Trong khi các mẹ Việt Nam đi đẻ kêu trời kêu đất như đi hành xác thì việc này ở nhiều nước lại rất nhẹ nhàng. Hầu như những chị em đã từng có dịp đón con yêu ở nước ngoài đều hết lời ca ngợi dịch vụ ở đây. Không chỉ có cơ sở vật chất, trình độ y khoa hơn hẳn trong nước, thái độ phục vụ của y bác sĩ đối với bệnh nhân cũng làm chị em nể phục.

‘Đào tạo’ bài bản trước khi sinh

Phụ nữ có thai luôn là đối tượng cần “chăm sóc đặc biệt” tại nhiều nước trên thế giới, nhưng nhất định là cách giống như ở Việt Nam. Số phòng khám siêu âm chụp X-quang có thể không nhiều như ở Việt Nam, không có sữa bà bầu, hay đủ món ăn dành cho thai nghén như trứng ngỗng, cá chép nguyên con… nhưng các bà bầu được chăm lo rất chu đáo

Ví dụ như tại Pháp, bạn có thể được các bác sĩ tư vấn bất kỳ khi nào và bảo hiểm xã hội chi trả 100%, các khóa học miễn phí được mở ra để giúp bạn hiểu kỹ nhất về mang thai, chuẩn bị tốt nhất cho đứa con tương lai về góc độ tinh thần, vật chất…

Dưới đây là 1 khóa học để bạn tham khảo.

Bài số 1: Mang thai

Các chuyên gia sẽ nói với bạn về sự phát triển của em bé trong bụng và các thay đổi trong cơ thể, các vấn đề như đau lưng, căng thẳng và những biểu hiện khác, những gì cần theo dõi y tế…

Bài số 2: Các câu hỏi thực tế

ẢNh: VideoBlocks.com

Đơn giản như “hành trang” đi đẻ bạn cần những gì cho bạn và em bé khi mới sinh, giấy tờ cần chuẩn bị và các thủ tục hành chính khác.

Bài số 3: Vào việc!

Bà mụ sẽ dạy cho bạn cách phát hiện những dấu hiệu sớm của chuyển dạ, mô tả cho bạn biệc cuộc “vượt cạn” sẽ bắt đầu thế nào, dạy bạn cách hít thở và tư thế chuẩn để đẩy em bé ra ngoài…

Bài số 4: Sinh đẻ, phẫu thuật

Đây là một chủ đề rất quan trọng. Bác sĩ luôn khuyến khích người mẹ sinh nở tự nhiên, không qua phẫu thuật. Nếu cần mổ thì sẽ có chỉ định của bác sĩ. Các bà mụ cũng nói về việc mổ lấy thai, cách gây tê khác nhau, v.v.

Bài số 5: Sau khi sinh.

Ở đây sẽ nói về những điều cần theo dõi sau sinh, ăn uống, chuyện sinh hoạt vợ chồng…

Bài số 6: Lần đầu tiên với em bé

Ảnh: babymassageclass

Người mẹ sẽ học cách thay đồ, bế trẻ sơ sinh như thế nào, cách tắm cho bé lần đầu, bú bình và bú ti… Thực hành cùng với các búp bê nhựa và luôn có bà mụ chỉ dẫn.

Bài số 7: Trở về nhà, trở lại làm việc

Ở nước ngoài thuê người giúp việc không hề đơn giản, ngay cả sự trợ giúp của cha mẹ cũng rất hãn hữu. Do đó bạn cần học cách “tự bơi”, sắp xếp cuộc sống gia đình và công việc như thế nào cũng là các chủ đề thảo luận giữa bà mụ và mẹ tương lai.

Có thêm điều thú vị là ông bố tương lai luôn được khuyến khích theo sát người vợ của mình trong các khóa học, thậm chí có thể ngay cả trong phòng sinh vào giờ phút quan trọng nhất.

Dịch vụ chăm sóc tại bệnh viên khi để cũng rất thoải mái tại nhiều nước. Dưới đây là một số chia sẻ để bạn tham khảo.

Đài Loan – Ở cữ = ở khách sạn

Chia sẻ về việc sinh nở con gái đầu lòng tại Đài Loan, chị Hồng Loan cho biết mình rất hài lòng khi quyết định đón thiên thần nhỏ ở đây. Chị kể, trong suốt thời gian mang thai, chị đã được bác sĩ theo dõi rất cẩn thận. “Ở đây, các bác sĩ không khuyến khích việc biết sớm giới tính thai nhi và rất hạn chế siêu âm 3D. Trong suốt thai kỳ, tôi chỉ được siêu âm 3D đúng một lần còn lại là siêu âm 2D hết”, chị Loan chia sẻ.

