Theo tư tưởng của Lão Trang, Đông y xây dựng một nền y học dự phòng rất hoàn chỉnh: Từ quan sát khí tượng, thiên văn, chiêm tinh, xem mạch, thực dưỡng cho đến khí công… đều có mục đích lập lại quân bình của tâm và thân trước khi bệnh tật xuất hiện, như Tôn Tư Mạc trong [Thiên kim yếu phương] nói: “Cổ nhân giỏi về y thuật, thượng y trị bệnh chưa tới, trung y trị bệnh sắp phát, hạ y trị bệnh đã rồi”.

Tiếp theo: Phần 1, Phần 2.

Phần 3: Dưỡng sinh trong Đông y – Cái gốc của phòng bệnh

Sự hòa hợp tiết điệu sinh sống giữa con người và vũ trụ

Đạo học chủ xướng con người muốn khỏe mạnh nên sống hòa hợp với thiên nhiên. Nhân thể và vũ trụ cần hòa tấu cùng một tiết điệu, cần chia sẻ cùng một tiến trình năng lượng. Về mùa Xuân hay lúc rạng đông là lúc khí lực bắt đầu xuất sinh, khí đạt đến mức tối đa lúc mùa hạ hay buổi ban trưa, khí thu vén lại với tiết thu về hay khi chiều xế, khí ẩn vào mùa Đông hay khi màn đêm buông xuống…

Bởi khí tiểu trường (ruột non) vượng vào giờ mùi (13-15h) cho nên sống hợp với tự nhiên cũng là ăn bữa ăn chính lúc đúng ngọ (11-13h), để giúp bộ máy tiêu hóa hấp thụ dễ dàng. Cũng tương tự như vậy, đại tiện lúc sáng sớm là rất hợp lẽ tự nhiên, vì khí của đại trường vượng vào giờ mão (5-7h sáng).

Thời gian vượng của tạng phủ. (Ảnh: kenh14.vn)

Tiết điệu sinh sống ấy của chúng ta, dẫu có thể thay đổi phần nào vì những điều kiện khác biệt, vô hình chung cũng chỉ là bóng mờ của một tiết điệu to lớn chi phối cả cõi hoàn vũ. Nếu ăn uống vào những giờ giấc khác, nếu ruột già không được vận dụng vào những thời khắc thích nghi, nếu quả tim phải oằn mình gánh vác một công việc nặng nhọc vào lúc tâm khí suy giảm, thì sẽ có những hỗn loạn xảy đến. Thành ra những tập quán vừa kể trong lối sống hàng ngày của chúng ta chẳng phải là do ngẫu nhiên mà thành, mà từ bao nhiêu thế kỷ rồi, Đông y đã thấu triệt những hoạt động vòng tròn đặt mốc và chỉ lối trên con đường sinh sống “sinh chi đồ” (Đạo đức Kinh) của vạn vật.

Y lý cổ truyền phương Đông là một nền y học chủ yếu dự phòng

Ảnh hưởng tư tưởng của Lão Trang, Đông y xây dựng nền y học theo một chiều hướng độc đáo: Dự phòng. Là sự phối hợp thiên văn, khí tượng, chiêm tinh với y khoa, chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu đối với sinh vật, đặc biệt là đối với nhân thể, nhằm mục đích nắm vững quy luật biến hóa của hoàn cảnh tự nhiên, xét đoán sự thay đổi của khí hậu hàng năm và tình hình phát bệnh để đặt vấn đề phòng ngừa và chẩn trị chính xác.

Người xưa quan sát khí tượng, thủy văn, chiêm tinh để phòng ngừa thiên tai và bệnh dịch. (Ảnh: r.goope.jp)

Chẳng hạn những năm Giáp thì hành thổ thái quá nên có nhiều mưa bão lụt, dễ phát sinh những bệnh tật về thấp, vì vậy cần chú ý đề phòng các bệnh về Tỳ tượng. Năm Ất tỵ, vốn thuộc kim bất cập, cho nên dễ phát sinh nhiệt bệnh, cần chú ý đề phòng các bệnh về Phế tượng

Cùng trong chiều hướng đặt nặng vấn đề phòng ngừa bệnh tật này, Nội Kinh Tố Vấn viết: “… thánh nhân không trị khi đã mắc bệnh, mà trị từ lúc chưa mắc bệnh, không trị khi đã loạn mà trị từ lúc chưa loạn. Nếu bệnh đã mắc mới uống thuốc, loạn đã bùng mới đối phó, khác gì lúc khát mới đào giếng, sắp đánh giặc mới đúc binh khí…”.

