Đại Kỷ Nguyên

‘Sói rừng’ – Tên nghe khiếp đảm nhưng thực ra là cây tuyệt vời chữa nhiều bệnh

Trong sách Đông y, từ lâu đã có tên sói rừng như một loại thảo dược quý được dùng để điều trị bệnh thấp khớp, đau lưng, ung thư… Các chuyên gia y học hiện đại cũng nghiên cứu và ứng dụng sói rừng.

Sói rừng còn gọi là sói nhẵn, cửu tiết trà, thảo san hô, tiếp cốt mộc, cửu tiết phong, cửu tiết lan, sơn hồ tiêu,… tên khoa học là Sarcandra glabra (Thunb) Nakai, thuộc họ Hoa sói (Chloranthaceae). Cây sói mọc hoang trong rừng, có rất giàu dược tính.

Tại Việt Nam, cây sói rừng mọc hoang ở nhiều nơi, từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Tây (cũ) đến Kon Tum, Lâm Đồng… nhiều nhất ở các vùng núi đất, bìa rừng và ven đồi ẩm ướt. Để làm thuốc, có thể thu hái toàn cây vào mùa hạ thu, dùng tươi hay phơi khô, rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, cắt đoạn, phơi trong bóng râm, cũng có thể dùng tươi.

Theo Đông y, sói rừng có vị đắng, cay, tính hơi ấm, hơi có độc, có tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm, khu phong trừ thấp, hoạt huyết chỉ thống. Chủ trị viêm phổi, viêm phế quản, viêm ruột thừa cấp tính, viêm dạ dày ruột cấp tính, lỵ nhiễm khuẩn, phong thấp đau nhức, đòn ngã tổn thương, gãy xương…

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, sói rừng có tác dụng ức chế đối với tụ cầu khuẩn vàng Staphylococcus aureus, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn Bacillus, E. coli, trực khuẩn mủ xanh Bacillus pyocyaneus; trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn Salmonella typhosa… Lá có tác dụng kháng khuẩn mạnh nhất; rễ và cành tươi có tác dụng mạnh hơn rễ và cành khô.

Hoa, rễ, lá của cây sói rừng đều dùng làm thuốc. (Ảnh: m.gamer.tw)

Bộ phận thường dùng: Cây được trồng để lấy hoa ướp trà, còn rễ và lá cũng có thể được dùng dưới dạng tươi hoặc phơi khô để làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, sói rừng có thể dùng khô hoặc tươi để sắc nước, ngâm rượu uống hoặc giã đắp với liều lượng khoảng 10 – 15g khô hoặc 30 – 40g tươi. Ngoài ra cây còn dùng để điều trị các bệnh:

1. Đau lưng

Dùng cành lá sói rừng 10 – 15g, sắc chung với nước và rượu uống trong ngày (nước và rượu bằng nhau).

2. Đòn ngã tổn thương, gãy xương, viêm khớp do phong thấp

Dùng cây tươi giã nát, sao với rượu và đắp và chỗ bị thương hoặc dùng 15 – 30g rễ sắc với nước hoặc ngâm rượu uống.

3. Vết thương, loét không liền miệng

Dùng cành lá, lượng thích hợp, nấu nước rửa, ngày 1 – 2 lần.

Cây sói rừng dùng trị bỏng và cách bệnh viêm nhiễm rất tốt. (Ảnh: webtretho.com)

4. Vết bỏng

Dùng lá sói rừng, phơi khô, tán mịn, trộn thêm 2 phần dầu hạt sở hoặc dầu vừng. Hàng ngày bôi vào chỗ bị bỏng ngày 2 lần đến khi khỏi.

5. Bệnh viêm nhiễm

Dùng 30 – 40g cành lá sói rừng còn tươi sắc với 1 lít nước, chia làm 3 lần uống trong ngày, uống liên tục từ 2 – 3 ngày hoặc cho đến khi khỏi.

6. Cảm mạo

Vào mùa đông, dùng 10 – 15g cây sói rừng khô với 6g tía tô, sắc nước uống thay trà và dùng trong ngày. Vào mùa hè thì cho thêm 6g kim ngân hoa sắc uống tương tự.

7. Ung thư

Dùng 30 – 50g cây sói rừng khô sắc với 1 lít nước uống sau bữa ăn từ 15 – 20 phút.

Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ mang thai.

Hạ Mai

Exit mobile version