Khi đói, bụng trên thường có cảm giác trống rỗng và khó chịu, đến khi đói quá thì có thể nghe thấy tiếng “ùng ục”, hay còn gọi là sôi bụng. Đó là vì sao?
Khi dạ dày tiêu hóa thức ăn gần hết, dịch vị vẫn tiếp tục được tiết ra. Vì dạ dày rỗng dần nên sức co bóp của nó sẽ tăng lên. Sự co bóp mạnh của dạ dày gây ra cảm giác đói; người ta gọi vận động co bóp mạnh của dạ dày là co bóp đói. Khi dạ dày co bóp đói, các dịch thể và khí nuốt vào dạ dày sẽ bị nhào nặn, lúc bị dồn sang phía này, lúc sang phía kia, sinh ra tiếng “ùng ục”.
Ngoài ra còn có một hiện tượng: khi đói, chúng ta cảm thấy thèm ăn, nhưng chưa được ăn, đến lúc qua cơn đói thì không còn cảm giác thèm ăn nữa. Đó là vì động tác co bóp đói của dạ dày có tính chu kỳ. Khi đói, sự co bóp mạnh của dạ dày chỉ kéo dài khoảng nửa tiếng, sau đó chuyển sang thời kỳ yên lặng (từ nửa tiếng đến một tiếng). Cùng với sự nằm im của dạ dày, cảm giác đói sẽ mất đi. Cảm giác đói và cảm giác thèm ăn thường đồng thời phát sinh. Khi bụng đói, người ta sẽ muốn ăn và không quá đòi hỏi, kén chọn thức ăn. Tương tự, cảm giác đói và cảm giác muốn ăn thường cùng mất đi với nhau, cho nên sau khi qua cơn đói, người ta không thèm ăn nữa
Cũng nhân đây nhắc nhở các bạn rằng, nhất định không nên bỏ bữa sáng hoặc ăn uống thất thường.
Ngoài việc đẩy cơ thể vào trạng thái suy kiệt, nhịn đói là nguyên nhân hình thành sỏi mật.
Thực tế có nhiều người có thói quen không ăn sáng. Theo một nghiên cứu của Pháp, bỏ qua bữa sáng làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật.
Dịch mật được sản xuất trong đêm, được cô đặc và dự trữ trong túi mật, nếu bỏ qua bữa sáng, dịch mật sẽ không có thức ăn để tiêu hóa nên sẽ ở trong túi mật lâu hơn. Tình trạng này kéo dài, dịch mật tích tụ trong túi mật và đường ruột, tiết ra cholesterol khiến sỏi mật hình thành. Bên cạnh đó do ruột rỗng, nhu động giảm, các chất cặn bã trong ruột của ngày hôm trước không có cơ hội để đào thải ra ngoài, đó cũng là nguy cơ tiềm ẩn để vi khuẩn đường ruột gây nhiễm khuẩn đường mật (do ống mật chủ thông với ruột non).
Không chỉ bỏ bữa sáng mới quan trọng, mà cả ba bữa đều vậy. Một số người vì công việc bận hoặc vì lý do khác nên hai bữa cơm thường chỉ ăn một bữa, lại có gia đình chỉ có ăn hai bữa chứ không ăn ba bữa. Như vậy là để bụng đói quá lâu, hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, hay gặp nhất là dẫn đến sỏi túi mật.
Do đó, phải ăn cơm theo bữa, không được để đói quá dài. Ở phụ nữ trung niên, tỉ lệ kết sỏi mật cao hơn bình thường, là đối tượng càng cần phải lưu ý nhiều hơn.
Minh Thành
Xem thêm:
- Phòng bệnh sỏi thận không hề khó, chỉ cốt ở hai chữ ‘trung dung’;
- Bỏ bữa sáng khiến bạn có nguy cơ tăng cân cao hơn
- Sự tái sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.