Để đề phòng ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm tươi, sạch; thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo quản đúng cách ngay từ những khâu đầu tiên.
Trong những ngày Tết, vấn đề bảo quản thực phẩm làm sao cho an toàn khiến không ít gia đình đau đầu. Với số lượng đồ ăn sống và chín rất nhiều, nếu không bảo quản đúng cách và an toàn sẽ gây nên rất nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, thậm chí phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm.
Bảo quản đúng cách
Tất cả các thực phẩm nên cho vào bao hoặc hộp đậy kín. Thực phẩm chín và sống nên để riêng, tránh bị nhiễm khuẩn chéo khi để chúng quá gần nhau trong tủ lạnh.
Không dùng chung dụng cụ nấu để sử dụng cho thực phẩm chín và thực phẩm sống. Đặc biệt là không dùng thớt cắt đồ sống thay cho đồ chín.
Thức ăn đã nấu chín nên dùng hết trong 1 – 2 ngày, không nên để lâu hơn. Thức ăn còn thừa nên cất vào hộp đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh. Đặc biệt là thời tiết nắng nóng trong miền Nam thì bạn cần phải chú ý việc bảo quản thực phẩm hơn là thời tiết giá lạnh như ngoài Bắc, vì khi trời lạnh đồ ăn có thể để ngoài được tầm 3 – 4 tiếng nhưng trời nắng nóng thì cần phải cho vào tủ lạnh ngay.
Các loại rau củ tươi để vào ngăn đựng rau củ, bọc kín thành các túi riêng.
Nhà bếp nên thường xuyên vệ sinh, tạo sự khô thoáng vì không khí nóng ẩm, có nhiều thực phẩm dinh dưỡng ở nhà bếp sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi, phát triển, gây hại cho cơ thể người.
Rửa tay sạch trước khi nấu ăn và trước khi ăn.
Mua thực phẩm nơi đáng tin cậy
Theo Sức Khoẻ Đời Sống, thịt bẩn có thể trở thành tươi ngon, đỏ hồng chỉ sau vài phút ngâm hóa chất. Vì vậy, khi mua thịt lợn hoặc thịt bò, nên chọn khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi, ấn tay vào thấy thịt mềm, có độ dính, màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu.
Tránh mua thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Với gia cầm, chọn con có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng. Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền.
Đối với cá, tốt nhất là chọn cá còn đang quẫy nước. Nếu cá chết, cần chọn cá còn nhớt bóng, mắt cá trong, vảy cá không bị rời, mang cá hồng, ấn ngón tay vào thịt cá không để lại vết lõm.
Các loại rau nên chọn mua tại nơi uy tín, hoa quả tươi phải đúng mùa vụ, còn cuống và lá xanh, không bị héo và mục.
Nếu mua thực phẩm chế biến sẵn, nên chọn những nơi có uy tín và bảo quản hợp vệ sinh. Chọn mua đồ hộp cần chú ý hạn sử dụng còn dài, ghi rõ nơi sản xuất, nhà phân phối, thành phần, phần hộp đựng không được móp méo, phồng hay rỉ sét.
Nguyên nhân gây ngộ độc
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm rất đa dạng nhưng có thể phân chia thành 4 nhóm chính sau:
– Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật: như vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn; do virus; do ký sinh trùng; do nấm mốc và nấm men.
– Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…..). Các chất này thường không bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi.
– Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có độc tố tự nhiên: Khi ăn phải các thực phẩm có độc tố tự nhiên như cá nóc, cá cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu… rất có thể sẽ bị ngộ độc.
– Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học: Do ô nhiễm kim loại nặng (thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng); do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; do phụ gia thực phẩm; do các chất phóng xạ.
Xử lý ngộ độc thực phẩm tại nhà
Trên Sức Khoẻ Vàng 365, các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không… xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê.
Khi gặp những trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử lý tại nhà với biện pháp như sau:
Gây nôn bằng cách móc họng, lưu ý khi móc họng cho trẻ (hoặc người lớn) làm sao cho khéo để tránh xây xát họng trẻ. Nên đặt bệnh nhân nằm thấp và nghiêng sang một bên để móc thức ăn trong họng ra. Lau chùi bằng khăn mềm sạch sẽ.
Sau khi nôn hoặc đi ngoài nên cho bệnh nhân uống dung dịch oresol loại 1 lít nước pha với một gói orezol hoặc 1 gói nhỏ (5g) pha với 200 ml nước. Nếu không có sẵn orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước.
Trường hợp bị tiêu chảy không nên uống thuốc hãm lại, nên để bệnh nhân đi ngoài trong thời gian đầu để tống chất độc ra ngoài.
Đối với bệnh nhân ngộ độc nhẹ sau khi nôn và đi ngoài thải hết chất độc sẽ bình phục, không nên ăn thức ăn cứng sau đó, mà nên cho ăn cháo loãng.
Đối với trường hợp sau khi sơ cứu chưa bình phục ngay và có hiện tượng tím tái, khó thở… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột và điều trị tiếp.
Video xem thêm: Bỏ túi 10 mẹo bảo quản thức phẩm hữu ích giúp thực phẩm tươi lâu hơn