tuyệt vời từ giống cây nọ, người vợ trẻ ngay lập tức đã phải lòng đức Vua, ngày hôm đó cả kinh thành ngập trong những bữa tiệc chúc mừng vua và hoàng hậu. Tuy nhiên, thật không may, đức Vua đã quên mời vị ẩn sĩ kia đến dự tiệc. Vì nghĩ nhà vua coi thường mình, vị ẩn sĩ quyết định sẽ nguyền rủa giống cây quý. Kể từ ngày đó, mặc dù vẫn giữ nguyên vị ngon lành béo ngậy nhưng sầu riêng lại sở hữu một mùi hương cực kì khó chịu, như mùi bốc ra từ những bãi rác, đặc biệt là vào những ngày hè oi bức, tệ hơn nữa vỏ ngoài của nó chứa đầy lũ gai sắc nhọn vô cùng xấu xí.
Thành phần dinh dưỡng
Theo Tây y, sầu riêng là loại quả có hàm lượng dinh dưỡng khá toàn diện. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 100g thịt quả chứa 33% vitamin B1, 17% vitamin B2, 24% vitamin B6, 24% vitamin C, các vitamin nhóm B khác và một lượng nhỏ vitamin A. Ngoài ra còn có các khoáng chất phong phú như magie, kali, phốt pho, kẽm, sắt và canxi, cũng như protein, chất béo và chất xơ. Nhiệt lượng trong quả cũng rất cao tới 147 kcal. Ăn một quả sầu riêng có thể hấp thụ 1.000 kcal. Theo Đông y sầu riêng tính nóng, vị ngọt, có các công dụng như bồi bổ tăng cường sức khỏe, kiện Tỳ bổ khí, bổ Thận tráng dương…
Hàm lượng vitamin B6 trong sầu riêng là rất cao, đây là tác nhân giúp kích thích sự sản xuất serotonin giúp phòng chống chứng trầm cảm tự nhiên. Một số nghiên cứu đã cho biết, khi lượng serotonin giảm hay bị rối loạn sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm. Do đó, có thể duy trì sự ổn định serotonin bằng cách thường xuyên ăn.
3 chú ý khi ăn sầu riêng
So với các loại trái cây khác, những điều cấm kỵ khi ăn loại quả này được các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng đặc biệt nhấn mạnh. 3 điểm sau đây phải được lưu ý:
- Sầu riêng có tính nóng, những người có thể chất thiên về nhiệt (như khô miệng, nổi mụn, táo bón) nên ăn ít, người bình thường cũng nên lượng vừa đủ để tránh bốc hỏa; cũng không nên kết hợp ăn cùng các loại thực phẩm có tính nóng như rượu… Khi uống rượu và ăn sầu riêng cũng có tính nóng, những tác động này bị đẩy mạnh thêm và có thể làm mất cân bằng âm dương của cơ thể. Tình trạng này có thể làm nặng thêm các bệnh hiện có, như bệnh tim mạch, và gây ra những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.
- Hàm lượng đường trong sầu riêng rất cao, bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn, người thừa cân nên chú ý đến lượng calo của nó. Đây cũng là loại quả chứa nhiều kali, những người mắc bệnh thận, bệnh tim nên thận trọng khi ăn, bệnh nhân ung thư hoặc người bị mắc các bệnh viêm nhiễm cũng không nên ăn.
- Lượng đường trong sầu riêng khá cao, bên cạnh đó nó lại là thực phẩm nóng, nếu bà bầu ăn sầu riêng có thể gây nên chứng đầy hơi, khó tiêu, bốc hỏa do tăng huyết áp. Điều này sẽ có hại cho thai nhi.
Mùi khó chịu của sầu riêng từ đâu?
Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu hóa học thực phẩm Đức tiến hành kiểm tra hợp chất bay hơi từ phần thịt quả sầu riêng bằng phương pháp phân tích hương thơm dịch chiết pha loãng và phương pháp phân tích sắc ký khí (phân tích các chất màu và đo độ mùi).
