Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Copenhagen đã phát hiện ra phương pháp chẩn đoán một loạt các bệnh ung thư ở giai đoạn đầu bằng cách sử dụng một loại protein từ ký sinh trùng sốt rét.
Ngày nay, có nhiều cách để phát hiện tế bào ung thư trong máu. Hầu hết dựa trên các dấu ấn sinh học – biomarker được tìm thấy trên bề mặt của các tế bào khối u. Tuy nhiên, không phải tất cả các tế bào khối u đều hiển thị biomarker trên bề mặt. Vì thế những phương pháp sử dụng biomarker không thể tầm soát được các tế bào ung thư di căn sang các cơ quan khác như gan, phổi và xương.
Một khối ung thư có nhiều loại tế bào khác nhau, một số trong đó xâm nhập qua mô và vào máu. Các tế bào ung thư trôi nổi trong máu được gọi là các tế bào ung thư tuần hoàn – circulating tumor cells (CTC). CTC đi đến các cơ quan sẽ phát triển thành ung thư di căn. Ví dụ như CTC từ phổi đi đến não, phát triển thành u não, khi đó khối u tại não gọi là u não di căn từ u phổi.
Phân lập CTC trong máu bệnh nhân ung thư có giá trị cao để theo dõi bệnh lý và đặc tính phân tử. Tuy nhiên, các phương pháp hiện nay có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp.
Vài năm trước, Ali Salanti và đồng nghiệp của ông đã tìm ra một phương pháp mới để điều trị ung thư bằng protein có tên gọi là VAR2CSA, được sản xuất bởi ký sinh trùng sốt rét. Kết quả này được các nhà nghiên cứu Đan Mạch ứng dụng vào phương pháp chẩn đoán sớm ung thư dựa trên đặc điểm là VAR2CSA có khả năng kết dính vào một phân tử đường xác định. Phân tử đường này được tìm thấy trong hơn 95% tất cả các loại tế bào ung thư. Nói cách khác, phương pháp chẩn đoán mới này có thể được sử dụng để phát hiện hầu hết các loại ung thư.
Số lượng CTC mà VAR2CSA bắt dính được trong mẫu máu bệnh nhân giảm khi bệnh nhân có đáp ứng với điều trị, và tăng khi ung thư ở giai đoạn muộn, khi các tế bào ung thư có số lượng lớn trong máu. Với những ung thư giai đoạn sớm thì số lượng CTC thấp.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng phương pháp này có thể được sử dụng để khám sàng lọc ung thư trong tương lai gần.
Theo Nature Communications
Bs Lê Lan