Số ca mắc sởi đang tăng trên địa bàn thành phố Hà Nội khi từ đầu năm đến nay đã có 38 trường hợp, chỉ tính riêng tuần trước đã có thêm 10 trường hợp mắc mới, theo số liệu của đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Theo VTV, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị nội trú cho gần 90 ca mắc sởi, thủy đậu. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết đã ghi nhận trường hợp một bé trai 4 tuổi tử vong do mắc bệnh sởi.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần từ ngày 12-18/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 10 trường hợp mắc bệnh sởi. Số ca mắc sởi trong tuần đã tăng vọt so với những tuần trước đó (chỉ ghi nhận 3-6 ca/tuần), theo VTC.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời tiết giao mùa xuân – hè là điều kiện thuận lợi phát sinh tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh sởi. Để phòng chống các dịch bệnh này, cần tăng cường sức đề kháng và chủ động tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh.
Trao đổi với Vnexpress, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh thực tế miễn dịch sởi ở trẻ em thì tốt, nhưng miễn dịch của người lớn không có. Tỷ lệ tiêm chủng tăng dần hàng năm nhưng vẫn có một lượng lớn người lớn không có miễn dịch. Điều này lý giải vì sao nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng) cũng mắc sởi, do không có miễn dịch từ mẹ truyền cho.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị đánh giá xem lại miễn dịch của cộng đồng với bệnh sởi cũng như ho gà; đồng thời đưa ra khuyến cáo tiêm vắc-xin cho người lớn, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Mới đây, ngành y tế đã quyết định tiêm vắc-xin sởi cho trẻ ngay từ khi 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng. Đồng thời đưa một số vắc-xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng như vắc-xin sởi – rubella được sản xuất trong nước, vắc-xin bại liệt dạng tiêm thay vì chỉ uống như hiện nay.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Virus gây bệnh sởi làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa. Phần lớn trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng.
Để tránh lây nhiễm chéo, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt việc tổ chức phân tuyến điều trị, thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiện các bệnh viện đã tổ chức khám phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám.
Khi trẻ mắc sởi, người dân hãy đưa con em đến các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Những cơ sở này đủ khả năng khám, điều trị cho bệnh nhân sởi. Nếu bệnh nhẹ mà đổ dồn lên tuyến trên thì sẽ gây quá tải bệnh viện, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Phương Nam