Kết quả là, mùi hương khó ngửi của sầu riêng là sự kết hợp của rất nhiều hợp chất tạo mùi. Tiến sĩ Martin Steinhaus thuộc Trung tâm nghiên cứu hóa học thực phẩm tại Đức cho biết có tới 19 hợp chất tạo mùi được xác định trong mùi hương của sầu riêng.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, những hợp chất mạnh nhất trong trái sầu riêng tạo ra mùi giống như mùi của trái cây (acetaldehyde), hành tây thối ( ethanethiol ) và hành rang <1-(ethylsulfanyl) ethanethiol>. Những hợp chất có mùi yếu hơn thì giống bắp cải và lưu huỳnh. Ethyl (2S) – 2 – methylbutanoate và 1 – (ethylsulfanyl) ethane – 1- thiol có mùi giống sầu riêng nhất trong tất cả các mùi đã phân tích được. Khi kết hợp với nhau, hai hợp chất này có mùi gần giống hệt với sầu riêng.
Cách loại bỏ mùi sầu riêng trong nhà
1. Khử mùi bằng đá Maifan: Lấy 500g Đá Maifan, rây nhỏ thành bột cho chúng vào túi gạc và đặt chúng trong nhà để giúp loại bỏ mùi hôi. (Đây là một loại đá khoáng tự nhiên được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông hàng ngàn năm nay. Theo Bản thảo cương mục, Đá maifan có tính ôn, ngọt, không độc nên còn gọi là đá sinh mệnh hay đá trường thọ. Đá maifan là loại đá chứa rất nhiều chất khoáng, ngoài germanium ra còn có 45 khoáng chất khác rất cần thiết cho cơ thể con người. Đá maifan có tính dược nên được ứng dụng để chữa bệnh về da liễu, tiêu hóa, thần kinh, mất ngủ…)
2. Khử mùi bằng than củi: Nghiền nát lượng than củi thích hợp, cho vào túi vải nhỏ, rồi đặt trong phòng, hiệu quả khử mùi rất tốt.
3. Khử mùi baking soda: Lấy 500g baking soda (natri bicarbonate) trong hai chai thủy tinh miệng rộng (mở nắp chai) và đặt chúng trong nhà.
Ngoài ra, bánh mì sắp hết hạn, vỏ cam, lát chanh, lá trà, giấm, xà phòng gỗ đàn hương… đều có thể sử dụng để khử mùi.
Cách chọn sầu riêng ngon
- Dựa vào hình dáng của quả sầu riêng: Khi chọn sầu riêng không quan trọng kích thước to hay nhỏ mà quan trọng là phần eo quả phải phình to đều, không bị vẹo vọ. Quả có phân thành các múi rất to và rõ ràng.
- Kiểm tra gai của quả sầu riêng: Quả sầu riêng đã già thì có những gai nở to, rất cứng nhưng đầu gai hơi tròn chứ không nhọn và nhỏ xíu.
- Dựa vào tiếng động khi gõ vào quả: Khi gõ mà thấy tiếng bồm bộp hoặc bịch bịch phát ra rất chắc chắn thì đó là quả có phần cơm dày và hạt lép.
- Màu sắc của quả sầu riêng: Những quả sầu riêng có cơm vàng sữa, hạt lép thì có vỏ màu xanh rêu hoặc màu xanh rêu hanh vàng. Gai sầu riêng cũng cứng và thưa hơn nhiều so với những quả non.
- Quan sát cuống sầu riêng: Quả sầu riêng đã già, chín đều và ngon thì có phần cuống cứng và vẫn xanh tươi.
Cách tách múi sầu riêng: Những quả đã già, chín tới thì phần múi của nó đã tự tách ra và người bán chỉ cần dùng cây khui chuyên dụng nhẹ nhàng tách rất đơn giản. Còn những quả non thì sẽ rất mất sức mới có thể tách được múi.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung