Trong quảng cáo, các hãng sữa gắn liền sản phẩm của họ với hình ảnh những em bé cao lớn mạnh mẽ, thông minh ngoan ngoãn… thôi thúc nhiều ông bố bà mẹ phải gắng mua cho được những hộp sữa như thế. Tiền lương hoặc hoa hồng được quy đổi ra bằng số hộp sữa, làm cố thêm chút cũng nói là kiếm sữa cho con. Nhưng nếu như con bạn không thường xuyên có sữa (bò) để uống thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Bấy lâu nay, trong cách nhìn của người dân Việt Nam, sữa vẫn được xem là đồ thực phẩm cao cấp. Cách đây khoảng hơn 20 năm, đi thăm người bệnh thì phải có cân đường và hộp sữa. Thời nay, ngoài các bữa ăn bình thường, nếu có hộp sữa thì có thể được xem đó như một món bồi dưỡng thêm cho sức khỏe. Giá trị thực của các loại sữa dường như không có mấy người tìm hiểu tường tận.
Sữa của bò tốt nhất là để cho… bê?
Điều này có thể làm bạn nổi giận đôi chút nhưng đó sẽ là chân lý chuẩn xác nhất. Thật vậy, nhiều chuyên gia cho rằng vạn vật sinh sôi có trật tự, mỗi loài một đặc tính sinh trưởng riêng biệt, có vay mượn chút ít thì cũng chỉ là tạm thời bất đắc dĩ.
Thành phần dinh dưỡng (và nhiều chất khác) có trong sữa của mỗi loài đều khác nhau. Ví dụ, sữa dê, sữa voi, bò, lạc đà, chó, hải mã…khá khác nhau trong thành phần chất béo, đường và các chất khoáng. Từ chất đến lượng, mỗi loại đều được “sản xuất” cho nhu cầu dinh dưỡng tối ưu cho các con nhỏ của mình, và tất nhiên là khác với sữa người. Bê thì bú sữa bò, và sữa bò thì dành cho bê. Thông thường ở các loài động vật có vú, các con nhỏ chỉ bú sữa mẹ ở giai đoạn đầu đời, thường là đến lúc trọng lượng thân tăng lên gấp ba. Chỉ có người và mèo nuôi trong gia đình là tiếp tục ăn/uống sữa sau khi đã cai.
Do đó, khi trẻ em dùng sữa bò thì có thể xảy ra vấn đề dị ứng sữa với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy hơi, nổi mụn nhọt, phát ban… Điều này đã được ghi nhận ở khắp các nơi trên thế giới. Thậm chí ở người lớn cũng thường xuyên gặp sự cố với sữa, lý do là hệ tiêu hóa của người không được thiết kế để uống sữa khi đã trưởng thành, đặc biệt là không thể tiêu hóa được đường lactose – loại đường chủ yếu trong sữa.
Trong sữa tươi có chứa một số loại men như lactase (tiêu hóa đường lactose), galactase (giúp tiêu hóa đường galactose), phosphatase (hấp thụ canxi) và một số hoạt chất sinh học, các vitamin. Khi trải qua quá trình chế biến gia nhiệt, chúng đều bị phá hủy khiến cho sữa trở nên khó tiêu hóa hơn, cân bằng dinh dưỡng ban đầu bị mất.
Trẻ không được uống sữa thường xuyên vẫn có thể cao lớn thông minh
Ngay từ khi con người xuất hiện, tự nhiên đã quy định rằng: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ phát triển một cách hoàn thiện ở mọi góc độ, từ sức khỏe thể chất cho đến tâm sinh lý, trí tuệ và cảm xúc, thậm chí cả sức đề kháng bệnh tật lâu dài trong những năm sau này. Mặc dù chưa hề có kinh nghiệm sinh con và nuôi con, nhưng người mẹ nào cũng đều có thể hoàn thành công việc này một cách xuất sắc mà không nhất thiết phải có sự can thiệp từ bên ngoài. Vì lý do nào đó, người mẹ phải thay thế một phần hoặc hoàn toàn sữa mẹ bằng sữa công thức có thể mang lại cho trẻ những thiệt thòi khó mà tính hết được.
Sau những năm tháng đầu đời sống bằng sữa mẹ, tùy theo mỗi giai đoạn phát triển mà nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trở nên gần với người lớn hơn. Chỉ cần trẻ ăn đầy đủ các bữa với các loại thực phẩm đa dạng có đủ các nhóm chất đạm, đường bột, béo, xơ, chất khoáng, vitamin… kết hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh bao gồm vận động và ngủ đủ thì đều sẽ đảm bảo được sự phát tối ưu.
Thực ra thị trường sữa ở Việt Nam chủ yếu là từ nhập khẩu, và cũng chỉ sôi động trong thời gian gần đây. Xưa kia việc nuôi con không cần đến sữa bò. Khi không có sữa, các chất đạm có thể lấy từ các loại thịt, cá, tôm, trứng. Các chất béo từ thịt động vật, dầu ăn. Các loại rau trái cung cấp chất khoáng, bao gồm cả canxi, và rất nhiều loại vitamin mà sữa không thể có. Để có sức khỏe tốt, điều quan trọng là phải có được nguồn thực phẩm lành mạnh và an toàn, chế biến khoa học để hạn chế tổn thất dinh dưỡng.
