Đại Kỷ Nguyên

Chân sưng to bằng chân voi vì muỗi đốt, chàng trai phải lang thang xin ăn để chữa bệnh

Theo trang QQ, gần đây ở Vũ Hán, Trung Quốc xuất hiện chàng trai xin ăn trên đường phố thu hút sự chú ý của nhiều người. Vì anh này có khuôn mặt rất tuấn tú, lông mày xanh và đôi mắt đẹp, trông rất khoẻ mạnh ngoại trừ đôi chân to quá khổ.

Chàng trai có tên là Lưu Trung Thu (Liu Zhongqiu) sinh ngày 01 tháng 09 năm 1991, quê ở Thẩm Dương, vừa sau khi sinh ra không lâu bị muỗi đốt rồi dần phát triển thành căn bệnh có tên là elephantiasis, còn được gọi là phù chân voi. Ký sinh trùng của loài giun chỉ bạch huyết xâm nhập vào cơ thể qua vật trung gian là muỗi, nhưng hậu quả đối với người bệnh không hề nhẹ nhàng như sốt xuất huyết.

Đôi chân quá khổ to như cột nhà, sự vững chãi không mong muốn

Nếu chỉ nhìn gương mặt của anh thì khó có thể tin anh đang phải đối mặt với cái chết

Ấu trùng sau khi thâm nhập cơ thể người sẽ trú ngụ ở hệ bạch huyết. Tại đây, ấu trùng nở thành giun, có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch bạch huyết khiến dịch bị ứ đọng làm một số bộ phận cơ thể (nhất là tay, chân hay bộ phận sinh dục) bị sưng to gấp nhiều lần so với kích thước bình thường.

Thời điểm khởi phát bệnh là khi anh học trung học, trong giờ nghỉ 10 phút giữa tiết cậu học sinh đi tiểu tiện mà không thể ra được nên phải đi bệnh viện kiểm tra, bộ phận sinh dục của cậu bị sưng và phải phẫu thuật đưa tinh hoàn vào bụng. Sau này mẹ anh dùng xích lô đưa anh tới trường nhưng mỗi tháng cũng chỉ đến lớp được 10 ngày, còn lại thời gian là vào viện. Anh kể lại rằng là anh sợ nhất mỗi lần lên cầu thang mà lớp của anh lại nằm trên tầng 3, mỗi bước chân đều nặng trĩu tựa như đeo chì.

Vì chữa bệnh cho anh mà gia đình đã bán đi tất cả gia tài và trở nên nghèo rớt mồng tơi, lại còn vay nợ thêm 10 vạn tệ (tương đương hơn 300 triệu VNĐ). Bố mẹ anh cũng chỉ là những công nhân viên chức bình thường, tuổi đã ngoài 50 nhưng bao phen đưa con vào viện phải túc trực ở hành lang. Về sau bệnh viện không cho thì phải ra phòng chờ của nhà ga, mỗi ngày chỉ có 1 cái bánh bao, điểm thêm bát cháo.

Qua 2 lần phẫu thuật bệnh tình của anh tạm thời được khống chế. Nhưng theo tuổi trưởng thành, bệnh tình cũng chuyển biến xấu. Giờ đây, hai chân “khổng lồ” của anh đã có kích thước bằng chân voi và khối lượng nặng bằng 1 con gấu trúc, lên tới 150 kg. Các cơn đau lan dần tới bụng khiến mạng sống của anh Lưu bị đe dọa. Anh đã từ bỏ hy vọng đôi chân của mình sẽ trở lại bình thường. Tất cả những gì anh muốn hiện giờ là có thể kéo dài thời gian sống của mình.

Từng 2 lần nghĩ đến tự sát, nhưng vì thương cha thương mẹ nên anh cố sống đến cùng

Đã rét vì tuyết lại lạnh vì sương, vào năm 1999 cha mẹ đều phải dừng công tác, cả nhà mỗi tháng chỉ có 174 NDT (gần 300 trăm VNĐ) tiền trợ cấp cho dân nghèo. Đã vậy, bố anh, ông Lưu Ngọc Trụ lại bị thoát vị đĩa đệm cột sống, làm không được việc nặng. Mẹ anh bất đắc dĩ mỗi ngày phải đạp xe xích lô đến chỗ dân trồng rau bán đồ ăn, cũng nhận cả chở người hoặc mang rau lên chợ cho họ. Cứ như vậy, bà mỗi ngày đi sớm về tối bán đồ ăn duy trì sinh hoạt gia đình.

Cách đây 8 năm bệnh của anh bộc phát trầm trọng, bệnh viện nói anh không thể sống qua sinh nhật lần thứ 20. Gia cảnh ngày càng bần hàn chèo chống không nổi với chi phí chữa đắt đỏ, vì thế anh đã 2 lần có ý định tự sát. Nhưng nghĩ đến cảnh cha mẹ sẽ suy sụp khi mình chết đi mà anh gắng gượng chịu đau sống tiếp.

