Đại Kỷ Nguyên

PGS Nguyễn Duy Thịnh: ‘Uống nước ngọt không bổ béo gì, vừa tốn tiền, vừa tăng cân’

Rất nhiều người hàng ngày đều mua nước ngọt để uống, hoặc là mời bạn bè, cho con cái… mà không hay rằng trong đó có những thành phần nguy hại cho sức khỏe.

Nước ngọt = hoá chất + phụ gia, khiến bạn “khô héo” trong sự ngọt ngào

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nước ngọt có gas là loại đồ uống phổ biến trên thế giới từ hàng trăm năm nay.

Riêng tại Việt Nam, trung bình một người tiêu thụ trung bình 53,6 lít nước giải khát, gấp vài lần sữa (14,8 lít/người/năm). Chỉ trong 5 năm, mức tiêu thụ nước ngọt đã tăng gấp 2 lần mà theo đánh giá là có tốc độ tăng nhanh, gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Bản chất của gas trong nước ngọt là khí CO2, có tác dụng như là 1 chất bảo quản khiến cho vi sinh vật hiếu khí không phát triển, ức chế hoạt động của chúng trong nước.

Loại khí sinh học này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe vì nó cũng xuất hiện trong quá trình hô hấp của con người, khi đi vào cơ thể sẽ làm nhiệt trong người thoát ra, đẩy ra cuống họng, kích thích vị giác, làm tăng cảm giác thèm ăn và ngon miệng của người uống.

Ngay trong bia cũng chứa loại gas này, nếu bia không có gas thì không còn là bia nữa.

Tuy nhiên, sự độc hại của nước ngọt có gas, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chính là đường và các thành phần phi tự nhiên khác: chất tạo màu, chất ngọt nhân tạo, đặc biệt là đường si-rô bắp mà nhà sản xuất đưa vào.

Với một số loại nước ngọt, công thức pha chế là sở hữu độc quyền của nhà sản xuất, không ai có thể biết chính xác các thành phần bên trong. Các chất này chắc chắn không có lợi cho sức khỏe.

“Vì vậy, uống nước ngọt có gas không bổ béo gì, sử dụng nhiều vừa tốn tiền, vừa làm tăng cân, dễ dẫn đến béo phì. Vị và mùi dễ chịu nên nó “đánh lừa cảm giác”. Có thể nói đây là loại nước không có lợi cho sức khoẻ“, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.

Theo nhiều nghiên cứu được công bố trên thế giới, nước ngọt có xu hướng gây nghiện và đồng thời cũng chứa ẩn chứa rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

Gây ung thư

Trong nước ngọt có gas tiềm ẩn các chất gây ung thư như methylmadizole. Theo các nhà khoa học, đường trong loại đồ uống giải phóng ra insulin loại chất nuôi dưỡng các khối u.

Trong nước ngọt có gas tiềm ẩn các chất gây ung thư như methylmadizole. (Ảnh en.wikipedia.org)

Isabel Drake, một nhà nghiên cứu tại Đại học Lund (Thụy Điển) cũng cho biết, những người uống nhiều nước ngọt có gas sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 40% so với bình thường.

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention (Mỹ), những phụ nữ mãn kinh “ghiền” thức uống ngọt có nhiều nguy cơ phát triển thể ung thư tử cung, được gọi là ung thư nội mạc tử cung týp 1 phụ thuộc vào estrogen.

Chỉ uống 2 lon 1 ngày là nguy cơ bị suy thận

Các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Osaka, Nhật Bản và Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, Mỹ đã đưa ra một báo cáo chấn động: Thường xuyên uống 2 lon nước ngọt có gas sẽ dẫn đến suy thận.

Vì sao nước ngọt lại gây ra suy thận? Các nhà nghiên cứu cho rằng nước ngọt sẽ làm tăng lượng muối trong máu, đồng thời tăng protein trong nước tiểu (protein niệu) dẫn đến suy thận.

GS.TS Ryohei Yamamoto, người tham gia cuộc nghiên cứu, phát biểu: “Trong nước ngọt đóng lon, các nhà sản xuất dùng đường fructose – hay còn gọi là đường trái cây để tạo vị ngọt. Tuy nhiên, fructose làm gia tăng sự nhạy cảm của thận với angiotensin II, một protein điều chỉnh sự cân bằng muối”.

Khi muối được tái hấp thu vào thận dưới sự tác động của nước ngọt sẽ khiến cơ thể bị mắc những căn bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, béo phì, suy thận, cao huyết áp…

Gây béo phì

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch đã phát hiện ra, uống nước ngọt hàng ngày sẽ làm gia tăng các loại chất béo khác nhau đồng thời làm tăng cholesterol trong cơ thể.

Không chỉ nước ngọt thường mà cả nước ngọt ăn kiêng cũng có thể làm tăng “chu vi” vòng eo và tăng cân. Chất tạo vị ngọt trong nước ngọt ăn kiêng làm tăng nồng độ đường trong máu, từ đó dẫn đến tăng cân.

Gây bệnh tiểu đường

Máy đo đường huyết (Ảnh minh hoạ)

Cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch cũng tìm ra những dấu hiệu cho thấy, nước ngọt khiến chúng ta đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.

Nếu uống soda mỗi ngày liên tục trong 6 tháng sẽ dẫn đến sự tích tụ mỡ thừa xung quanh gan và cơ xương. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ kháng insulin trong cơ thể và dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn bình thường.

Một nghiên cứu khác lại cho thấy, uống từ 1 đến 2 lon đồ uống có đường mỗi ngày tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường 26%, so với những người uống một lần mỗi tháng. Uống một lần mỗi ngày làm tăng nguy cơ 15%.

Làm hỏng hệ tiêu hóa

Trong nước ngọt có nhiều chất phụ gia, hóa chất và chất bảo quản làm tổn thương bề mặt của ruột và dạ dày. Tiêu thụ hàng ngày loại đồ uống có tính axit này cũng có thể tạo ra môi trường axit kéo dài và dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày.

Hỏng răng miệng

Nước ngọt chứa nhiều đường, có thể gây hỏng răng sâu răng cho người uống. Đặc biệt, một số loại nước cho thêm ga, sục khí CO2 vào phân ly tạo môi trường axit, trẻ có thói quen hưởng thụ nhâm nhi 1 tý, ngậm trong miệng gây tác hại cho răng miệng, vào cơ thể gây tăng đào thải canxi.

Suy dinh dưỡng

Đường trong nước giải khát cung cấp năng lượng nhanh, cơ thể hấp thu cũng nhanh, làm tăng đường huyết. Khi có, cơ thể phải điều hòa để kéo đường huyết xuống, trong khi năng lượng tích lại tạo thành mỡ. Về lâu về dài, việc phải điều tiết thường xuyên lượng đường nạp vào gây rối loạn đường huyết, rối loạn dung nạp đường, rối loạn chuyển hóa.

Trong nước giải khát không có vi chất, trẻ uống vào chỉ nạp đường và năng lượng khiến trẻ tăng cân, béo phì nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng phát triển chiều cao. Uống 1 lon nước ngọt, không ăn thêm gì đã đã tiêu thụ lượng đường của 1,5 ngày.

Thanh Nhàn

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version