Đại Kỷ Nguyên

Tác dụng bảo vệ sức khoẻ của amidan và những phương pháp phòng tránh viêm

Viêm amidan là căn bệnh phổ biến mà nhiều người biết đến. Tuy nhiên công dụng của của amidan thì lại rất ít người biết đến khiến cho việc bảo vệ cơ quan này được xem nhẹ, khi bị viêm người ta thường nghĩ có thể cắt bỏ dễ dàng.

Vậy cơ quan này có những tác dụng quan trọng như thế nào đối với cơ thể mà chúng ta nên chăm sóc và bảo vệ nó.

Theo cấu tạo của cơ thể, amidan là 2 khối mô nằm ở phía sau của cổ họng, nơi được cho là vị trí giao nhau giữa đường ăn và đường thở.

Chức năng chính và cũng là quan trọng nhất của amidan đó chính là ngăn chặn lại sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn đối với cơ thể. Đồng thời amidan còn có chức năng tiết ra các kháng thể tự nhiên chống lại sự nhiễm trùng.

Tuy nhiên do vị trí của amidan lại dễ bị tấn công bởi vi khuẩn/virus/nấm hàng ngày qua đường ăn, đường thở như khói bụi, thay đổi thời tiết, điều hòa,…cộng với cấu trúc nhiều khe, hốc nên vi khuẩn/virus/nấm dễ trú ngụ và gây bệnh cơ hội khi cơ thể giảm sức đề kháng và dẫn tới viêm amidan.

Ảnh: vi.photo-ac.com

Vì tác dụng của amidan là khá quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể nên việc cắt amidan cần hết sức cân nhắc.

Bệnh viêm amidan được chia thành 2 cấp độ chính

Viêm amidan cấp tính xảy ra khi 2 khối amidan bị nhiễm vi-rút hoặc vi khuẩn. Trường hợp này thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Triệu chứng bệnh rõ ràng với các biểu hiện như đau họng, amidan sưng đỏ, gây cảm giác đau đớn rất khó chịu. Với những người từng bị viêm amidan nhưng sau một vài lần xuất hiện rồi ‘tiêu biến’ hẳn, không bao giờ xuất hiện về sau nữa thì được gọi là viêm amidan cấp tính

Viêm amidan mạn tính thường gặp ở trẻ em và thanh niên, là hậu quả của việc viêm amidan cấp tính tái phát nhiều lần, hoặc hố amidan không lưu thông được tích tụ vi khuẩn điều kiện phát triển cho các mầm bệnh, dẫn đến gây tổn thương amidan nghiêm trọng gây ra tình trạng mãn tính

Những cách phòng ngừa và chữa trị viêm amidan hiệu quả

Cách phòng ngừa tối ưu nhất cho bệnh viêm amidan là phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ, bên cạnh việc thường xuyên tới nha sĩ kiểm tra.

Cần bổ sung nhiều vitamin C vào chế độ ăn uống hàng ngày để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp chống viêm nhiễm. Các loại thực phẩm giàu vitamin C gồm: ổi, xoài, cam, các loại trái cây và rau quả khác.

Hạn chế các loại thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh.

Tập làm quen dần bỏ hút thuốc lá và uống rượu cũng như các thói quen không lành mạnh khác và thường xuyên súc miệng với nước muối ấm.

Kết hợp tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cũng giúp ích tăng đề kháng cơ thể tránh khỏi nguy cơ phát bệnh.

Trong hầu hết trường hợp, viêm nhiễm thường gây ra do virut chỉ cần điều trị triệu chứng bằng paracetamol để hạ sốt. Còn lại một số ít bệnh nhân viêm họng amidan gây ra do vi khuẩn thì điều trị bằng penicillin hoặc erythromycin (nếu bệnh nhân bị dị ứng penicillin). Trường hợp dùng kháng sinh trong 2-3 ngày đã hết sốt thì người bệnh vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc cho đủ phác đồ điều trị, tránh tình trạng bị kháng thuốc cho những lần viêm nhiễm tiếp theo.

Minh Nguyên

Exit mobile version