Chiều 27/10 ở thôn Vinh Hoa, xã Trọng Quan, Huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có 7 người bị ngộ độc trong bữa tiệc ăn mừng nhà mới của ông Hồi. Nguyên nhân được xác định do loại rượu thuốc có chứa loại cà độc dược.

Có 9 người uống rượu trong đó hai người uống rượu trắng và 7 người uống rượu ngâm quả khô. Sau khi uống 1-3 chén, những người uống rượu ngâm đều có biểu hiện bứt rứt, mặt nóng bừng, lơ mơ, có lúc co giật, ảo giác, vật vã, ngã gục trên bàn tiệc.

Các bệnh nhân được chuyển đến Trung Tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Hai người hôn mê sâu được Bệnh viện Bạch Mai giữ lại cấp cứu, 5 người khác sau khi ổn định sức khỏe được chuyển lại về tỉnh để tiếp tục điều trị.

Đến chiều 30/10, có 6 người đã được ra viện, một bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm Chống độc vẫn còn tiêu cơ vân nhẹ và được chuyển về bệnh viện tỉnh điều trị.

Loại rượu ngâm quả khô và rượu trắng tại bữa tiệc tân gia, trong đó rượu ngâm cà độc dược là nguyên nhân khiến 7 người ngộ độc (Ảnh: VFA)

Nghi là rượu pha cồn nhưng kiểm tra methanol trong rượu mà 7 nạn nhân uống ở bữa tiệc cho kết quả âm tính. Theo Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, thì 7 người bị ngộ độc do nhóm độc tố alcaloid có trong cà độc dược gây ra những biểu hiện lâm sàng đặc trưng. Độc tính này tác động lên hệ thần kinh giao cảm nạn nhân làm tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ. Nếu không được xử trí, điều trị kịp thời, nạn nhân có nguy cơ cao tử vong.

Chủ nhà là ông Vũ Tiến Hồi, cũng bị ngộ độc rượu. Sau khi được cấp cứu kịp thời và tỉnh lại, ông Hồi cho biết đã ngâm rượu với gói quả khô mua ở Lạng Sơn, ngoài táo mèo còn có chuối rừng và cà gai leo nhưng rất có thể đã bị nhầm với cà độc dược.

Những trường hợp ngộ độc do uống rượu ngâm từ các loại cây cỏ tự nhiên khá hy hữu. Hầu hết ca ngộ độc rượu nhập viện là do uống rượu pha với cồn công nghiệp methanol hoặc pha cồn y tế.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu, cần hạn chế uống rượu, không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, không nên tự ngâm rượu với các loại các cây, con, và bộ phận của động vật, côn trùng… để tránh bị ngộ độc.

Cà gai leo và cà độc dược

Cà gai leo và cà độc dược là 2 loài cây dễ bị gây nhầm lẫn vì hình dáng có nét giống nhau, đều có gai. Để phân biệt cà gai leo và cà độc dược thì bạn có thể căn cứ vào hình dáng bên ngoài của từng loài cây.

Cà gai leo có tác dụng hạ men gan (Ảnh: cagaileo.info)

Giống cây cà gai leo là một loại thảo dược có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, trên thị trường hiện có nhiều thực phẩm chức năng bổ gan chứa cà gai leo dùng để hạ men gan.

Cà độc dược (Ảnh: ybacsi.com)

Cà độc dược có tên khoa học là Datura metel L cũng thuộc họ cà Solanaceae. Cà độc dược có độc tính nguy hiểm đến tính mạng con người.

Theo Đông y cà độc dược có vị cay, tính ôn, có độc, có tác dụng ngừa suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật, phong thấp đau nhức. Đông y dùng lá của cây để giúp người mắc bệnh hen ngừa bệnh, đau dạ dày, chống say tàu xe v.v.

Tây y thì chiết hoạt chất Atropin từ cà độc dược để chữa bệnh co thắt đường tiêu hoá hoặc làm giãn đồng tử trong nhãn khoa nhưng liều lượng cần theo chỉ đinh bác sĩ vì nó được xếp vào nhóm thuốc độc bảng A. 

Hoàng Kỳ

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.