Đại Kỷ Nguyên

Sự liên quan: Mùa vải chín, tu hú gọi bầy, viêm não Nhật Bản bùng phát

Cách đây vài năm, người dân hoang mang khi có tin đồn vải gây viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Theo các chuyên gia y tế, đây chỉ là một sự trùng hợp nhẫu nhiên.

Mùa vải tu hú và vải thiều

Qua câu ca dao “Khi con tu hú gọi bầy. Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần”… Người dân cho rằng mùa quả, trong đó có quả vải thường gắn liền với sự trở về của các loài chim di cư như chim tu hú nên dân gian vẫn quen gọi quả vải với cái tên thân thuộc là quả vải tu hú.

Vải thiều còn có tên là Thanh Hà lệ chi theo chữ Hán; đây là loại quả vải nổi tiếng ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Sau này vải thiều được nhân giống trồng ở nhiều khu vực khác trong cả nước như huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương; huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang…

Vải Thanh Hà (Ảnh minh hoạ)

Quả vải thường hay quả tu hú nhìn bề ngoài có dáng quả thon dài, không có dạng tròn bầu như quả vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn là đặc sản của hai vùng có giống vải ngon nổi tiếng khắp cả nước; có hương vị thơm và ngọt hơn loại vải được trồng ở các khu vực khác mặc dù chúng cũng được lấy cây giống từ đây.

Hạt quả vải tu hú to, vỏ sần sùi chứ không căng mịn như quả vải thiều. Quả có vị chua hơn quả vải thiều nhưng cũng có nhiều người ưa thích do sự hấp dẫn đặc trung của chúng.

Có thể nói mùa hạ là mùa vải, mùa quả vải tu hú; trên những tán cây vải xuất hiện râm ran tiếng chim tu hú sống hoang dại gọi bầy về để ăn và thưởng thức hương vị ngon ngọt, chua mát của quả vải, mở đầu cho mùa vải thiều đặc sản rộn ràng chuyển đi khắp mọi nơi.

Thực tế ghi nhận quả vải thiều thường chín muộn hơn quả vải tu hú; loại chim tu hú sống hoang dại bắt đầu gọi bầy về trong thời điểm chín rộ của quả vải tu hú để ăn trước khi quả vải thiều kịp chín.

Hiểu đúng hơn về Viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản (VNNB) còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B. Đây là bệnh cấp tính do vi rút gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Sở dĩ bệnh có tên là VNNB là do được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản và các nhà khoa học Nhật Bản cũng là người tìm ra vi rút gây bệnh và đặt tên là vi rút viêm não Nhật Bản.

Ổ chứa vi rút VNNB trong thiên nhiên là các loài sống hoang dã như chim, một số loài bò sát và các loài động vật có xương sống – nơi vi rút nhân lên, lưu trữ lâu dài trong tự nhiên và phát tán tới vật nuôi gần người, đặc biệt là lợn, sau đó đến trâu, bò, ngựa, dê, v.v và từ đó truyền sang người. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua côn trùng trung gian là muỗi đốt.

Giống muỗi mang mầm bệnh thuộc họ Culex (C.tritaeniorhynchus, C.bitaeniorhynchus là chủ yếu) và muỗi thuộc họ Aedes (A.togoi, A.japonicus) đốt. Ở Việt Nam, mùa hè là thời điểm số ca mắc VNNB tăng cao nhất, bệnh nhân thường là trẻ em dưới 10 tuổi sức đề kháng của cơ thể còn yếu.

Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh và tất nhiên việc ăn quả vải không liên quan gì đến lây truyền bệnh VNNB.

Chim tu hú hoang dại là ổ chứa vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản trong thiên nhiên (Ảnh minh hoạ)

Muỗi truyền bệnh VNNB chủ yếu sinh sản ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên thường gọi là muỗi đồng ruộng. Ở nước ta, loài muỗi này có nhiều ở miền Bắc, phát triển vào những tháng mùa hè, nóng ẩm, mưa nhiều. Thông thường khoảng từ chập choạng tối đến đêm, muỗi từ cánh đồng bay về các chuồng gia súc để kiếm ăn, hút máu súc vật. Nếu chuồng gia súc gần nhà thì muỗi bay vào nhà hút máu người và truyền bệnh. Muỗi có thể bay xa tới 1,5 km và có thể bay lên cao trên mặt đất khoảng 13 mét – 15 mét.

Hiện nay bệnh VNNB chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin để phòng bệnh; vì vậy tiêm chủng vắc xin vẫn là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa kết hợp với các biện pháp phòng chống muỗi, tránh tiếp xúc với muỗi truyền bệnh trong khu vực thường có dịch bệnh lưu hành.

Như vậy bệnh VNNB thường bùng phát trong mùa hè nóng ẩm, trùng hợp với mùa vải chín (khoảng tháng 6-8) và chim tu hú hoang dại di trú từ nơi khác đến tập trung góp phần nhỏ làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version