Nhiều tổ chức y tế cộng đồng như Hiệp hội Tiểu đường, Hiệp hội Tim mạch, và Hiệp hội Ung thư của Mỹ đều nói về các loại đậu, trong đó có đậu đen, như là một nhóm thực phẩm chính giúp ngăn ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe.
Trong số tất cả các nhóm thực phẩm thường được sử dụng trên toàn thế giới, không một nhóm nào lại có sự kết hợp giữa protein và chất xơ tuyệt vời hơn cây họ đậu, đặc biệt là đậu đen. Chỉ với một cốc đậu đen (tương ứng với 172g) cũng đã cung cấp cho chúng ta tới 15 gram chất xơ (chiếm hơn một nửa nhu cầu chất xơ trung bình mỗi ngày cho một người lớn) và 15 gram protein (gần bằng một phần ba nhu cầu protein hàng ngày, tương đương với 56,7 gam thịt gà hay cá hồi). Và chúng ta sẽ không thể tìm thấy sự kết hợp này trong các loại trái cây, rau quả, ngũ cốc, thịt, các sản phẩm sữa, đồ hải sản hoặc các loại hạt khác. Chính sự kết hợp đó đã giải thích tại sao đậu đen lại mang đến cho chúng ta nhiều lợi ích đối với đường tiêu hóa, đường huyết và hệ tim mạch như vậy.
Bảng thành phần dinh dưỡng của đậu đen đã nấu chín Cung cấp 227,04 calo |
||
Các chất dinh dưỡng | Hàm lượng | Nhu cầu hàng ngày(%) |
Molybdenum | 129,00mcg | 172,0 |
Folate | 255,94mcg | 64,0 |
Chất xơ | 14,96g | 59,8 |
Trytophan | 0,18g | 56,2 |
Mangan | 0,76mg | 38,0 |
Protein | 15,24g | 30,5 |
Magie | 120,4mg | 30,1 |
Vitamin B1(Thiamin) | 0,42mg | 28,0 |
Photpho | 240,8mg | 24,1 |
Sắt | 3,61mg | 20,1 |
Các lợi ích đối với hệ tiêu hóa
Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng đậu đen có tác dụng hỗ trợ đặc biệt cho đường tiêu hóa khỏe mạnh, nhất là ruột già. Đã có nhiều tài liệu chứng minh rằng trong đậu đen có chứa nhiều chất xơ không hòa tan hơn so với trong đậu lăng hoặc đậu xanh. Ngoài ra trong đậu đen còn có sự kết hợp hài hòa của các chất tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn trong ruột kết để chúng sản sinh ra axit butyric. Axit này được các tế bào lót ở mặt trong của đại tràng sử dụng để phục vụ cho các hoạt động của mình và giữ cho các chức năng của đường tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Kết quả của các nghiên cứu này cũng cho thấy các thành phần khó tiêu có trong đậu đen có tác dụng rất tốt trong việc giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Không giống với đường – có thể di chuyển rất nhanh trong ống tiêu hóa và hấp thụ vào máu, hay chất béo di chuyển rất chậm trong ống tiêu hóa rồi đi vào hệ thống bạch huyết hoặc máu, cả protein và chất xơ đều di chuyển trong ống tiêu hóa với một tốc độ vừa phải. Chính nhờ sự di chuyển này giúp cho quá trình tiêu hóa được “ổn định” hơn. Và khi quá trình tiêu hóa ổn định sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho các bộ phận của ống tiêu hóa, từ đó hỗ trợ cân bằng hóa học và hệ vi sinh vật tốt hơn.
Tác dụng của đậu đen đối với hệ tiêu hóa đã làm cho rất nhiều người ngạc nhiên bởi trước đây họ thường nghĩ rằng đậu đen (và cả các loại đậu nói chung) là những loại thực phẩm gây ra vấn đề về tiêu hóa bởi nó tạo ra một lượng khí lớn. Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng đậu đen có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho ruột già (nơi mà khí thường được tạo thành).