Như vậy, cái lý tưởng to lớn của người y sĩ là làm sao chạy đua nhanh hơn bệnh tật, giúp bệnh nhân ngăn chặn được các bệnh lý bất thường trước khi chúng hiển lộ, giống như bậc thánh nhân trị nước, vẫn hằng khắc khoải “vị chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn”: Ngăn ngừa khi chưa có, sửa trị lúc chưa loạn.

Cho nên bậc Thượng công – tức là người thầy thuốc giỏi nếu như: “… thấy Can mắc bệnh thì biết là Can sẽ phạm đến Tỳ, nên lo bổ ngay Tỳ...” theo đúng lời dạy của danh sư Trương Trọng Cảnh trong “Kim Quỹ Yếu Lược”. Nói một cách khác, trong một cơ thể bề ngoài bình thường, rất có thể có những triệu chứng báo trước bệnh tật cần phải được phát giác kịp thời, nhất là qua nghệ thuật bắt mạch.

Tinh túy của Đông y là xem mạch biết trước bệnh để dự phòng. (Ảnh: fytong.com.hk)

Loại đặc điểm này của văn hóa Trung Quốc cũng thể hiện trong luận cứ của y sư triều Đường – Dược Vương (thánh dược) Tôn Tư Mạc (581- 682), ông phân bệnh tật thành 3 tầng thứ: “bệnh chưa tới”, “bệnh sắp phát”, “bệnh đã rồi”. Tôn Tư Mạc trong “Thiên kim yếu phương” nói: Cổ nhân giỏi về y thuật, thượng y trị bệnh chưa tới, trung y trị bệnh sắp phát, hạ y trị bệnh đã rồi, đều trùng khớp với Cát Hồng triều Tấn trong “Bão Phác Tử” vốn nói: “Tiêu hoạn (bệnh) chưa khởi, trị tật (bệnh) chưa tới, trị khi chưa việc gì”.

Lý luận này của Trung y lại nhấn mạnh tầm quan trọng của y học dự phòng, càng nhấn mạnh trên 2 phương diện thân và tâm bảo trì phương thức sinh hoạt khỏe mạnh.

Mối tương quan giữa thầy thuốc và bệnh nhân theo truyền thống

Lão học là một triết thuyết rất coi trọng sự sống, bởi “Thiên địa chi đại Đức viết sinh” (Đức lớn của Trời Đất là nguồn sống). Nguồn sống, như một bà mẹ to lớn và chung nhất, có hình ảnh trong từ “Mẫu” mà Lão Trang rất ưa dùng như nói “phục thủ kỳ mẫu”, “thiên hạ (chi) mẫu”… cho nên chữa bệnh là tìm về với mẹ thiên nhiên, hòa mình bằng tình thương, không phải đơn thuần do trí thức, suy luận.

Người thầy thuốc có bổn phận phải quên mình là chủ thể đi, để tự đặt mình vào với khách vật (bệnh nhân), giao cảm với thân chủ, nói tiếng nói của thân chủ, đau cái đau của thân chủ, suy luận theo đường hướng thân chủ suy luận. Cho nên Đông y là một nền khoa học có khả năng thích ứng, đồng hóa rất cao.

Trong nền y lý Đông phương, người thầy thuốc thường chẩn mạch cho thân chủ ngay cả những khi thân chủ có vẻ khỏe mạnh bình thường, để rồi sau đó kê một toa thuốc hoặc có lời khuyên đối với thân chủ nhằm đối phó với tình trạng bất quân bình thuộc phạm vi mà mình phát giác, vì lẽ cơ thể không thể được xem là hoàn toàn an bình, ổn định mặc dù bên ngoài chẳng có gì bất thường, bởi nếu không thế thì con người đã là bất tử.

Đông y truyền thống nhấn mạnh mối trương quan giữa thầy thuốc và khách vật (bệnh nhân). (Ảnh: greenhomespace.homemaq.com)

Vậy nên, trong lề lối y khoa truyền thống, mỗi năm thân chủ thường viếng thăm lương y đều đặn vài ba lần, theo nguyên tắc thì mỗi mùa một lượt, với niềm tin xác tín: Là con người mình được y sĩ bảo trì trong điều kiện khả quan nhất mà y khoa cho phép đạt đến. Như vậy, đây là một nền y học phòng ngừa trên bình diện tính phẩm (về chất chứ không phải về số lượng) áp dụng chặt chẽ cho từng cá nhân riêng biệt và chỉ cho từng cá nhân mà thôi.

