Đại Kỷ Nguyên

Tại sao chúng ta nổi giận và làm thế nào để kiểm soát?

Bạn đang ở công viên chơi đùa cùng bọn trẻ. Mọi người đều vui vẻ, và rồi có một con chó lạ vô chủ xuất hiện. Nó giương mắt nhìn lũ trẻ. Ngay lập tức, hệ thống cảnh giác trước mối nguy hiểm trong não bộ của bạn được kích hoạt.

Bạn liền cảnh giác, hoàn toàn tập trung vào con chó; tim đập liên hồi, bàn tay nắm chặt. Con chó gầm ghè, nhe răng và như muốn vồ bạn. Bạn đang ở trong tình thế sống còn, cảm giác tức giận và bạo lực. Bạn hét lên, bạn có thể sẽ đánh nó mà không để ý đến việc liệu bạn có bị nó cắn hay không.

Con chó sủa ăng ẳng đầu hàng và bỏ đi, trong khi bạn đang đứng ra bảo vệ trước con cái của bạn.

Loại nổi giận và hiếu chiến này thuộc về phía “chiến đấu” của bộ cảm xúc “chiến đấu hay bỏ chạy”. Phản ứng sinh lý này, theo nghiên cứu về sự phát triển của các yếu tố tâm lý, giúp cơ thể chúng ta chuẩn bị chống lại hoặc để bỏ chạy trước một mối đe dọa.

Nổi giận là một trong bảy cảm xúc phổ biến thông thường đối với mọi giới tính, lứa tuổi trong nhiều nền văn hóa khác nhau.

Đó là một phần quan trọng đối với sự sống còn của con người, đối với con người hiện đại, nó có thể đến bất cứ lúc nào. Giận dữ, và hiếu chiến có thể gây hậu quả nghiêm trọng khi nó thể hiện ra thành bạo lực trên đường phố, ở nhà riêng và tại các nơi khác trong cộng đồng.

Tất cả chúng ta đều nổi giận

Theo nhà nghiên cứu hàng đầu về cảm xúc Paul Ekman, tức giận là một trong bảy cảm xúc phổ biến thông thường đối với mọi giới tính, lứa tuổi ở hầu hết các nền văn hóa. Ông cho biết, tức giận có thể đến vì cảm thấy một điều gì đó can thiệp vào việc đạt được mục tiêu đã định của chúng ta, hoặc khi chúng ta trải nghiệm, cảm nhận một sự việc đang đe dọa bản thân mình về thể chất hoặc về tâm lý.

Cơn tức giận thường xuất hiện rất nhanh (có thể coi như “nóng tính”), nó khiến ta dồn sự chú ý vào các mối đe dọa, và nó hiển lộ rõ trong cơ thể chúng ta, thông thường bắt đầu trong vùng lõm thượng vị dạ dày, rồi bốc lên đến mặt và là nguyên nhân khiến chúng ta phải nhăn nhó và nắm chặt nắm đấm của mình. Khi sự sân hận trào dâng, nó được thể hiện về mặt thể chất bằng tiếng thét, đấm hoặc đá.

Chúng ta ai cũng có những lúc giận dữ trong cuộc sống (Ảnh: Michael Bentley/Flickr/CC BY)

Nhưng bạn có thích trong nhóm bạn của mình có một người hay tức giận không? Hầu hết mọi người đều nói không, và đó là một trong những hậu quả chính của sự tức giận: tức giận thường gây tổn hại đến các mối quan hệ và làm người nổi giận cảm thấy cô lập.

Vì vậy, bản chất sự tức giận không phải là vấn đề, vấn đề là cách chúng ta kiểm soát cảm xúc và thể hiện nó ra sao.

Rối loạn tức giận

Không có sự chẩn đoán rõ ràng nào về chứng rối loạn giận dữ, nhưng sổ tay hướng dẫn chẩn đoán các bệnh tâm thần có ghi nhận “chứng rối loạn khiến dễ bùng nổ cơn giận liên tục”, đặc trưng bởi sự bùng phát hành vi được tái diễn nhiều lần kèm theo sự kiểm soát các cơn bốc đồng hung hãn. Điều này ảnh hưởng đến 7,3% dân số tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống và ảnh hưởng đến 3,9% dân số trong 12 tháng qua.

Bên cạnh đó, tức giận là một biểu hiện lâm sàng phổ biến có ảnh hưởng đến một loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần khác chẳng hạn như chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, những rối loạn do sử dụng dược phẩm và từ một số vấn đề khác.