Lợi ích trong việc kiểm soát lượng đường trong máu
Sự kết hợp giữa protein và chất xơ có trong đậu đen và các cây họ đậu khác có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ cân bằng lượng đường và điều chỉnh lượng đường trong máu. Như đã nói ở trên, protein và chất xơ di chuyển dọc ống tiêu hóa với một tốc độ vừa phải, nhờ đó mà quá trình phá vỡ thức ăn thành các phần nhỏ hơn bao gồm đường đơn sẽ ổn định hơn từ đó giúp hạn chế việc hấp thụ đường đơn trong ống tiêu hóa. Bởi nếu lượng đường đơn được hấp thụ càng nhiều sẽ làm tăng lượng đường trong máu hay nói cách khác là làm mất sự ổn định đường trong máu. Chỉ với 15g chất xơ và 15g đường trong một thìa đậu đen có thể ngăn ngừa được hoàn toàn tình trạng giải phóng quá nhiều hoặc quá ít lượng đường đơn khỏi ống tiêu hóa.
Đối với bệnh tiểu đường type 2, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến hiệu quả hạn chế enzyme alpha-amylase của đậu đen. Alpha-amylase là enzyme có vai trò rất quan trọng trong việc phân hủy tinh bột thành đường, nếu quá trình phân hủy này chậm thì sẽ giúp giải phóng ít đường hơn. Như vậy, cộng thêm với khả năng ổn định đường huyết do sự kết hợp protein – chất xơ thì không có gì ngạc nhiên khi thấy đậu đen có trong danh sách các loại các loại thực phẩm giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2.
Lợi ích đối với tim mạch:
Trước đây, người ta chỉ nói đến hiệu quả giảm cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim (hoặc đau tim) của lượng chất xơ hòa tan dồi dào trong đậu đen. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây còn cho thấy lợi ích của các phytonutrient (dưỡng chất thực vật) có trong đậu đen. Thông thường mọi người có xu hướng nghĩ rằng các loại trái cây màu sắc rực rỡ và rau là nguồn tốt nhất cung cấp các chất này, mà ít ai nghĩ đến đậu đen. Vỏ hạt đậu đen là nguồn cung cấp 3 loại anthocyanin flavonoids: delphinidin, petunidin, và malvidin. Đây là những chất có vai trò chủ yếu trong sự hình thành màu đen bóng của vỏ hạt đậu đen. Ngoài ra trong hạt của cây họ đậu này còn có thêm 2 loại flavonoid đó là kaempferol và quercetin và nhiều axit hydroxycinnamic như axit ferulic, sinapic, chlorogenic, và rất nhiều triterpenoid. Tất cả các flavonoid này được chứng minh là các chất chống oxy hóa và chống viêm rất tốt cho tim mạch. Khi các mạch máu trong tình trạng stress oxy hóa quá mức và mãn tính (gây ra bởi các dạng oxy phản ứng) hoặc viêm thì nguy cơ phát triển bệnh là rất cao. Ngoài flavonoid, các chất chống oxy hóa khác trong đậu đen như kẽm và mangan cũng góp phần ngăn chặn tình trạng stress oxy hóa và sự viêm này.
Ngoài ra trong đậu đen còn có chứa rất nhiều folate và magie có tác dụng tốt cho việc hỗ trợ tim mạch. Một cốc đậu đen cung cấp khoảng 64% nhu cầu folate; 30% nhu cầu magie hàng ngày và hơn nữa là cung cấp khoảng 180 mg axit béo omega-3 dưới dạng axit alpha-linolenic (ALA) cho cơ thể.
Bên cạnh đó, với khả năng ngăn chặn tình trạng stress oxy hóa và viêm, đậu đen còn được cho là có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư gan, nhưng hiệu quả nhất vẫn là ung thư ruột kết.
Như vậy có thể khẳng định việc thường xuyên bổ sung đậu đen vào chế độ ăn rất tốt cho sức khỏe. Lượng đậu đen nên bổ sung khoảng 1-2 cốc/ngày và với tần suất khoảng 4 ngày/tuần.
Minh Phương