Đại Kỷ Nguyên

Số ca mắc sởi tăng cao ở phía Nam, nguy cơ bùng phát thành dịch

Từ tháng 8, số ca mắc sởi tăng nhanh ở các tỉnh thành phía Nam như Đồng Nai, Tp.HCM, Bình Dương. Đa số ca mắc bệnh đều là trẻ dưới 5 tuổi, chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ.

Gia tăng số ca mắc sởi ở phía Nam

Cục Y tế dự phòng cho Vietnamnet biết, tính chung cả nước, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 1.000 ca mắc sởi tại 37 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2017, tình hình bệnh sởi năm nay đang có chiều hướng gia tăng cao đặc biệt các tháng cuối năm.

Phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó hơn 83% số trẻ không được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng vắc-xin sởi.

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai chia sẻ với Thanh Niên, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 125 ca mắc sởi. 60% ca bệnh chưa tiêm chủng vắc-xin; 20% chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi), 8% đã được tiêm…

Ghi nhận tại bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM), hiện có 26 ca sởi điều trị nội trú (cùng kỳ 2017 không có ca nào), trong đó có 6 ca từ Đồng Nai chuyển tới. Từ đầu tháng 8, bệnh viện đã cho 74 ca mắc sởi xuất viện, trong đó 27 ca từ Đồng Nai chuyển lên.

Bệnh sởi rất dễ lây lan, nên mọi người không nên chủ quan khi điều trị dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm. (Ảnh: Eva)

Khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM), từ giữa tháng 8 đến nay đã tiếp nhận trên 30 trẻ bị sởi, đa số là trẻ ở các tỉnh đưa về chưa được tiêm ngừa sởi và dưới 9 tháng tuổi.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tuần qua (17-23/9) trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 12 trường hợp mắc sởi. Đến nay, Hà Nội đã có 389 trường hợp mắc sởi. Bệnh nhân mắc sởi phân bố rải rác tại 215 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Dù chưa có bệnh nhân tử vong nhưng số mắc sởi năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.

Biện pháp phòng ngừa và đẩy lùi dịch sởi

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết, các bệnh viện phải nghiêm túc phòng chống nhiễm khuẩn, tránh lây lan cho bệnh nhân khác.

Ths.BS Hồ Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 trao đổi với Thanh Niên, bệnh nhân khám ngoại trú tại bệnh viện nếu phát hiện phát ban sẽ cho di chuyển đường riêng vào phòng bệnh.

Bác sĩ khoa nhiễm sẽ lọc lại và quyết định ca nào phải điều trị nội trú, đồng thời hướng dẫn cách tránh lây lan ra xung quanh. Với bệnh nhân nội trú ở bất kỳ khoa nào nếu thấy dấu hiệu phát ban cũng sẽ được chuyển vào phòng riêng để xác định, có biện pháp điều trị phù hợp.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

– Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm phòng.

– Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

– Hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Dấu hiệu mắc bệnh sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp.

– Ban xuất hiện ở sau tai, lan khắp mặt, dần xuống ngực bụng và toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Trẻ mắc sởi thường sốt 38-39 độ C và sốt liên tục.

– Ngoài ra còn một số triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy…

Trường hợp mắc sởi, đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi, nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ gặp nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa…

(Tổng hợp)

Exit mobile version