Nói về việc tăng cân trong thai kỳ, chị cho biết, ở Đài Loan, các bác sĩ khám thai sẽ kiểm tra rất kỹ về cân nặng của bà bầu. Họ không khuyến khích việc uống sữa bầu vì sẽ làm mẹ tăng cân nhanh. Các bác sĩ thường khuyên sản phụ nên bổ sung dưỡng chất từ tự nhiên thông qua chế độ ăn hàng ngày. Trong suốt thai kỳ, bác sĩ sẽ có mức tăng cân cụ thể cho mỗi người và người ta cũng chỉ ra mức tăng cân theo từng giai đoạn bầu bí. Cân nặng của con cũng được khuyến khích ở mức dưới 3,5kg.

Điều khiến chị Loan hài lòng nhất khi quyết định sinh ở Đài Loan là dịch vụ khi sinh nở và sau sinh. Thủ tục đi đẻ ở đây không rườm rà như ở Việt Nam. Với mức viện khí khá rẻ bạn đã có thể đẻ ở một bệnh viện công lớn. Khi đi sinh nở, chị em sẽ không phải chuyển bị gì vì bệnh viện đã lo hết đồ cho cả hai mẹ con trong những ngày ở viện. Sau sinh nở, sản phụ ở đây cũng không kiêng khem như ở Việt Nam. Họ được ăn uống thoái mái bất cứ thứ gì muốn ngoại trừ rượu bia.

“Điểm đặt biệt về dịch vụ sau sinh ở Đài Loan khác với các nước là sản phụ sẽ được ở cữ trong những khu riêng biệt (do bệnh viện hoặc tư nhân mở) trong vòng 1 tháng. Tôi không chọn ở cữ tại nhà mà thay vào đó là ở khu chuyên biệt như khách sạn. Nơi đây chỉ chuyên dành cho sản phụ sau sinh và có đội ngũ bác sĩ cũng như y tá phục vụ chuyên nghiệp, vì vậy chúng tôi rất yên tâm”, chị Loan nói.

Thụy Sĩ – Sản phụ như ‘bà hoàng’

Chị Tâm Phan, sống tại Geneva (Thụy Sĩ) thì ‘khen không hết’ lời về dịch vụ sinh nở ở đất nước này. Chị chia sẻ: “Mặc dù đã được nghe rất nhiều người ca ngợi dịch vụ Y tế của Thụy Sỹ nhưng phải thực sự trải qua mình mới tin. Mình đã chọn một bệnh viện công để chào đón con gái yêu. Mặc dù được hưởng dịch vụ sinh nở cực kì tốt nhưng mình không phải trả 1 xu nào để được ưu đãi đặc biệt”.

Chị Tâm Phan đang được theo dõi để chờ sinh. Dù đã được tiêm thuốc kích đẻ nhưng chị vẫn thoải mái nghe nhạc.

Chị cho biết thủ tục sinh nở ở bệnh viện công (Thụy Sỹ) rất đơn giản. Vì đã khám thai ở đây nên đến lúc đi sinh chỉ cần nhập viện là đương nhiên mọi thông tin của bạn đã có sẵn trong tài liệu của bệnh viện. Một điều đặc biệt khi sinh ở đây là các mẹ không được tùy ý chọn phương pháp đẻ mà nhất định phải đẻ thường. Chỉ có bệnh viện tư ở Thụy Sỹ mới chiều theo ý bệnh nhân.

Khi sinh xong, các sản phụ sẽ được chiều như một bà hoàng. Sẽ có một đội ngũ bác sĩ, y tá và đặc biệt là các bà mụ chăm sóc bạn rất nhiệt tình. Sau khi sinh xong, chị em chỉ việc nghỉ ngơi, còn em bé sẽ được các bà mụ chăm sóc từ a-z. Các bà mụ ở đây phải qua trường lớp đào tạo bài bản. Đêm nào cũng có một bà mụ trực đêm để phục vụ các bà mẹ trẻ em, từ việc thay bỉm cho em bé đến tiêm thuốc cho mẹ, nên các mẹ hoàn toàn yên tâm.