Nếu bạn bắt đầu nhận thấy rằng bạn đang ở trên ngưỡng khá gần đến chứng rối loạn này, có thể bạn sẽ làm những việc mà khiến bạn hối hận sau này, bạn đang có xu hướng nhanh chóng đáp trả thay vì nghĩ cách xử lý và một số người xung quanh nói rằng dạo này bạn hay nổi giận, thì bạn hãy coi đây là những dấu hiệu cho thấy bạn cần có hành động thiết thực với bản thân.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách nói chuyện với bác sĩ, và nếu cần thiết, tìm gặp một chuyên gia tâm lý, hoặc bạn có thể chia sẻ với một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Kiểm soát cơn nóng giận

Về liệu pháp đối với sự tức giận, khách hàng được hỏi:

Điều gì sẽ là nỗi sợ lớn nhất của bạn khi từ bỏ hoặc giảm đi sự tức giận của mình?

Nhiều người trả lời vì sợ bị tổn thương, sợ không thể đại diện cho người khác, hay sợ hãi những điều bất công xảy ra. Đây là tất cả các câu trả lời phù hợp.

Tuy bản thân cơn giận không phải là sự gây hấn nhưng tức giận có thể dẫn đến gây hấn, vì vậy khi chúng ta cảm thấy tức giận, chúng ta cần cố gắng liên hệ nó đến những cảm xúc của sự khôn ngoan, sức mạnh, lòng can đảm và sự quyết đoán.

Một trong những vấn đề với sự tức giận là khi nó xuất hiện, nó có thể dẫn đến gây hấn. (Ảnh: Flickr / CC BY)

Chương trình quản lý sự giận dữ cho tập thể nhóm và cá nhân, do các nhà tâm lý học điều hành, có tỷ lệ thành công khá tốt. Họ đã tiến hành kiểm tra, phân tích tổng hợp các chương trình quản lý sự tức giận qua 92 nghiên cứu cho thấy các Liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive-behaviour therapy – CBT) đã giúp làm giảm đáng kể sự tức giận và hung hăng, và cũng sẽ làm tăng các hành động tích cực.

Một số bác sĩ cũng đang sử dụng một kỹ thuật mới gọi là Liệu pháp tập trung từ bi (CFT).

CFT khác với các liệu pháp điều trị trong quá khứ, vì nó tập trung vào việc tìm hiểu bộ não của chúng ta “tinh vi” như thế nào mà có thể làm chúng ta bị cuốn vào tất cả các trạng thái tiêu cực và khó khăn. Vì vậy, từ góc độ CFT, trước hết chúng ta cần phải hiểu được bộ não và nó hoạt động ra sao, như vậy chúng ta mới có thể giúp chính mình khi cơn giận biểu lộ ra.

Chuyên gia về sự tức giận Russell Kolts đã xây dựng một chương trình quản lý dựa trên CFT, được gọi là Sức mạnh thật sự (True Strength), mà hiện ông đang sử dụng để đánh giá các tù nhân. Mục đích là để bắt đầu học cách từ bi đối với chính mình, để chúng ta có thể tự xoa dịu bản thân, cảm thấy thoải mái hơn và sẵn lòng sống cùng với nỗi đau khổ và cảm xúc tiêu cực vốn thổi bùng cơn tức giận của chúng ta.

Những lời khuyên để kiểm soát sự tức giận

Hội tâm lý Úc có một số lời khuyên giúp người ta có thể kiểm soát được sự tức giận khi nó bộc lộ trong cuộc sống hàng ngày:

Xác định nguyên nhân làm bạn tức giận, chẳng hạn như môi trường xung quanh và con người.

Chú ý các dấu hiệu của cơ thể cảnh báo rằng bạn đang tức giận: đau thắt vai, tăng nhịp tim, nóng mặt.

Phác ra một chiến lược hành động. Điều này có thể bao gồm việc hít thở sâu, hình dung, đánh giá những suy nghĩ của bạn, trút bỏ thời gian đó và thay đổi hoàn cảnh của bạn, hoặc sử dụng các kỹ năng thư giãn.

Luyện tập những tình huống làm bạn tức giận. Hãy tưởng tượng trong một tình huống khiến cho bạn tức giận và bạn sẽ rút ra kỹ năng cho những lần tức giận thật sự.

Hãy nhớ rằng, bản thân sự tức giận không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở cách chúng ta kiểm soát và thể hiện nó ra sao. Người ta cho rằng câu nói hay nhất của ngài Đạt Lai Lạt Ma là: “Người  anh hùng thực sự là một người chế ngự được sự tức giận của mình“.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Tâm Tư Ngọc biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version