Cần nói thêm là sự hòa đồng ở đây không những cần thiết mà còn không có không được, vì thầy thuốc  phải có uy tín hữu hiệu đối với bệnh nhân, thì tác vụ y khoa mới có giá trị. Cho nên nếu người trị bệnh ngần ngại hoặc mệt nhọc, trong khi người được trị bệnh khó tính hoặc nghi ngờ, thì thành quả đạt được sẽ rất nhỏ nhoi.

Một nét đặc thù của y lý cổ truyền Đông phương truyền thống là mối giao tình của người thầy thuốc và bệnh nhân: Thân chủ chỉ trả thù lao cho lương y khi nào bệnh đã khỏi (một số vùng dân tộc vẫn giữ được nét đặc sắc này). Trong phong tục, tập quán y khoa truyền thống, đây là một tập tục thực nặng tình người. Chẩn mạch, bốc thuốc rồi ra về hay chờ đợi, để đến hôm sau lại chẩn mạch bốc thuốc nữa nếu cần. Gạo, nếp, tiền, trà sẽ đến sau; có thể và thông thường là do chính người bệnh thân hành mang đến, dĩ nhiên là khi đã “thân hành” được, nghĩa là đã khỏi. Người lương y sẽ hưởng trọn vẹn niềm vui và vinh hạnh nhận những đền bù tương ứng với công lao và chất xám của mình. Đó cũng là truyền thống để duy trì mối liên hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân.

Đối với dự phòng bệnh, Dưỡng sinh là một phần không thể thiếu trong y lý cổ truyền

Do nơi quan niệm sống chỉ cần cho hợp lẽ tự nhiên là thân thể cường tráng, tinh thần minh mẫn, nên người lương y, theo đúng triết học Lão Trang, đặt rất nặng vấn đề vệ sinh ăn uống, và hơn thế nữa, nghĩ rằng dùng thức ăn chữa bệnh, phòng bệnh mới là thượng sách, dùng thuốc chữa bệnh chỉ là trung sách. Vì vậy, có lẽ ít có nền y học nào lại thừa hưởng một di sản thư tịch về nghệ thuật ẩm thực phong phú như Đông Y.

Dùng thức ăn chữa bệnh, phòng bệnh mới là thượng sách, dùng thuốc chữa bệnh chỉ là trung sách. (Ảnh: vtv.vn)

Phải nói phương Đông là nơi duy nhất đã nâng sách vở về ăn uống lên hàng kinh kệ; và trên cái nền hệ thống lý luận y dược cổ truyền những bộ sách: Thực lục khí kinh (một cuốn sách Đạo giáo chính cống của thời Tam Quốc); chín cuốn Thực kinh dưới thời Hậu Ngụy và Tùy; Thực liệu Bản thảo của Mạnh Săn đời Đường, Thực giám Bản thảo của Ninh Nguyên đời Minh… đã tô đậm những nét rất độc đáo, sắc cạnh về nghệ thuật điều dưỡng, nguyên tắc về tiết thực dưỡng sinh, tức là những nguyên tắc quản trị sự hấp thụ và vận hành cốc khí (khí của ngũ cốc). Như vậy Lão học chủ xướng ăn uống điều độ là một khía cạnh dưỡng sinh quan trọng.

Bên cạnh thực dưỡng phòng bệnh, Đông y cũng rất chú trọng dưỡng tâm và thân theo tư tưởng của Lão Trang. Bởi vì Đạo vốn rất ghét cái gì thái quá, cho nên, về nguyên tắc, bậc thánh trí muốn cho thân được còn thì phải để thân ra ngoài: “Ngoại kỳ thân nhi thân tồn”.

Đặt được tâm và thân ra ngoài các đam mê, lôi kéo của thế tục, làm cho hồn phách hợp nhất, không cho chúng chia lìa “tải doanh phách bảo nhất, năng vô ly hồ”, kéo lùi các cơ năng sinh lý tạng phủ trở lại với nguyên khí tiên thiên bằng cách tác dụng lên thể trạng, cơ địa hậu thiên qua những biện pháp đặc biệt về hô hấp, vận khí, luyện công, làm thế nào cho “chuyên khí trị nhu, năng anh nhi hồ”, làm cho hơi thở tụ lại như ở trẻ sơ sinh, như thuở nào còn trong trạng thái thai nhi: Đấy là cương lĩnh của một liệu pháp tu dưỡng khác – Khí công trong y thuật phương Đông.

