Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do hóc dị vật. Các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo, hóc dị vật cực kỳ nguy hiểm, dễ gây tắc nghẽn đường thở, gây tử vong nếu không sơ cứu đúng cách và kịp thời.
Trẻ khám phá vạn vật xung quanh bằng cách cho vào miệng, nuốt dị vật có thể bị mắc, bị nghẹn mà gây nguy hiểm cho trẻ. Người lớn luôn phải để mắt đến trẻ, tránh xa tâm với của trẻ những vật nhỏ, bé…và biết cách sơ cứu kịp thời, đúng cách.
Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc (Bình Dương) đã cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân 13 tuổi, nhập viện trong tình trạng nuốt vướng, đau nhiều vùng hạ họng do hóc xương gà.
Cách đó ít ngày, bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Tp.HCM) tiếp nhận bệnh nhi là bé gái 5 tuổi (ngụ huyện Hóc Môn, Tp.HCM) bị mắc dị vật trong thực quản. Người nhà bệnh nhi cho biết, cách nhập viện khoảng 1 giờ, trong lúc ngồi chơi bé cầm đồng xu rồi cho vào miệng. Sau đó bé có triệu chứng khó thở, đau tức vùng cổ ngực, khạc ra ít máu tươi.
Thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, có đến 25% trường hợp hóc dị vật gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và 95% ở trẻ dưới 4 tuổi. Dị vật đường thở hay gặp ở trẻ là các loại hạt, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc… Đối với người lớn, dị vật đường thở xảy ra do ăn uống bị sặc, nghẹn, chất nôn trào ngược vào đường thở, theo Sức Khỏe & Đời Sống.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trao đổi với VnExpress cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu vì dị vật đường thở. Đây là loại tai nạn mà nếu không nhận biết và xử trí kịp thời, đúng cách có thể gây nhiều hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ Tuấn cũng cho biết, việc phát hiện, nhận biết và xử trí đúng hóc dị vật là cực kỳ quan trọng. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý.
Mọi người cần giữ bình tĩnh, tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn.
– Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.
– Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.
Phụ huynh cũng nên nắm được vài cách sơ cứu đơn giản để có thể cấp cứu bé sớm nhất, phòng tránh nguy cơ tử vong do hóc dị vật gây ra.
Cách sơ cứu trẻ dưới 2 tuổi hóc dị vật (nguồn: Vietnamnet).
Cách sơ cứu trẻ trên 2 tuổi hóc dị vật (nguồn: Vietnamnet).
– Bố mẹ nên quan tâm và để ý sát sao đến trẻ, đặc biệt trong lúc chơi. Không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng ngậm.
– Tập cho trẻ thói quen không được ngậm bất cứ thứ gì trong miệng. Không nên để cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như hạt na, lạc, quất, hồng bì, hạt bí, hạt dưa…
– Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, phụ huynh không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ bởi vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc.
– Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, không để trẻ vừa ăn vừa chơi.
– Nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
H.H
Xem thêm: 9 thứ ‘kinh dị’ nhất mà trẻ em từng nuốt vào bụng, có thứ dài bằng 1 nửa thân người em bé