Bây giờ khi biết tin mình không còn sống được bao lâu nữa, vì không để cho cha mẹ tăng thêm áp lực, Lưu Trung Thu quyết định rời khỏi nhà, đi ra bên ngoài tìm thầy giỏi thuốc hay đồng thời ăn xin gom góp tiền chữa trị. Cứ như vậy, anh một đường ăn xin theo Thẩm Dương đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Trường Xuân… hễ nghe đâu có thể chữa bệnh này liền tìm đến địa phương đó. Nhưng là, một lần đến lại một lần thất vọng, đi cả nước hơn 10 bệnh viện, đều vô phương cứu chữa.

Tuy nhiên ít nhất thì anh đã không chết sớm như lời các bác sĩ dự đoán. “Họ nói rằng tôi không sống quá 20 tuổi, nhưng đã 7 năm trôi qua rồi. Tôi tin rằng đó là một phép lạ”, anh bồi hồi chia sẻ.

(Ảnh minh hoạ so sánh)

Cuộc đời Lưu Trung Thu có ba ước mơ: Một là đôi chân có thể nhỏ lại mảnh mai; hai là có thể lấy vợ sinh con; ba là kiếm tiền cho cha mẹ sửa lại mái nhà ngói.

Khi làm kẻ ăn mày, anh cũng chịu nhục mạ không ít vì ngoại trừ đôi chân thì khuôn mặt anh rất khôi ngô, sáng sủa. Người qua đường mắng anh là lừa đảo, nghi anh cố ý buộc thêm túi da vào chân. Hồi đầu anh cũng vô cùng khó chịu mà muốn lý luận đôi câu, vì họ đâu có hiểu anh đi lại khó khăn ra sao, tối ngủ dù nằm sấp, nằm ngửa hay nghiêng đều khó chịu. Tuy nhiên, về sau rất nhiều người hảo tâm đã cho anh tiền, lại để anh có được tia hy vọng, an ủi một phần.

‘Chân voi’ không phải là căn bệnh bí hiểm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 120 triệu người nhiễm giun chỉ bạch huyết và khoảng 1,4 tỷ người thuộc 73 quốc gia có nguy cơ mắc. Trong đó, khoảng 80% đang sống tại Bangladesh, Congo, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Nigeria, Nepal, Philippines và Tanzania; phổ biến ở các vùng nhiệt đới trên thế giới.

Sơ đồ lây truyền bệnh

Trong đa số trường hợp, “chân voi” do một loại ký sinh trùng có tên giun chỉ bạch huyết. Ký sinh trùng này truyền từ người sang người qua vết muỗi đốt.

Bệnh chân voi còn có thể xuất hiện do một số nguyên nhân khác, như lao, hủi, nhiễm liên cầu tái phát; hoặc do môi trường (tiếp xúc nhiều với một số kim loại như silic đioxit). Có tài liệu cho rằng, chân voi hay xuất hiện ở những người dân sống tại miền núi Trung Phi, do tiếp xúc quá nhiều với tàn tro của núi lửa. Đôi khi, không thể xác định nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh nhiễm giun chỉ tồn tại từ xa xưa. Người ta đã tìm thấy loài giun này trong xác ướp 3.000 năm tuổi của Natsef-Amun, một cha cố người Hy Lạp. Giun chỉ cũng là nguyên nhân gây dịch bệnh tại các nước châu Phi và các nước nhiệt đới khác từ hàng nghìn năm nay.

Căn bệnh khiến cơ thể bị biến dạng trầm trọng và vô cùng đau đớn này thường khởi phát từ thời niên thiếu, nhưng chỉ biểu hiện rầm rộ khi bệnh nhân đến tuổi trưởng thành. Lúc đầu, đa phần mọi người không hề biết mình nhiễm giun chỉ vì không thấy bất cứ triệu chứng gì.

Sau khi thâm nhập cơ thể người qua vết đốt của muỗi mang bệnh, ấu trùng giun chỉ trú ngụ ở hệ bạch huyết (gồm các hạch và mạch bạch huyết, có nhiệm vụ duy trì cân bằng dịch của mô, là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch). Người có thể nhiễm giun nếu bị đốt nhiều lần trong vòng vài tháng tới vài năm hoặc khu dân cư ở các khu vực có dịch có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Giun chỉ bạch huyết dưới kính hiển vi

Tại đây, trong khoảng thời gian 6-12 tháng, ấu trùng sẽ phát triển thành giun trưởng thành, khiến mạch bạch huyết bị tổn thương, giãn rộng. Giun chỉ có thể sống 5-7 năm trong cơ thể người, sản sinh hàng triệu giun chỉ nhỏ chưa trưởng thành, lưu hành ở máu ngoại vi và lại thâm nhập cơ thể muỗi nếu chúng đốt người bệnh.

Việc điều trị bằng thuốc diệt giun có hiệu quả cao nhất nếu được áp dụng từ sớm. Tuy nhiên, do bệnh thường được phát hiện muộn nên thuốc không phát huy nhiều tác dụng. Việc phẫu thuật có thể giúp ích trong các trường hợp sưng vùng bìu. Tuy nhiên, phương pháp này không hề hiệu quả đối với những chiếc ‘chân voi’.

Hoàng Kỳ

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version