Có lẽ cuộc sống chúng ta ngày càng bị phong bế bởi bệnh tật vây quanh. Đến nỗi, nhắc đến khám bệnh ai cũng thấy sợ, sợ vì khám ra bệnh, ra bệnh rồi phải điều trị, trị bệnh này rồi lại phát sinh bệnh khác, cứ lòng vòng vô tận mãi không ngừng. Biết tìm lời giải từ đâu đây?
Xã hội kinh tế phát triển kéo theo nhiều hệ lụy: Ô nhiễm môi trường – từ không khí, nước, cho đến thực phẩm như rau, thịt, trứng, cá… đều nhiễm độc rồi. Bệnh tật phát sinh ngày càng lắm lắm, có bệnh cũng trị nhiều rồi, thuốc cũng không kể cho hết được mà sao bệnh tật ngày càng nhiều thế này? Có kháng sinh giờ cũng đến lúc kháng thuốc rồi, tìm đâu được lối thoát? Đây dường như là thực trạng chung của xã hội hiện tại.
Kỳ thực, “Vật cực tất phản” (Lão Tử), mỗi sự việc, sự vật đều có chu trình tuần hoàn thay cũ đổi mới như “Tân trần đại tạ” của tế bào cơ thể chúng ta vậy. Vật cực nhiệt sẽ biến thành hàn (lạnh), cực hàn rồi sẽ biến thành nhiệt. Xã hội dường như đến chỗ bế tắc, nhưng trong bế tắc ấy là có lối thoát, không phải là không có hy vọng, chỉ có điều bạn có nắm chắc lấy cơ hội này hay không thôi! Hành trình cùng chúng tôi xuyên suốt lịch sử y học cổ đại bạn sẽ tìm được “lời giải” cho mình.
Xin đừng nóng vội, để thông suốt các vấn đề, đảm bảo không dừng lại một chặng đường nào, Đại Kỷ Nguyên chúng tôi sẽ phân “lời giải” thành từng phần để độc giả có thời gian theo dõi và chiêm nghiệm từng chút một. Mở đầu không thể không nói đến Đông y, vì đó là cốt lõi, là cái nôi văn hóa truyền thống đồng hành cùng nhân loại đến ngày nay.
Phần 1: Bàn về cái nhìn tổng trạng của Đông y đối với cơ thể
Lý luận theo Đông y, luôn luôn tâm niệm rằng mọi sự vật chỉ là một khía cạnh, một giác độ, một bộ phận, và rằng sự ấy vật ấy chỉ có lý do tồn tại khi nó được đặt vào bối cảnh của chính nó, với cái toàn thể mà nó là một thành phần. Ví như tạng thận chỉ là một bộ phận của cơ thể hoàn chỉnh, nó tồn tại vì lý do chức năng của nó trong cơ thể. Lý luận theo đường hướng ấy thì bắt buộc phải nương tựa vào phương pháp tổng hợp, chứ không chỉ nhìn sự vật rời rạc mà không biết nhận chân (nhận ra sự chân thực) sự liên quan mật thiết trong vạn vật, vốn dĩ chằng chịt, đan xen nhau như tạng phủ, kinh lạc trong cơ thể sống.
Bởi lẽ, mọi sự vật đều biến đổi, dịch hóa liên tục cho nên trong môi trường sinh hoạt của nhân loại, bất cứ vật gì cũng chỉ là tương đối, không thể có gì là tuyệt đối, đến tinh khiết như vàng cũng chỉ là 99,99 chứ không thể là 100. Làm thế nào có nổi một danh hiệu, một ý tưởng, một luận cứ, một kỹ thuật, một khoa học có tính cách tuyệt đối, khi mà chính bản thân chúng đã chỉ là những sản vật, những hệ thống tương đối, khi mà chính bản thân chúng luôn luôn ôm ấp trong bản chất tình trạng đối đãi phản nghịch của chính chúng, như đồ gốm cứng nhưng dễ vỡ, thép dai nhưng dễ han gỉ, vì lẽ biến dịch âm dương.
Vì vậy, ta không nên ngạc nhiên khi thấy người y sĩ phương Đông luôn luôn nhìn con người bệnh tật dưới nhãn quan toàn diện, hơn thế nữa, còn sẵn sàng đồng hóa thân thể với vũ trụ bên ngoài.
Nếu ở bên ngoài, giới tự nhiên theo sinh, trưởng, hoại, diệt thì ở bên trong, các chức năng của cơ thể cũng sinh, trưởng, tiêu, vong. Nếu Lão Trang quan niệm “Vạn vật dữ ngã duy nhất” (vạn vật với ta cùng là một), “Vạn vật độc nhất thể” (vạn vật cùng một thể) thì Đông y cũng song song chủ trương “Nhân thân tiểu thiên địa” (thân người là trời đất nhỏ), hoặc “Thiên nhân hợp nhất” (người và trời hợp một). Con người không thể nào tách rời ra khỏi giới tự nhiên để cô độc tồn tại và luôn luôn chịu ảnh hưởng của ngoại môi (môi trường bên ngoài); ngược lại, cũng có phần nào ảnh hưởng đến vũ trụ thông qua hoạt động của mình.
