Đại Kỷ Nguyên

Sự ra đi đột ngột của ca sĩ Hàn cảnh báo bệnh trầm cảm đang gia tăng ở giới trẻ

Sự ra đi đột ngột của nam ca sĩ Jonghyun (SHINee) không chỉ để lại sự tiếc nuối cho người dân Hàn và người hâm mộ trên thế giới, mà đó còn là lời cảnh tỉnh về những hậu quả nguy hiểm do căn bệnh trầm cảm gây ra.

Theo lá thư tuyệt mệnh của nam ca sĩ Jonghyun (SHINee) được công bố cách đây không lâu thì nguyên nhân dẫn đến việc tử vong của chàng ca sĩ “tài năng nhưng bạc mệnh” đó chính là căn bệnh trầm cảm. Thực tế cho thấy, trầm cảm đang lan rộng trong xã hội hiện đại và cướp đi sinh mạng của vô số người.

nam ca sĩ Jonghyun (SHINee) – Hàn Quốc. (Ảnh: teen1s.vn)

Nhiều người luôn đặt câu hỏi, vì sao trầm cảm lại dẫn đến nguy cơ muốn tự tử? Và trong trường hợp nếu không may bản thân đang gặp phải những triệu chứng của bệnh thì làm thế nào để có thể vượt qua căn bệnh đáng sợ này để tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc?

Những thống kê về bệnh trầm cảm

Theo các nghiên cứu khoa học trên thế giới, có hơn 90% số người chết vì tự tử do các chứng liên quan đến rối loạn tâm thần, thì có khoảng từ 30–70% tự tử là do chứng trầm cảm và tỷ lệ trung bình chung là 60%.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Mỹ), càng ngày càng có nhiều ca tự tử liên quan đến trầm cảm. Ở Nhật vào năm 2014, ước tính có khoảng 70 người tự tử mỗi ngày, trong đó gần hơn 1/3 là vì trầm cảm. Theo PGS.TS Cao Tiến Đức – Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, một năm số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến 36.000-40.000 người. Hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%.

Tỷ lệ giới trẻ trầm cảm ngày càng gia tăng do áp lực cuộc sống. (Ảnh: KSDK.com)

Lý do những người mắc bệnh trầm cảm muốn tự tử

Trầm cảm không chỉ dẫn đến việc thay đổi tâm lý của người mắc phải, mà nó còn dẫn tới vô số hậu quả khôn lường khác như bệnh tim, suy giảm hệ miễn dịch, mất ăn, mất ngủ… và đặc biệt là dẫn tới tử vong. Hàng loạt trường hợp tự tử “mới” do trầm cảm được phát hiện như một lời cảnh tỉnh cho mọi người về những tác hại “khôn lường” của căn bệnh này gây ra.

Theo nghiên cứu, trầm cảm là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học. Những người đã từng trải qua khó khăn như thất nghiệp, mất người thân, sang chấn tâm lý… có rất nhiều khả năng mắc chứng bệnh này.

Các nhà khoa học cho rằng, từ sự tự ti mà họ cho rằng mình là gánh nặng cho mọi người, là người thừa thãi, không đáng lãng phí đồ ăn thức uống, không đáng được sống.

Vì ý nghĩ này nên nhiều người bệnh trầm cảm có những hành động tiêu cực mà họ cho đó là hình phạt mà mình cần nhận để giảm tội lỗi và thoải mái trong tâm hồn như tự hành xác, muốn tự tử…

Những biểu hiện của bệnh

Biểu hiện ở người trầm cảm thường thấy là luôn luôn bi quan, tự ti về bản thân. (Ảnh: Ant1iwo)

Đẩy lùi bệnh bằng cách nào?

Thay đổi suy nghĩ giúp chống trầm cảm

Bước đầu tiên trong việc chống lại căn bệnh trầm cảm là theo dõi những thay đổi trong suy nghĩ. Hãy liệt kê những nguyên nhân có thể gây ra những tác động tiêu cực lên suy nghĩ của bạn.

Nếu chuẩn bị được cách để xử lý, suy nghĩ về các tình huống đó trước thì bạn sẽ tránh bị kích thích mạnh, và kiểm soát suy nghĩ, hành động của mình.

Thay đổi hành vi để chống lại các biểu hiện tiêu cực

Bước tiếp theo là làm điều ngược lại. Hãy tham gia vào các hoạt động xã hội, tập thể dục nhiều hơn để giúp cải thiện sức khỏe và giúp tinh thần của bạn thư thái hơn. Tránh ngủ nhiều hơn 9 tiếng mỗi đêm, duy trì đều đặn giấc ngủ của mình với thời gian biểu hợp lý.

Đọc sách báo nhiều hơn

Thông qua việc chuẩn bị kiến thức và sự hiểu biết về cuộc sống, trải nghiệm những kinh nghiệm quý giá từ người khác sẽ giúp bạn hiểu rõ những khó khăn và thuận lợi trong cuộc sống. Từ đó có thể giải quyết được những vướng mắc của bản thân dễ dàng hơn, hạn chế rơi vào trầm cảm.

Nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè hoặc người thân

Việc duy trì các mối quan hệ, tương tác xã hội rất quan trọng và sự giúp đỡ, chia sẻ từ bạn bè và những người thân trong gia đình cũng chính là chất xúc tác giúp bạn vượt qua chứng trầm cảm một cách nhanh chóng.

Chi Mai

Exit mobile version