Đại Kỷ Nguyên

Suýt chết vì tự điều trị chứng đau bụng

Một bệnh nhân nam được cứu sống sau khi vỡ túi thừa đại tràng do tự điều trị triệu chứng đau bụng bằng thuốc giảm đau. Các bác sĩ cảnh báo không được chủ quan khi có biểu hiện tương tự, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. 

Sáng 10/10 bệnh nhân nam Nguyễn Văn Ch. (53 tuổi, ngụ TP HCM) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt cao và đau chân phải khi đi lại. Qua thử máu, chụp CT bụng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, có nhiều áp xe trong ổ bụng và cơ thắt lưng chậu phải, biến chứng từ viêm túi thừa đại tràng vỡ.

Ngay lập tức, bệnh nhân được mổ cấp cứu trong đêm. Các bác sĩ đã cắt bỏ đoạn đại tràng chứa túi thừa viêm, vỡ, loại bỏ các ổ áp xe, nối ruột lại cứu sống bệnh nhân. Sau phẫu thuật, sức khỏe ông Ch. dần ổn định.

Bệnh nhân qua được nguy kịch sau khi được các bác sĩ can thiệp xử trí túi phình đại tràng bị vỡ (Ảnh: qua nld.com.vn)

Ông Ch. đã phát hiện mình bị viêm túi thừa từ vài tuần trước sau khi đi khám ở một số bệnh viện và được tư vấn điều trị bằng cách uống thuốc. Tuy nhiên, ngay cả khi đau bụng dữ dội, đi lại không được do đau chân, ông Ch. chần chừ không đến bệnh viện mà vẫn tự điều trị tại nhà, tiêm thêm thuốc chống viêm, giảm đau. Đến khi chịu hết nổi, ông vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu thì túi thừa đại tràng đã vỡ.

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Thao – Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, việc tự điều trị như ông Ch. là vô cùng nguy hiểm, dễ biến chứng viêm túi thừa vỡ, tạo áp xe ổ bụng, nhiễm trùng nặng nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới nguy hiểm tính mạng.

Túi đại tràng hình thành như thế nào?

Túi thừa đại tràng (Ruột già) (Ảnh: qua songkhoe.vn)

Khi phân nhỏ vì thiếu chất xơ chẳng hạn, phân sẽ cứng và khó bài tiết ra ngoài. Ðể có thể tống xuất phân ra ngoài, đại tràng phải co thắt nhiều hơn, đồng thời người ta cũng dùng nhiều sức để rặn khi đi cầu, như thế làm gia tăng áp lực trong đại tràng. Vách của đại tràng có khi không đồng đều về cấu tạo, có những chỗ vách bị yếu so với phần xung quanh và khi áp lực ruột gia tăng, niêm mạc của những chỗ yếu đó sẽ bị đẩy ra ngoài qua vách ruột yếu và tạo thành cái túi nhỏ, thường lớn 1-2cm, đôi khi lớn 5-6cm.

Tuy nhiên, áp lực trong đại tràng chỉ là yếu tố để đưa đến bệnh túi thừa hơn vì có nhiều trường hợp khác người ta không bị táo bón, không tăng áp lực đại tràng mà vẫn có thể bị bệnh túi thừa đại tràng.

Triệu chứng của bệnh túi thừa đại tràng

Đa số bệnh nhân có túi thừa đại tràng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Số còn lại, triệu chứng hay gặp là tình trạng đau bụng, thường ở vùng bụng dưới bên trái, kèm theo cảm giác trướng bụng đầy hơi, rối loạn đại tiện, thường là táo bón, đôi khi đi phân lỏng hoặc phân có máu, có khi triệu chứng rất khó phân biệt với hội chứng ruột kích thích.

Trong trường hợp túi thừa bị nhiễm khuẩn (viêm túi thừa), ngoài đau bụng bệnh nhân có thể nôn, đi ngoài phân lỏng, sốt, thậm chí sốt cao rét run; túi thừa cũng có thể áp-xe hóa, rò, thậm chí thủng gây chảy máu, nhiễm khuẩn ổ bụng rất nguy hiểm. Việc chẩn đoán túi thừa dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân đồng thời với việc thăm khám hậu môn trực tràng kết hợp chụp Xquang đại tràng có bơm thuốc cản quang và nội soi đại tràng ống mềm.

Nguy cơ tiềm ẩn của viêm túi đại tràng

Khi túi thừa bị nhiễm khuẩn, có thể gây ra viêm túi thừa, có thể bị viêm ở trong hay quanh túi thừa. Túi thừa đại tràng thường chứa phân bị kẹt trong lòng túi, lâu dần đóng chắc lại thành cục đá phân, làm nghẹt lòng túi thừa và ép vách túi thừa, làm vi khuẩn (thường có trong phân ở đại tràng) phát triển mạnh trong túi thừa gây nên viêm túi thừa. Nếu nhiễm khuẩn nhiều, vách túi thừa có thể bị hủy hoại và nhiễm khuẩn lan ra ngoài vách đại tràng, tạo thành túi mủ tại chỗ, hay làm viêm phúc mạc rất nguy hiểm, có thể chết người nếu không chữa kịp thời.

Khi người bệnh xuất hiện những dấu hiệu như đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy, bón, sốt, đi cầu ra máu…cũng nên nghĩ đến viêm túi thừa đại tràng; cần tới cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị thích hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm như chảy máu túi thừa, áp xe túi thừa, viêm phúc mạc do viêm vỡ túi thừa gây ra” – BS Thao khuyến cáo.

Cao Sơn 

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version