Khí công, ở mức độ nông cạn nhất – đây là một phương pháp trị liệu độc đáo của Đông y (về góc độ thâm sâu của Khí công chúng tôi sẽ không bàn đến ở đây. Điều này trong cuốn Chuyển Pháp Luân của Sư phụ Lý Hồng Chí đã giảng rất rõ). Vì tinh thần và vật chất bắt buộc phải nương nhau để cùng tồn tại, như QuýTiện, CaoHạ phải dựa vào nhau “Quý dĩ Tiện vi bản, Cao dĩ Hạ vi cơ” (Đạo Đức Kinh), cho nên nguyên tắc thứ nhất của khí công là không coi nhẹ thể chất, cũng không độc tôn tinh thần mà nhằm tinh luyện và bồi bổ cả hai.

Tâm có tĩnh thì thân tâm mới hợp nhất, mà cơ thể đạt được quân bình tự nhiên. (Ảnh: dkn.tv)

Bởi nơi nền móng của đạo là vô vi, là điềm đạm hư vô, cho nên nguyên tắc thứ hai của liệu pháp khí công là luyện tập phải biết thuận theo tự nhiên, không cưỡng lại các quy luật của tạo hóa. Do đó, khi Hoa Đà chủ xướng vận động thân thể để phòng trị bệnh thì bước khởi đầu là nghiên cứu động tác của năm loài vật – hẳn nhiên là rất tự nhiên, để phỏng theo đấy mà sáng tác một số hình thức luyện tập gân cốt với tên gọi là “Ngũ cầm hí.

Nguyên tắc thứ ba của khí công thoát thai từ định lý “Nhược giả Đạo chi dụng” (Đạo Đức Kinh, chương 40), lấy sự mềm dẻo làm yếu quyết hướng đạo cho thể dục y khoa. Vì chính sự mềm dẻo, uyển chuyển, đôi khi là tĩnh tại mới có khả năng giúp thể chất và tâm thần phát triển điều hòa, từ đó mà tái lập quân bình cho cơ thể.

Tổng kết

Qua 3 phần mà chúng tôi đề cập đến, hẳn độc giả đã hiểu phần nào cái cốt lõi của y lý y học cổ truyền, cũng tiết lộ phần nào nguyên nhân tại sao nhân loại hiện tại lại rơi vào vòng xoáy bệnh tật. Để làm rõ hơn luận cứ này, chúng ta làm một phép đối chiếu những cốt lõi cơ bản nhất giữa truyền thống và hiện đại:

Truyền thống > < Hiện đại

  • Sống hòa hợp với tự nhiên theo lẽ “Đạo” > < Gây hủy hoại môi trường dẫn đến ô nhiễm nước, đất, không khí, thực phẩm
  • Thầy thuốc và bệnh nhân giao hữu bằng tình > < Bác sỹ và bệnh nhân giao hữu phần nhiều tại vật chất.
  • Tinh hóa của Đông là dự phòng biết bệnh từ trước > < Bệnh nhân có bệnh rồi mới tìm bác sỹ.
  • Đông y thăm khám, phòng trị bệnh toàn diện > < Y khoa hiện đại nhắm vào một khu vực, một cơ quan để điều trị.
  • Tâm và thân hợp nhất không tách rời trong Dưỡng sinh > < Con người hiện tại chú trọng vật chất, trong trị liệu cũng chỉ chú trọng phần vật chất – cơ thể, khiến thân tâm xa lìa nhau.

Đến đây hẳn có nhiều độc giả sẽ đặt câu hỏi: Vậy cụ thể làm thế nào để không trong vòng xoáy bệnh tật ấy nữa? Loạt bài vừa qua cũng chỉ là khái quát tổng thể nguyên lý phòng trị bệnh của y học truyền thống. Trong những kỳ tới, Đại Kỷ Nguyên sẽ gửi đến quý độc giả phương pháp phòng trị bệnh từ gốc, mà qua đó mỗi độc giả có thể giữ vai trò như một “Thượng y” biết trước tình trạng sức khỏe của bản thân và thân nhân… Cũng sẽ tự mình biết được thực phẩm nào là tốt đối với bản thân, mà tự lập cho mình một chế độ thực dưỡng như y lý cổ truyền, hơn nữa có thể tự phòng trị hay kiểm chứng được các phương pháp trị liệu nào là tốt đối với bản thân.

Chỉ cần kiên trì và chú tâm, độc giả sẽ được đón nhận những điều bổ ích và thú vị. Mời độc giả đón xem phần tiếp theo với tựa đề: Trăm ngàn bệnh quy về một mối – Phương pháp phòng trị bệnh từ gốc của Đông y.

(Còn tiếp)

Cao Sơn