Đối với từng cơ thể một thì cái nhìn của y lý cổ truyền phương Đông cũng là một cái nhìn bao quát, toàn cảnh bởi vì “Tuy thủ túc dị nhậm, ngũ tạng thù quan” (tay chân khác việc, năm tạng khác chức) nhưng chúng vẫn là “Thường tương vi nhi biểu lý đãn tế”, từng cùng giúp nhau như trong ngoài biểu lý (Quách Tưởng chú thích Trang Tử).
Sự khác nhau giữa chức năng của tay chân, của can phế chẳng qua chỉ là do cái tính phận (tính chất chức năng bộ phận) của từng thành phần cơ thể, chỉ là một sự khác nhau cần thiết cho sự điều hòa sinh lý chính thường toàn thân, giống như trong một ban đại hòa tấu, mỗi âm thanh, mỗi nhạc khí có thể, và cần phải khác nhau, nhưng có khác nhau thì mới cùng nhau hòa điệu được. Điểm quan trọng là tuy khác “tính” nhưng mỗi tạng phủ, mỗi tổ chức phải “Các tư kỳ nhậm, các đương kỳ năng” (làm tròn nhiệm vụ, làm đúng khả năng: Quách Tượng) trong cộng đồng cơ thể.
Kết quả là Đông y thực tình không thể nào tưởng tượng nổi trong cái học về sự sống, chất sống, người ta lại có thể chia nhau, anh học cơ quan, chức phận này, tôi học tạng phủ, bộ máy kia rồi khi cần thì đem ráp cái biết của tôi, cái biết của anh vào với nhau để làm công việc mệnh danh là chẩn đoán bệnh tật hay khảo sát sinh lý. Đông y là xét toàn diện mối quan hệ chặt chẽ của các cơ quan chức năng, vì vậy Đông y khám trị bệnh là tổng thể.
Dẫn chứng cụ thể nhất cho luận cứ này là ý nghĩa của mạch chẩn: Dù chỉ chuyên về bệnh phụ nữ hay về thai sản, người lương y vẫn phải luôn luôn chẩn đoán bệnh tật trên toàn thể thân người qua phép bắt mạch, bởi mạch chính là cái gương phản chiếu tổng trạng, không bỏ sót cơ quan nào trong nội môi. Đấy là ta chưa nói đến bước đường cuối cùng của y thuật, tức là chữa trị bệnh tật: Đông y không bao giờ cho phép chỉ chữa riêng một chức năng, trái lại, trong điều trị bệnh kinh nguyệt chẳng hạn, lương y sẽ phối hợp những thuốc nhằm giúp kiện toàn tỳ vị, trấn định tinh thần và tăng cường lưu thông khí huyết.
Vì rằng các cơ quan tạng phủ là quan hệ chặt chẽ với nhau theo quan hệ tương sinh tương khắc của ngũ hành, một cơ quan nào đó bệnh không liên quan đến các cơ quan khác? Là độc lập? Nên cũng dễ hiểu, trị bệnh này cơ quan này tưởng chừng như xong rồi nhưng một thời gian những bộ phận kia, cơ quan kia lại phát bệnh. Cũng giống như bình thông nhau, chỉ lo nhấn phần nước bên này xuống mà không biết bên kia đã tràn rồi vậy.
Ví như có một con chim đại bàng và một con rùa cùng muốn quan sát một cái bàn. Con rùa bò lổm ngổm trên bàn, theo một chiều hướng nào đấy và gặp một cái bình. Nó ghi nhận sự kiện ấy, lại bò xa hơn, vẫn không có chiều hướng rõ rệt, lại vấp phải một cái gạt tàn thuốc. Cứ tiếp tục như thế và dần dà nó thiết lập được một bản liệt kê những vật dụng gặp liên tiếp, nhưng không lại biết được chắc rằng bản danh mục đó sẽ đầy đủ hay không, bởi lúc xuất pháti nó không hề ý thức nổi kích thước của cái bàn. Điều này cũng dễ hiểu một thực tế ngày nay, khi nhận thấy rằng hôm nay dò dẫm được thực phẩm này có lợi, ít lâu sau đó nó lại được công bố là có hại, dần dà không còn biết ăn gì nữa phải không?
Chim đại bàng thì trái lại, khởi đầu tung cánh lên cao để quan sát trước hết toàn bộ cái bàn, ghi nhận những biên giới của bàn, số lượng, bản chất các vật dụng trên bàn cùng mối tương quan giữa chúng với nhau. Rồi sau đó, nó mới chao cánh hạ mình đến gần từng vật dụng một để khảo sát mỗi vật dụng một cách chi tiết hơn.
Qua hai con vật tượng trưng ấy, chúng ta chắc chắn đã nhận ra những bước chân nghịch chiều của hai phương pháp phân tích và tổng hợp, cũng như tiến trình chuyển dịch từ phương pháp này qua phương pháp kia. Khởi đầu từ một loạt những phân tích riêng rẽ – mà số lượng bắt buộc là bị hạn chế, thì phép tổng hợp trong tình cảnh con rùa không thể trọn vẹn và cứ đành phải sửa đổi mãi, dựa vào những phát giác mới của con vật loài bò sát. Trong khi sự phân tích tiếp theo của tổng hợp tiên quyết, theo lề lối của chim đại bàng thì sẽ là vĩnh viễn, trọn vẹn vì nó chiếu cố đến cả toàn thể vấn đề.
Lợi điểm to lớn của đường hướng tổng hợp là người thầy thuốc nắm vững tinh thần y lý phương Đông, có khả năng phát giác một bệnh tật trước khi chúng xuất hiện dưới hình thức lâm sàng bằng nghệ thuật chẩn mạch định tính, có thể có khả năng chữa lành được cho người bệnh khi bệnh nhân chưa hề đau ốm. Nhưng đáng tiếc ngày nay y sinh chỉ học lý thuyết nhiều mà rất ít thực hành, học mười mà chỉ dùng hai, mạch lý cũng chỉ còn là lý thuyết trên giấy vở, ngũ hành cũng chỉ còn là hình thức, còn mấy ai hiểu nổi ngũ hành? Chẩn đoán điều trị đều phải dựa vào giải phẫu, có bệnh rồi mới biết, tâm cũng không còn hòa điệu với bệnh nhân rồi, thật đáng buồn thay!
Bàn về sự trao truyền y lý cũng là có khác biệt rất lớn:“Khả dĩ ý hội bất khả dĩ ngôn truyền” (có thể lĩnh hội bằng ý chứ không thể lĩnh hội bằng lời); thực vậy, không một danh sư nào có khả năng giảng dạy được hết và nhất là từng trường hợp bệnh lý cho môn sinh. Vì bệnh tật thì thiên hình vạn trạng, mà mỗi ca bệnh lý lại là một ca riêng rẽ, không ca nào giống ca nào kể cả những ca cùng xảy ra trên cùng một cá nhân và cùng do một nhân tố gây bệnh. Vậy thì học y khoa chỉ có thể là hội ý, đọc y thư chủ yếu là đọc giữa các hàng chữ.
Cho nên lề lối đào tạo y sĩ của phương Đông ta xưa có một nét đặc biệt: Y sinh không cần phải phí quá nhiều công sức và thời lượng để học hỏi những bộ môn nay ta gọi là “khoa học căn bản”, mà thường tiếp xúc ngay với bệnh nhân, làm quen liền với bệnh tật, tập làm luôn các bệnh án. Đây là một quan niệm giảng huấn y khoa có thể xem là con đẻ của tư tưởng Lão Trang, vốn rất trọng cái Dụng, và trong trường hợp này là cái Dụng của tri thức y khoa: Là y sĩ, đương nhiên phải biết bệnh tật nhiều hơn bất cứ điều gì khác, bởi lẽ giản dị trị bệnh, ngừa bệnh là cái dụng của y Đạo. Ở đây, không thể có những tri thức thừa thải liên hệ đến các vấn đề mà có khi trọn đời phục vụ nghề nghiệp, người thầy thuốc không hề có dịp dùng đến. Ở đây, danh sư giảng dạy y học cho y sinh không ai ngoài chính bản thân bệnh nhân, và người lương y trước hết là một nhà lâm sàng giỏi.
Chính lề lối đào tạo y sĩ trong đường hướng đặt rất nặng tự học tập y khoa trên bản thân bệnh nhân ấy cắt nghĩa phần nào một vài khía cạnh truyền y thuật. Chẳng hạn khả năng của các châm y có thể nhận định những huyệt vị chỉ lớn chưa đến một ly vuông trên làn bì phu (da) mênh mông một cách chính xác rất tài tình. Trong khi đó, các đồ hình châm cứu học lại rất thô sơ và các điểm tựa cơ thể học thì lại ít được Đông y chú ý đến.
“Trăm hay không bằng tay quen” chính là vũ khí sắc bén nhất và thích ứng nhất cho khoa châm để vĩnh truyền bí thuật. Mà thực ra thì cũng chỉ có mỗi một loại vũ khí ấy là có thể đáp ứng được nhu cầu tập nghệ vừa sinh động vừa thực tiễn của Đông y.
(Còn tiếp)
Cao Sơn