Chị em sau sinh chỉ cần nằm trên giường ấn nút điều khiển là muốn gọi cái gì cũng được ngay cả việc gọi bà mụ nhờ sự giúp đỡ giữa đêm khuya. “Bệnh viện ở đây như một khách sạn, có đội ngũ dọn phòng thay ga giường và dọn vệ sinh mỗi ngày. Đội làm bếp và bồi bàn tới đọc thực đơn tại giường cho mình chọn món ăn hợp khẩu vị. Đội ngũ cung cấp những phụ kiện như quần lót, bông thấm ti cho mẹ, bỉm và quần áo cho em bé, còn cần gì khác thì bấm chuông gọi bà mụ.”, Tâm Phan nói.

Nhật Bản – Đẻ xong là xong

Quyết định ở lại Nhật để đón con gái đầu lòng, chị Thu Hương (Trung Văn, Hà Nội) đã rất hài lòng với ca sinh nở của mình. Chỉ kể, phụ nữ mang thai ở bên Nhật được chính quyền rất quan tâm. Ngay từ khi thai được 7 tuần tuổi, chị em sẽ được phát một quyển sổ gồm những phiếu giảm giá khi đi khám thai, sách hướng dẫn các điều nên biết khi mang thai và chăm sóc trẻ nhỏ. Trong suốt thai kỳ, luôn có những lớp học tiền sản miễn phí. 3 tháng đầu sẽ được hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng, 3 tháng tiếp theo là lớp học về cách massage ngực để đầu ti được dài, mềm cho bé dễ bú và bầu ngực nhiều sữa. 3 tháng cuối thai kỳ sẽ được dậy cách hô hấp và cách rặn đẻ.

Gia đình chị Thu Hương

“Ở Nhật Bản, các bác sĩ sẽ theo dõi rất sát cân nặng của chị em bầu. Nếu tăng cân quá nhanh bác sĩ sẽ nhắc nhở xem lại chế độ ăn uống. Bà bầu luôn được khuyến cáo không nên ăn quá nhiều vì thai nhi to quá sẽ khó đẻ. Nếu tăng cân nhanh quá mức cho phép, lần đầu sẽ bị nhắc nhở. Nếu tái phạm sẽ được các bác sĩ yêu cầu ghi lại thực đơn ăn uống hàng ngày và điều chỉnh lại”, chị Hương kể.

Về chuyện đi đẻ, bệnh nhân ở các bệnh viện của Nhật đều được chăm sóc như thượng đế. “Vì ca sinh của Hương khó nên chính viện trưởng của bệnh viện đã tự tay đỡ đẻ. Các y tá của buổi sáng hôm đó đều vào để giúp sức. Người thì ở bên cạnh động viên, người thì giữ chân tay, người thì ấn bụng cho em bé xuống. Nói chung, bác sĩ rất cởi mở và nhiệt tình”, chị chia sẻ thêm.

Niềm hạnh phúc của người mẹ trẻ bên con gái yêu.

Điều khiến chị hài lòng nhất khi quyết định sinh ở Nhật là dịch vụ sau sinh. Sản phụ ở đây chỉ việc sinh xong là coi như xong. Chị em sẽ không phải lo đến việc chăm sóc bé trong khi vẫn còn đau vết mổ hay vết rạch tầng sinh môn. Em bé sẽ được ngủ ở một phòng riêng, có người chăm sóc rất cẩn thận. Người mẹ sẽ được thoải mái nghỉ ngơi và cứ đến cữ bú của con thì sang phòng cho con ti. Ban đêm sẽ có y tá đến gọi dậy để cho con ăn. Đến ngày thứ 4, sản phụ sẽ được y tá hướng dẫn cách tắm cho con, cách pha sữa, cách chăm con tại nhà. Thông thường, các sản phụ sẽ ở lại bệnh viện 5 ngày với người sinh thường và 10 ngày với người sinh mổ.

“Ngay ngày hôm sau mình đã được tắm gội. Nếu có nhu cầu gội đầu mình sẽ gọi y tá và người ta sẽ tự tay gội đầu cho mình. Về chuyện ăn uống, bên Nhật không kiêng khem nhiều như ở Việt Nam. Mình được ăn uống đầy đủ các món ngon và thích gì ăn nấy, miễn là ăn chín uống sôi.”,chị Hương nói. – Theo baomoi.com

Minh Thành