Uống nhiều sữa sẽ tăng nguy cơ cho sức khỏe
Các vấn đề sức khỏe mà sữa có thể gây ra không là chủ đề mới trong giới khoa học. Nhiều nhà nghiên cứu cho thấy các tác dụng, ngay cả thông điệp chủ chốt là “uống sữa tốt cho xương” là do giới công nghiệp làm marketing mà thành, cũng cần xem lại một cách nghiêm túc. Họ cho rằng chất đạm trong sữa thúc đẩy việc tổn thất canxi từ trong và thải ra qua đường thận, còn photpho thì lại cản trở sự hấp thụ canxi. Trên một số bệnh nhân nhi bị viêm tai, hay có vấn đề về răng và xương thì thấy vấn đề được giải quyết khi dừng uống sữa.
Theo một nghiên cứu rất quy mô của Đại học Harvard vào năm 2013, cho thấy nếu trẻ nam ở tuổi vị thành niên uống thêm một ly sữa mỗi ngày sẽ bị tăng nguy cơ bị gãy xương háng cao hơn ở giai đoạn trung niên. Đối với phụ nữ thì uống sữa không liên quan đến việc tăng hay giảm mối nguy này.
Kết luận của các nhà nghiên cứu tại Harvard là: tiêu thụ sữa ở tuổi vị thành niên không giúp giảm nguy cơ gãy xương mà thậm chí còn làm tăng nguy cơ gãy xương ở giai đoạn trung niên.
Thêm vào đó, theo một nghiên cứu công bố vào năm 2012 trên American Journal of Epidemiology, nếu người nào dùng nhiều sữa vào lúc tuổi vị thành niên, thì sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt.
Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng, các sản phẩm sữa thời nay cũng không còn nguyên chất lượng như trước đây. Do sức ép của bài toán lợi nhuận và sự cạnh tranh, bò sữa cũng bị thúc ép sản xuất sữa nhiều gấp ba lần so với mức bình thường, thức ăn chuyển từ cỏ tự nhiên sang khẩu phần công nghiệp, mật độ nuôi cao hơn, các vấn đề dịch bệnh nhiều hơn và do đó sẽ bị xử lý các thuốc thường xuyên hơn. Nhiều mẫu sữa đã bị phát hiện có chứa dư lượng kháng sinh, melamin, hoặc vi khuẩn viêm nhiễm từ bò… Một trong những vấn đề giới chuyên môn quan tâm là việc sử dụng các hooc-môn để kích thích sinh sản và sản xuất sữa ở bò. Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc phá vỡ chu kỳ sinh lý, can thiệp vào hệ nội tiết tự nhiên của vật nuôi sẽ khiến con người phải trả giá rất đắt, cụ thể là các vấn đề sức khỏe khi sử dụng các sản phẩm từ thịt, sữa của chúng.
Ngoài ra, đối với thị trường Việt Nam, đa phần là các sản phẩm sữa được các nhà sản xuất bổ sung đường tinh luyện để đáp ứng thị hiếu người dùng, kích thích tiêu thụ. Đường có thể gây nghiện, khiến người ra trở nên hảo ngọt, ưa thích các đồ ngọt. Các chuyên gia dinh dưỡng phương Tây khẳng định đường là thủ phạm gây ra nhiều loại bệnh mãn tính phức tạp thời nay. Tiến sĩ Mercola đã cất công nghiên cứu và liệt kê ra 76 cách mà đường phá hủy sức khỏe của bạn, nó có thể tham gia gây ra đủ loại vấn đề như béo phì, tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, trầm cảm, nuôi dưỡng tế bào ung thư, tăng cường lão hóa… Như vậy, đường thực sự không chỉ đem lại sự ngọt ngào mà chính là một loại thuốc độc màu trắng.
Hiện nay, vấn đề phát triển chiều cao người Việt đang được nhiều người quan tâm, trong đó nhiều ông bố bà mẹ xem sữa như một loại thực phẩm PHẢI CÓ. Nên chăng bạn cần cân nhắc nhiều lần trước khi quyết định dùng loại sữa nào, bao nhiêu để hạn chế những nguy cơ mà chúng có thể tác động lên sức khỏe như nhiều nghiên cứu đã cảnh báo? Thực ra nhiều khảo sát tiến hành ở những nước phát triển, tiêu thụ nhiều các sản phẩm sữa cho thấy tỉ lệ các vấn đề xương khớp không sai biệt gì đáng kể so với những nước kém phát triển không có nhiều tiền mua sữa. Cuối cùng, để có được cơ thể phát triển khỏe mạnh, thì không thể bỏ qua các yếu tố dinh dưỡng tổng thể và chế độ luyện tập hợp lý.
Tài liệu tham khảo:
[1] Feskanich D, Bischoff-Ferrari HA, Frazier AL, Willett WC. Milk Consumption During Teenage Years and Risk of Hip Fractures in Older Adults. JAMA Pediatr.2013 Nov 18.
[2] Torfadottir JE. Milk intake in early life and risk of advanced prostate cancer. Am J Epidemiol. 2012 Jan 15;175(2):144-53. Epub 2011 Dec 20.
Đình Vũ
Xem thêm: