Tam cương, ngũ thường không chỉ đơn thuần là tiêu chuẩn đạo đức được lưu lại từ ngàn xưa, nhân luân ngũ thường, bản tính và thói quen sinh hoạt hằng ngày thực sự có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
“Tam cương ngũ thường” là khái niệm đạo đức của Nho gia. Tam cương: tam là ba, cương là giềng mối, đây là ba mối quan hệ: quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu thê (chồng vợ). Ngũ thường: ngũ là năm, thường là hằng có, ngũ thường là năm tiêu chuẩn đạo đức cần có trong cuộc sống thường ngày, gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đây không đơn thuần là tiêu chuẩn đạo đức mà cổ nhân lưu lại, nhân luân ngũ thường, bản tính và thói quen sinh hoạt hằng ngày thực sự có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
Nhân đức dưỡng can
Đứng đầu trong ngũ thường là “Nhân” (lòng nhân từ, nhân ái), tạng phủ tương ứng là “Can”. Can được đề cập ở đây không phải gan mà Tây y thường nói đến, mà chỉ một loại chức năng và trạng thái của tạng khí (cơ quan tạng) bên trong cơ thể. Tạng phủ, kinh lạc và thất khiếu (hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng) là liên thông. Can liên thông với mắt, bởi vậy khi tạng này có vấn đề thì mắt có vấn đề.
Người giàu lòng nhân ái có thể dễ dàng quan sát được. Bề ngoài của họ hiền lành, thiện lương, khoan dung, nhẫn nại, yêu thương mọi vật, cử chỉ lễ độ, bất cứ lúc nào cũng vui vẻ trong tâm. Cách đối nhân xử thế cũng biểu hiện ra vẻ dịu dàng khoáng đạt, có thể che chở, bao dung cho mọi người, có thể nói là “Từ mi thiện mục”, tức là từ ánh mắt nhìn thấy sự thiện lương.
Giáo sư Elma giảng dạy tại đại học Stanford, Mỹ từng làm một thí nghiệm nổi tiếng. Ông thu thập hơi thở của người tức giận, bi thương, phiền não thở ra rồi dẫn vào một cái chai có đựng nước thuốc. Ông phát hiện màu sắc của nước ở trong chai này có sự thay đổi. Hơi thở của người tức giận làm cho nước chuyển thành màu tím, của người bi thương khiến nước chuyển thành màu xám. Sau đó ông đổ nước này lên những con chuột, một khoảng thời gian thì chúng run rẩy và chết. Thực nghiệm này chứng minh rằng, khi tức giận cơ thể sẽ sản sinh ra độc tố.
Điều chúng ta nhận lại mỗi lần tức giận là mệt mỏi và rất có thể bị tê bì chân tay. Tại sao lại như vậy? Bởi khi đó máu sẽ dồn lên não nhiều hơn và không thể lưu thông tới tứ chi dẫn tới tê tay. Một người thường xuyên tức giận sẽ làm kinh lạc bị tắc nghẽn, co lại, lâu ngày sẽ dẫn tới các loại bệnh nan y ảnh hưởng tới tuổi thọ. Khi nhân từ hòa ái sẽ không tổn hao tinh lực và khí huyết luôn lưu thông. Can khí dồi dào không ngừng sinh sôi có thể dưỡng tạng can và trường thọ. Bởi vậy, nhân đức có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tuổi thọ.
Nghĩa đức dưỡng phế
Người có nghĩa đức luôn thấy vui vẻ và thường có cử chỉ hào hiệp. Bạn bè xung quanh họ cũng coi trọng nghĩa khí và luôn sẵn sàng giúp người đang trong hoàn cảnh khó khăn hiểm trở. Cũng bởi thế họ sẽ có được nhiều duyên lành và có bạn bè sẵn sàng xả thân vì nghĩa.
Theo Trung y, nghĩa đức tương ứng với phế thuộc hành kim, như vậy nghĩa đức còn được hiểu là “kim đức”. Kim đức chính là gốc của một lá phổi khỏe mạnh, cũng là bộ máy cao nhất điều tiết năng lượng. Như vậy một người phế khí (tức khí huyết ở phổi) không đủ cũng tức có vấn đề về “nghĩa đức”. Phế khai khiếu ở mũi, một khi mũi có vấn đề thì phế cũng có vấn đề và tương ứng là “nghĩa” của người này cũng là chưa tốt.
Mặt trái của “nghĩa” chính là quá khích. Nghĩa tương ứng với “tinh”, tinh trong văn hóa truyền thống của Trung quốc cổ đại là đại biểu của thu liễm (thu tàng), là mùa thu. Mùa thu là thời gian rụng lá đầy trời, gió thu tiêu điều, lúc này là khí xác xơ tiêu điều, do đó nói người kim khí tương đối thịnh vượng, sát khí cũng tương đối nặng.
Cổ nhân giảng gọi là sát khí, tức là rất thích moi móc lỗi lầm của người khác. Người loại tính cách này, rất dễ bị bệnh phương diện kim, bị bệnh phương diện phế kinh.
Người kim khí quá thịnh nếu cứ tiếp tục phát triển, thế sẽ là một tính khí cô độc lẻ loi, trong Trung y thất tình, gọi là phế bi thương, một người vô cùng cô tịch – bi lương, dễ làm tổn thương phế khí.
Người kim khí quá nặng cần học cách khoan dung và mỉm cười. Từ hôm nay trở đi sẽ tập luyện một việc, tức là ngày ngày mỉm cười. Bởi vì con người chỉ cần là cười, khí căng thẳng của toàn thân được thả lỏng, tạng khí được thư giãn khoan khoái, tạng khí một khi được khoan khoái, bệnh ắt khỏi.
Lễ đức dưỡng tâm
Lễ ứng với hỏa trong ngũ hành, với tâm trong ngũ tạng và mùa hạ trong bốn mùa. Hoàng Đế nội kinh giảng: “Tâm giả, quân chủ chi quan; chủ minh tắc hạ an, chủ bất minh tắc thập nhị quan nguy” nghĩa là tâm có tác dụng chủ đạo, làm chủ tinh thần của cơ thể.
Người giàu lễ đức, hành sự thường quang minh lỗi lạc bởi vì trong lòng tỏa ra ánh hào quang. Họ luôn được gia đình, họ hàng tôn trọng, đồng nghiệp, bạn bè cũng biểu lộ sự ngưỡng mộ. Bởi vì họ quang minh lỗi lạc, thấu tình đạt lý và không làm rối ren mọi chuyện. Họ cũng luôn biết giữ gìn khuôn phép, tự giác tuân thủ quy tắc, hiểu rõ điều gì nên làm và không nên làm.
Ở trạng thái thuần chính tự nhiên tâm luôn rộng mở và hướng lên phía trước. Thù hận là trạng thái bất thuần gây tổn hại tới tim. Nó phát xuất từ nội tâm và hướng ra ngoài, nhưng khí độc sinh ra lại tích tụ vào trong và gây ra các loại bệnh như tim mạch vành, hồi hộp, đánh trống ngực…
Tâm của một người ở trạng thái hỉ hoan thì khí mạch sẽ thông suốt cơ thể sẽ khỏe mạnh.Theo thống kê, trẻ nhỏ dưới ba tuổi bình quân cười 170 lần một ngày, nên tâm mạch chúng luôn thông suốt và hồn nhiên vui vẻ. Do đó điều chỉnh tâm thái được tốt thì bệnh tật của tạng tâm được hoãn giải.
Trí đức dưỡng thận
Trí ở đây là trí tuệ của một người. Trí đối ứng với thủy trong ngũ hành và mùa đông trong bốn mùa. Một người muốn có trí tuệ trước tiên cần khiêm tốn, “kiêm thính tắc minh” (lắng nghe ý kiến của các bên để nhận rõ phải trái). Người có trí đức, sẽ không bị mê hoặc bởi thanh sắc, lại cực kỳ khiêm tốn. Họ không tranh giành trục lợi, ôn hòa nhã nhặn, bình đạm không tham lam, hiểu rõ đúng sai, có khả năng thích ứng lại không câu nệ hình thức. Muốn người này tròn liền tròn, dẹt liền dẹt, họ có thể linh hoạt điều chỉnh bản thân thích ứng với hoàn cảnh sống xung quanh.
Đây là biểu hiện của những người thận khí luôn dồi dào, đầy đủ. Còn trái lại thận khí không đủ tính tình sẽ dễ cáu kỉnh, bất an, luôn có cảm giác bị áp lực có thể do lo sợ không hoàn thành công việc, mất mặt và do làm điều xấu sợ người khác phát hiện.
Theo Đông y, những biểu hiện của cơ thể như đau lưng, mỏi chân, hoa mắt, chán ăn, tinh thần chán nản… đều là do tổn thương thận. Một nguyên nhân điển hình dẫn tới điều đó là do phóng túng sinh hoạt phòng the quá độ. Cổ nhân thường dạy, “Thận chủ cốt sinh tủy, não vi tủy chi hải” tức là: Thận tàng tinh mà tinh lại sinh tuỷ, tuỷ ở trong xương để nuôi dưỡng xương cho nên gọi thận chủ cốt sinh tuỷ. Thận khí đầy đủ thì xương cốt khỏe mạnh. Thận chủ cốt tủy, nên thận khí đầy đủ hệ thống cốt tủy cũng sung mãn. Tủy xương trong cột sống lại tiếp liền với đại não nên một người thận khí đầy đủ sẽ sáng suốt và có trí huệ.
Ngược lại, nếu thận khí thường xuyên tiết ra thì cốt tủy sẽ khô héo. Cốt tủy khô héo làm tinh hoa trong đại não sẽ chảy ngược vào cốt tủy, khiến người này không minh mẫn, cơ thể dần bị suy bại. Đông y nhìn nhận, thận khí không đủ là vấn đề căn bản nhất trong đạo dưỡng sinh. Tất cả tinh hoa dư thừa trong lục phủ ngũ tạng đều dự trữ trong thận giống như ngân hàng năng lượng của cơ thể. Nó thu nạp tất cả năng lượng để tích trữ và dự phòng khi cơ thể có nhu cầu, phòng khi có bệnh.
Thực tế, “tinh” trong “tinh, khí, thần” chính là cốt tủy. Khi cốt tủy không đầy đủ thì trí tuệ, trí lực, thể lực và sức đề kháng sẽ giảm. Nói một cách đơn giản, tinh tủy, thận tinh và cốt tủy của cơ thể giống như bộ phận hậu cần, cấp dưỡng của hệ thống phòng vệ trong quân đội. Nếu rút hết bộ phận hậu cần thì hệ thống phòng vệ hoàn toàn sụp đổ, cơ thể sẽ sinh bách bệnh. Các loại bệnh tiểu đường, tai biến, loét cổ tử cung, ung thư tử cung và nhiều loại bệnh khác sinh ra đều có liên quan tới thận khí.
Tín đức dưỡng Tỳ
“Tín” ở đây chính là giữ lời hứa, là thành tín. Nó đối ứng với tỳ trong ngũ tạng, thổ trong ngũ hành và mùa hạ trong tứ mùa. Cổ nhân thường nói, giữ chữ tín có thể đi khắp thiên hạ, thất tín là sự phá sản lớn nhất của đời người.
Người thiếu tín đức thường hay đa nghi, xử sự đối với mọi người ngang ngược vụng về, hay oán trách và sinh sự vô cớ. Bản thân sai nhưng không chịu nhận còn tìm lý do tự biện hộ và giải vây.
Người không có tín đức sẽ làm tổn thương tỳ vị, trong lòng buồn bực sinh ra đầy hơi, sinh ra nhiều bệnh liên quan đến dạ dày, như viêm, loét dạ dày. Khi có vấn đề về dạ dày, nên tự hỏi mình, phải chăng tín đức đã không còn mạnh mẽ? Người thiếu đi tín đức, dễ dàng hụt hơi, khí hư, đường ruột không tốt, cảm giác tứ chi đều không có chút sức lực.
Cho nên có thể thấy, tất cả các loại bệnh trên thân thể chúng ta liên quan mật thiết tới tâm của chính bản thân ta. Nếu như dùng thuốc thì nhiều khi chỉ là phí sức, tốn tiền. Khi có thể khai thông được sự bế tắc trong tâm mình thì bệnh tình sẽ được cải biến, đây chính là sự ảnh hưởng của “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” đến nội tạng và sức khỏe.
Liên Hoa – Kiên Định